Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

08/06/2016 11:02

Theo BIDV, Chính phủ cần giao Bộ Tài chính đầu mối xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ngay trong quý III-2016...

Nợ công áp sát trần

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, trong giai đoạn 2011- 2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Theo đó, cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.

Đáng lưu ý, theo nhiều chuyên gia, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt. Cụ thể, nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc: trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay; còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở: chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán. Theo đó, nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội (ASXH) và một số địa phương. Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%.

Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ công tối ưu (nhằm đảm bảo nợ công là động lực giúp tăng trưởng kinh tế) thông thường cho các nước phát triển là 90%, các nước đang phát triển có nền tảng tốt là 60% và có nền tảng kém là 30-40%. Vì vậy, mức ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra là 65% là phù hợp với thông lệ quốc tế; và việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro.

Hiệu quả sử dụng không cao

Nền kinh tế có mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Việc đầu tư dàn trải dẫn tới hiệu quả không cao, nhất là đầu tư công và DNNN. Theo WB, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn 2006 - 2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011 - 2014, chỉ đứng sau Ấn Độ là 7,31 tại Châu Á.

Một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển: Tỷ lệ trả nợ trong kỳ/dư nợ vay của Chính phủ và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ở mức khoảng 14,2% năm 2014 (số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố) và lên đến 16% năm 2015 theo ước tính của WB. Việc dành đến 14%-16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng NSLĐ, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác.

Cơ cấu chi ngân sách không bền vững, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nợ công: Trong giai đoạn, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm.

Công tác quản lý nợ công có bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế: Trong giai đoạn, công tác quản lý nợ công đã được cải thiện tuy nhiên, việc phân bổ mang tính chủ quan, dàn trải, hiệu quả thấp, số liệu thống kê không thống nhất, thiếu tính kịp thời, đặc biệt, việc quản lý ODA vẫn còn khá phức tạp.

Trung tâm Nghiên cứu của BIDV đưa ra một số giải pháp:

Nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công

- Bộ Tài chính đầu mối xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ công: (i) Phối hợp cùng Bộ KH&ĐT đề xuất các phương án tăng cường phát hành TPCP 10-15 năm nhằm tăng tính chủ động trong trả nợ; (ii) Đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, mở rộng đối tượng cho vay đến doanh nghiệp và các TCTD; và tăng cường trách nhiệm của người vay lại (iii) Nghiên cứu cơ chế huy động vốn vay OCR/ IBRD.

- Gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu NSNN, ngành tài chính-ngân hàng, các DN và nền kinh tế. Cụ thể:

+ Về NSNN: Từng bước thực hiện cân đối thu chi: (1) Về nguồn chi: Triệt để tiết kiệm; Đề xuất xã hội hóa các khâu, các lĩnh vực, các ngành nghề có thể xã hội hóa được; Thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài NSNN như mô hình hợp tác công tư (PPP); (2) Về nguồn thu: (i) Mở rộng cơ sở thuế; (ii) Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; (iii) Hạn chế gian lận thương mại và hạn chế tiền mặt để chống thất thu thuế; (iv) Nghiên cứu bổ sung một số loại thuế về môi trường...

+ Về phía DN: Hoàn thiện hệ thống pháp lý về: thành lập tổ chức định mức tín nhiệm và tổ chức xếp hạng trong nước; quy chế thành lập và hoạt động trung tâm thông tin DN nhằm minh bạch hóa thông tin và khuyến khích các DN phát hành trái phiếu, giảm dần bảo lãnh của Chính phủ cho DN, DNNN trong vay vốn trong và ngoài nước, tiến tới DN tự vay tự trả.

+ Về phía hệ thống tài chính-ngân hàng: xây dựng và vận hành thị trường trái phiếu hiện đại. Đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán tạo kênh dẫn vốn trung-dài hạn; hoàn thành tái cơ cấu các TCTD...

+ Khắc phục hạn chế chính- vốn đối ứng của dự án ODA: Chính phủ rà soát, ưu tiên bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình/dự án ODA triển khai đúng theo tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ; Đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng với sự cho phép thành phần kinh tế tư nhân tham gia.

Tăng cường kỷ luật NSNN và phối hợp chính sách

Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp các Bộ ngành, địa phương: (i) Rà soát việc thực hiện dự toán chi ngân sách năm 2016; (ii) Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư từ vốn NSNN giai đoạn 2015-2020 và vốn TPCP trên cơ sở bám sát định hướng Chiến lược phát triển KT-XH các giai đoạn của cả nước, các Bộ ngành, địa phương.

Phát triển nội lực của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

- Tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN, nhà đầu tư và người dân nhằm: thúc đẩy phân bố nguồn lực, phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nước lên >30%. Chính phủ, các Bộ ngành và DN đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nhằm: Nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và đầu tư công; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu.

- Phát triển cân bằng hệ thống tài chính nhằm mở rộng nguồn huy động tài trợ cho nợ công trong nước: nợ công trong nước chủ yếu qua phát hành TPCP và đa số do các NHTM nắm giữ, nguyên nhân là do hệ thống tài chính hiện đang phụ thuộc khối ngân hàng, trong khi TTCK và trái phiếu chưa phát triển. Theo đó, yêu cầu trước mắt là tăng cường năng lực tài chính của các NHTM, sau đó phải nhanh chóng có biện pháp phát triển đồng bộ và tiếp tục mở rộng quy mô các thị trường trong hệ thống tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO