Minh bạch thị trường phát điện cạnh tranh

Minh Phương 28/07/2017 08:05

Tỷ lệ công suất đặt các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường mới chỉ chiếm 49% toàn hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin mới chỉ đáp ứng được yêu cầu cơ bản trong khi đó công tác dự báo đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải được nâng cao hơn nữa.

Ngoài ra, cần một đội ngũ nhân lực cao để có thể vận hành một thị trường điện cạnh tranh thật sự hoàn hảo… Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội nghị “Tổng kết 5 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh” do Bộ Công thương tổ chức sáng 27/7.

Thị trường phát điện cạnh tranh đòi hỏi rất cao về cơ sở hạ tầng thông tin.

“Vấp” nhiều khó khăn

Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sau 5 năm vận hành (kể cả 1 năm thí điểm là 6 năm), thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt một số kết quả.

Theo đó, tính đến hết tháng 6/2017, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 76 nhà máy với tổng công suất đạt 20.728 MW tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).

Không chỉ số lượng nhà máy tham gia tăng nhanh, công tác vận hành cũng được đảm bảo an toàn liên tục, thông tin về kế hoạch vận hành cũng được công bố đầy đủ cho các thành viên tham gia thị trường góp phần gia tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh đã trở thành động lực cho các nhà máy vận hành hiệu quả hơn.

Sản lượng của các nhà máy điện tham gia thị trường lớn hơn và từng bước thu được lợi nhuận. “Và quan trọng, hoạt động của thị trường điện cạnh tranh đã góp phần làm ổn định hơn hệ thống điện quốc gia, một mặt các nhà máy tham gia thị trường hoạt động để làm sao đạt hiệu quả kinh tế nhưng vẫn luôn đảm bảo tính ổn định, an toàn” – Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.

Không phủ nhận những kết quả đạt được, song nhiều nhà máy điện cũng cho biết, trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, đã vấp phải không ít khó khăn, nhất là khó khăn trong thanh toán, quy trình vận hành...

Ông Ngô Trí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - TKV cho biết, hiện các nhà máy điện chỉ được thanh toán 80% giá trị hợp đồng đã ký.

Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh DN. Bên cạnh đó, nhà máy điện phải thanh toán tiền mua bán than theo tuần trong khi chu kỳ thanh toán tiền điện phải 50 ngày mới được thanh toán. Từ đây, công ty luôn bị phát sinh các chi phí lãi vay, vì chậm thanh toán là bị tính lãi.

“Chúng tôi phát sinh chi phí đi vay để thanh toán hợp đồng mua than, nếu chậm thanh toán lại bị tính lãi. Do vậy, đề nghị Bộ làm sao có thể xem xét rút ngắn được chu kỳ thanh toán tiền điện giúp nhà máy điện tránh phát sinh những chi phí ngoài mong muốn”, ông Thịnh nói và cho biết, nhiều nhà máy điện khác cũng gặp phải khó khăn này.

Sẽ xem xét rút ngắn thời gian thanh toán

Chia sẻ với những khó khăn mà các nhà máy đang vướng phải, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng, rút ngắn thời gian thanh toán là một trong những vấn đề đang được các DN quan tâm nhất khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.

Hiện nay, thời gian thanh toán đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, trong mỗi nhà máy đều có hợp đồng mua bán điện, trong đó có quy định rõ thời gian thanh toán.

Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay, việc sử dụng chữ ký số có thể rút ngắn thời gian thanh toán nên Cục đang đề nghị EVN chỉ đạo công ty mua bán điện trao đổi nghiên cứu phương án này.

Một vấn đề nữa mà nhiều nhà máy quan tâm đó là việc chào giá. Theo ông Tuấn, do đặc thù các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào điều kiện nước về nhanh hay chậm, sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động dẫn đến việc chào giá không kịp thời, do đó, sẽ xem xét để tạo điều kiện cho các nhà máy chào giá lại.

“Hạ tầng cơ sở của A0 hiện nay chưa đáp ứng được, nên tới đây sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp để hạ tầng cơ sở tạo điều kiện cho các nhà máy tiến hành chào giá lại” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Ghi nhận những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thị trường điện cạnh tranh, song Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng vẫn nhấn mạnh về việc, đây là thị trường rất cần một cơ sở hạ tầng thông tin phải mạnh, phải hiện đại trong khi đó, cơ sở hạ tầng thông tin của ta hiện nay mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một thị trường điện. Còn rất nhiều thứ phải đầu tư nâng cấp thì mới có thể đạt được tới một thị trường vận hành hoàn hảo.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Vượng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của thị trường điện cạnh tranh đó là khả năng dự báo phụ tải.

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu, ngành điện cần nâng cao năng lực dự báo phụ tải vì đây là yếu tố liên quan đến chiến lược phát triển thị trường, lợi nhuận có đạt được cao hay không phụ thuộc chính vào công tác dự báo chuẩn hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thị trường phát điện cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO