Nghịch lý thương hiệu Việt

Minh Phương 10/02/2017 07:05

Hàng loạt các sản phẩm của Việt Nam như dứa, cà rốt, cà phê, ca cao… được các DN xuất khẩu thu mua nhưng khi đóng gói và dán nhãn mác thì lại mang danh của các DN nước ngoài...

Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có sự tăng trưởng ngoạn mục. Con số 175,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2016 so với con số 50 tỷ USD năm 2006, hay vị trí là một trong 35 nền kinh tế xuất khẩu tốt nhất thế giới cho thấy những đột phá của nền kinh tế Việt Nam sau khi tham gia WTO. Thế nhưng, điều đáng nói là, thành tựu xuất khẩu như vậy, nhưng dường như người tiêu dùng thế giới ít biết đến các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Xoài Việt bán tại Úc.

Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngay trong năm đầu tiên gia nhập WTO đã có mức tăng trưởng ngoạn mục 31,3% so với năm 2006.

Sau 10 năm chính thực là thành viên của WTO thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2016 đã đạt 350,7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với kết quả đạt được của năm 2007.

Sự phát triển về ngoại thương hàng hóa của Việt Nam còn được khẳng định qua bảng xếp hạng về giao dịch thương mại hàng hóa của Việt Nam qua các năm.

Nếu như năm 2006, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lần lượt ở vị trí 50 và 44 trên toàn thế giới, thì đến năm 2015, xuất khẩu đã tăng tới 23 bậc, xếp ở vị trí thứ 27; trong khi nhập khẩu cũng tăng 16 bậc, xếp ở vị trí thứ 28 trong tổng số các nước, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng đã vượt qua Indonesia, xếp ở vị trí thứ 4 cả về trị giá xuất khẩu và nhập khẩu vào năm 2015.

Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn luôn nằm trong top “triệu đô” và trong 10 năm qua, vẫn luôn có sự tăng trưởng tốt. Mặc dù có nhiều thành tích xuất khẩu như vậy, nhưng đáng buồn là, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam lại ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Đơn cử, cà phê là một trong những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu luôn đứng trong top đầu lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm thủy sản vào thị trường Mỹ, nhưng trong danh mục các công ty nhập khẩu cà phê vào Mỹ, không có cái tên cà phê nào của Việt Nam.

Hay đối với gạo cũng vậy. Ai cũng biết, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan về kim ngạch xuất khẩu gạo, thế nhưng thế giới lại chỉ biết đến gạo Thái Lan, mà ít ai biết đến gạo Việt Nam.

Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc có lần chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết đã bày tỏ rất nhiều băn khoăn khi cho hay, Trung Quốc nhập các sản phẩm nông sản, trong đó có gạo Việt với số lượng rất lớn, thế nhưng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng nước này thì hoàn toàn lại là của DN Trung Quốc, chứ không phải là của Việt Nam.

Ông Bùi Huy Hoàng cũng cho biết thêm, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất ra nước ngoài, thường lấy tên chung như: Gạo trắng hạt dài, gạo 5% tấm, gạo 25% tấm… hoàn toàn không có thương hiệu cụ thể nào. Đó là lý do tại sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại không có giá trị gia tăng cao.

Tương tự, nhiều sản phẩm nông sản khác cũng ở tình trạng “mất danh”. Theo chia sẻ của một chuyên gia ngành nông nghiệp, ông được biết hàng loạt các sản phẩm của Việt Nam như dứa, cà rốt, cà phê, ca cao… được các DN xuất khẩu thu mua nhưng khi đóng gói và dán nhãn mác thì lại mang danh của các DN nước ngoài, sở dĩ họ phải làm như vậy là vì đó là yêu cầu của phía bên nhập khẩu. Vô hình chung, chúng ta lại đang phải gia công, làm thuê cho DN nước ngoài.

Tìm lời giải

Nguyên nhân của thực trạng này đã được các nhà phân tích không ít lần nêu lên, đó là bởi các DN Việt vẫn chưa chú trọng xây dựng thương hiệu.

Chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, không tạo thương hiệu riêng cho nên, nhiều nhiều sản phẩm hàng hóa của DN Việt dù đã vươn ra các thị trường thế giới nhưng vẫn không để lại dấu ấn gì với người tiêu dùng thế giới.

Năm 2016 là năm xuất khẩu rau củ quả có bước đột phá ngoạn mục. Lần đầu tiên xuất khẩu lĩnh vực này vượt lên trên hết tất cả các lĩnh vực nông lâm thủy sản khác. Đó là một sự nỗ lực lớn của các DN trong ngành rau củ quả của Việt Nam, thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra, liệu ngành này có “theo chân” các ngành khác như gạo, cà phê và những nhóm hàng nông sản khác?

Đó là cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ và nổi trội về kim ngạch xuất khẩu, nhưng chủ yếu về sản lượng mà bỏ qua chất lượng. Để rồi cà phê hay gạo cứ sụt giảm dần và cho đến giờ, vẫn chưa khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.

Chia sẻ với PV, TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng, những lo ngại nói trên hoàn toàn có cơ sở.

Vì lâu nay, các DN của chúng ta vẫn chưa bỏ được tư duy “chạy theo số lượng”. Bởi vậy, ông Thịnh cho rằng, tư duy này cần phải thay đổi.

DN Việt hãy thôi chạy theo số lượng như đã và đang làm với hầu hết các sản phẩm nông sản hiện nay, mà hãy coi trọng giá trị xuất khẩu.

“Nếu chạy theo số lượng và xuất bằng mọi giá, bán đổ bán tháo trên thế giới sẽ tạo cho thế giới nghĩ là sản phẩm của Việt Nam rẻ tiền, chỉ bán chất lượng thấp. Thà chúng ta xuất ít nhưng giá trị cao và tạo được thương hiệu còn hơn xuất khẩu nhiều mà thế giới họ không biết mình là ai” - TS Thịnh nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia này, lời giải cho bài toán xây dựng thương hiệu cho DN vẫn là chúng ta cần lựa chọn được giống tốt và tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết nông dân, nhà sản xuất để từ đó có thể đồng bộ từ khâu sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, đến khâu chế biến vào phương pháp bảo quản.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tạo được thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của các DN Việt, vấn đề không chỉ nằm ở khâu xây dựng lô gô, dán nhãn, mà nó liên quan đến cả một chuỗi giá trị khép kín: Từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng các sản phẩm xuất khẩu phải ổn định về lâu dài, chứ mỗi lô chất lượng một khác thì cũng sớm đánh mất niềm tin của đối tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý thương hiệu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO