Nỗi lo thiếu hụt đơn hàng sản xuất

Thanh Giang 29/05/2020 08:00

Kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hồi sinh và phát triển sản xuất. Thế nhưng, khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp đang bị thiếu hụt đơn hàng trầm trọng vì đối tác giãn, hoãn, hủy đơn hàng đã đặt.

Nỗi lo thiếu hụt đơn hàng sản xuất

Doanh nghiệp thiếu trầm trọng đơn hàng

Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – điện TP HCM khẳng định rất nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng và giảm đơn hàng. Đơn hàng tháng 3 – 4 thì có nhưng tháng 5 – 6 không thấy đâu, nhất là những đơn hàng đi Mỹ, châu Âu, thậm chí đơn hàng đi thị trường châu Á cũng giảm mạnh. Hiện nhiều doanh nghiệp phải giảm 1/3 công suất hoạt động, giảm giờ làm của công nhân nhằm kéo dài sản xuất.

“Hầu hết bạn hàng của doanh nghiệp đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam là Mỹ và châu Âu. Hiện nay những doanh nghiệp này đang rơi vào tình trạng không đơn hàng” - ông Trần Quốc Mạnh – Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM nói.

Đối với ngành dệt may, từ tháng 3 khi dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ và châu Âu, một số khách hàng lớn ở hai thị trường này đã thông báo giãn hoặc hủy đơn hàng. Tình trạng giãn hoặc hủy đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản do vốn tồn đọng ở nguyên phụ liệu và thành phẩm, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương để giữ chân lao động.

Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP HCM cho biết: Dự báo quý 2 là giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng thiếu hụt đơn hàng sản xuất của tất cả doanh nghiệp trong ngành. Tình trạng này có thể kéo dài đến quý 3 hay không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường các nước. Do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu nên không ít doanh nghiệp may mặc phải điều chỉnh giảm kế hoạch tăng trưởng của năm xuống mức thấp chưa từng có từ trước đến nay, lên đến 80%.

Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2020 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 176,61 tỷ USD, giảm 1,3% (khoảng 2,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trị giá hàng hoá xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 5 đạt 8,22 tỷ USD, giảm 11,1% (tương đương 1,03 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 4. Trong đó, một số mặt hàng biến động giảm như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 16,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 14,5%; sắt thép các loại giảm 60,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tương ứng giảm 7%...

Để tiếp nhận đơn hàng mới, thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu đề xuất các hiệp hội ngành nghề nên tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới theo hướng đàm phán với các quốc gia hiện đang không có dịch hoặc kiểm soát dịch tốt, kinh tế ổn định và cả các quốc gia đang thiếu hụt nguồn cung về các mặt hàng này để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận ngay. Song song với giải pháp trên, cần tiếp tục khai thác các hiệp định tự do thương mại khác để mở rộng thị trường xuất khẩu hơn, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Ngoài hai giải pháp trên, cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ gói hỗ trợ của Chính phủ và địa phương. Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM cho rằng: “Doanh nghiệp đang trong tình trạng thở oxy, hô hấp nhân tạo, nếu không có giải pháp kịp thời thông qua hỗ trợ thì nguy cơ chết lâm sàng rất nhanh. Gói hỗ trợ từ Chính phủ cần phải được đẩy nhanh hơn nữa”.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, kết quả khảo sát sức khỏe của doanh nghiệp cho thấy, 21% doanh nghiệp tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5; 12% duy trì đến hết tháng 6; 12% có khả năng duy trì đến hết tháng 9; 2% duy trì được đến cuối năm; 19% sẽ phá sản trong quý 2; 34% doanh nghiệp không xác định được tồn tại đến khi nào. Trong khi đó, có đến 61% doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo thiếu hụt đơn hàng sản xuất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO