Nâng sức cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam

Nguyên Khánh 23/12/2018 08:00

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Mục tiêu phấn đấu tới năm 2020, cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm này, công nghiệp hỗ trợ vẫn gặp không ít khó khăn để phát triển.

Nâng sức cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư mạnh vào công nghệ là con đường nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Công xưởng lớn của thế giới”

Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018 kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp (DN) lớn, có tầm cỡ và khả năng cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.

Theo số liệu của Bộ Công thương, số DN đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động. Hiện nay, DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cả nhà quản lý và các DN.

Vì sao công nghiệp hỗ trợ cứ phát triển chậm chạp như vậy? Nhìn từ phía cơ chế, chính sách, hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điển hình như Nghị định số 111 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định 68 năm 2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016-2025…

Đặc biệt, Quyết định 598/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 cũng yêu cầu tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ một số DN công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may, da giày, linh kiện điện tử, ô tô...

Thế nhưng cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện. Chẳng hạn, chính sách thu hút các DN FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các DN này và các DN công nghiệp hỗ trợ chưa được hình thành…

Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách này, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành. Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các DN để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.

Từ những hạn chế đó, tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo rằng, Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN. Cho nên một khát vọng cho nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ ô tô, xe máy mà có thể cả Boeing khi người ta đã sản xuất cánh cửa ở Việt Nam.

“Chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam là như thế nào, nhất là trong thời điểm hiện nay. Tôi mong các nhà nghiên cứu, các bộ có chức năng suy nghĩ để Việt Nam thành một công xưởng thực sự trong sản xuất công nghiệp nói chung và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thủ tướng yêu cầu cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, việc quan trọng là nhấn mạnh vai trò của các DN đầu tàu trong công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc các DN cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Nâng sức cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam - 1

Gỡ “nút thắt cổ chai”

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam thì hiện vẫn còn nhiều “nút thắt cổ chai” khiến phát triển toàn ngành công nghiệp phụ trợ khó bền vững. Cụ thể: 2/3 lượng sợi sản xuất trong nước (khoảng 750.000 tấn) phải tìm đường xuất khẩu trong bối cảnh thị trường thế giới liên tục thay đổi và giá cả liên tục giảm;

Toàn ngành lệ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu (lượng vải nhập năm 2017 là 6,5 tỷ mét trong khi nhu cầu nội địa là 9,5 tỷ mét); khiến DN mất đi tính chủ động trong kinh doanh; hạn chế sự sáng tạo và khó có thể nâng cao giá trị sản xuất. Ngoài những DN FDI lớn sở hữu cả chuỗi cung ứng trong đó có nhuộm, chỉ có vài doanh nghiệp lớn trong nước có khâu đoạn nhuộm nhưng quy mô nhỏ và chất lượng ở mức trung bình. Hầu hết các DN nhuộm nhỏ trong nước tồn tại ở các làng nghề, phân tán, công nghệ lạc hậu, thiếu đầu tư vào xử lý nước thải gây ảnh hưởng tới môi trường nên chỉ hoạt động ở mức cầm chừng.

Việc phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào khiến hiện tại Việt Nam khó thoát khỏi phương thức gia công tại phân khúc may vốn có giá trị sản xuất rất thấp và khai thác cạn kiệt nguồn lao động. Nguyên nhân của “nút thắt cổ chai” trong ngành dệt may chủ yếu là do điểm đứt gẫy tại phân khúc nhuộm do nhận thức về ngành này chưa đúng, đủ.

Thứ 2, chưa có chính sách quy hoạch vùng miền nhất quán tại địa phương dẫn đến thiếu hạ tầng cơ sở phục vụ ngành, thiếu khu công nghiệp đặc thù chuyên ngành được trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn.

Thứ 3, doanh nghiệp nội thiếu kinh nghiệm, hạn chế về trình độ kỹ thuật, thiết bị máy móc và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, trong khi nhuộm gia công là giải pháp tối ưu không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, cực nhỏ mà còn giúp tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường thì tại Việt Nam, hình thức này không được khuyến khích và cho phép tại rất nhiều địa phương khiến nhà đầu tư e ngại khi triển khai khâu đoạn này.

Từ đó, Hiệp hội Bông Sợi đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp chuyên ngành, đặc thù cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may. Bổ sung chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng nhà máy nhuộm hoặc tổ hợp dệt - nhuộm - hoàn tất vải; rà soát hành lang pháp lý, loại bỏ các giấy phép con, cho phép nhuộm gia công (trong điều kiện tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường). Bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích việc triển khai, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may.

* Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm xác định rõ những vấn đề của công nghiệp hỗ trợ, các giải pháp cần thực hiện, không chỉ nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam.

* Đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp có khả năng canh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng sức cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO