Sắp xếp các công ty nông lâm trường đạt kết quả tích cực

C.T. 18/11/2019 09:22

Mặc dù sắp xếp các công ty nông lâm trường theo yêu cầu của Bộ Chính trị đạt kết quả tích cực nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cần đánh giá rõ để lĩnh vực này được đổi mới và phát triển hơn nữa.

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Chủ trì hội nghị là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Cùng sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương và doanh nghiệp, công ty nông lâm trường.

Đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước gắn với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tại Nghị quyết số 28 Hội nghị Trung ương 3 khoá IX về "tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước" và Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Ban cán sự Đảng Chính phủ đã tổ chức quán triệt sâu rộng tới lãnh đạo chủ chốt các Đảng bộ, cấp uỷ, tổ chức Đảng trong cả nước; thành lập Ban chỉ đạo về sơ kết Nghị quyết 30 và Nghị quyết 118, tổ chức khảo sát ở gần 30 địa phương, 4 Tập đoàn và tổ chức 2 hội thảo chuyên đề.

Theo 6 mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đến 30/6/2019 có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Cụ thể, mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 19/21 công ty (đạt 90,48%); Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích 59/60 công ty (đạt 98,33%); Công ty cổ phần 49/102 công ty (đạt 48,04%); Công ty TNHH hai thành viên 15/40 công ty (đạt 38,46%); Chuyển thành Ban quản lý rừng 5 công ty (đạt 100%); Giải thể 13/28 công ty (đạt 46,43%).

Còn 69/256 công ty (chủ yếu là cổ phần hóa và chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên là 56/69 công ty), gồm: 44 công ty nông nghiệp, 25 công ty lâm nghiệp đang thực hiện sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới trong năm 2019, chiếm 26,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay còn 27/256 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Với kết quả như trên, Phó Thủ tướng cho biết đây là tỷ lệ khá cao so với nhiệm vụ sắp xếp cơ cấu lại DNNN nói chung và đề nghị các đại biểu làm rõ tính hiệu quả và phù hợp của các mô hình, nhất là mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên là một điểm mới của Nghị quyết 30 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Theo quy định của pháp luật, công ty nông lâm trường chỉ thu hút cổ đông chiến lược khi tỷ lệ chi phối của nhà nước từ 51% trở lên nhưng nhiều địa phương đề xuất giảm tỷ lệ này. Bên cạnh đó, thủ tục giải thể nông lâm trường còn nhiều vướng mắc và Nghị quyết số 30 cũng không cho phép các công ty yếu kém phá sản.

Tuy nhiên, không chỉ có sắp xếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Hội nghị cần phải đánh giá rõ các nội hàm còn lại của Nghị quyết 30 là đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Theo báo cáo, trước sắp xếp, đổi mới: Vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24,8 ngàn tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21,98 ngàn tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3,52 ngàn tỷ đồng. Sau sắp xếp đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là 27,84 ngàn tỷ đồng (bình quân 127,1 tỷ đồng/công ty), tuy nhiên tổng doanh thu giảm còn 14,97 ngàn tỷ đồng (bình quân 68,35 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 2,27 ngàn tỷ đồng.

Đã có nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới theo mô hình cổ phần hóa và hai thành viên trở lên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp như: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 4.387 tỷ đồng (tăng đến 190%), lợi nhuận trước khi cổ phần hóa là 164 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 854 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ hữu là 18.915 tỷ đồng, sau sắp xếp tăng lên 21.851 tỷ đồng, doanh thu trước khi sắp xếp là 15.357 tỷ đồng, đến năm 2018 đã đạt 22.868 tỷ đồng, lợi nhuận trước khi sắp xếp đạt 3.096 tỷ đồng, sau sắp xếp là 3.470 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (thành viên tham gia góp vốn tại Công ty TNHH MTV nông công nghiệp Tam Đảo, Vĩnh Phúc và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai), riêng tại Đồng Nai, công ty VinEco đã góp đủ 310 tỷ đồng, chiếm 77,5% vốn điều lệ, trước sắp xếp, lợi nhuận trước thuế của 02 đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai khoảng 400 triệu đồng, sau sắp xếp doanh thu năm 2018 là 26,581 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 17,197 tỷ đồng; việc tái cơ cấu Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ),... cũng đang thu hút một số nhà đầu tư trong nước có tiềm lực lớn như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã tạo việc làm cho người lao động ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số góp phần ổn định góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới theo như mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội nghị tập trung cho ý kiến về sắp xếp, quản lý đất đai các công ty nông lâm trường. Cụ thể, trước sắp xếp, các nông, lâm trường quản lý sử dụng hơn 4,6 triệu ha, trong đó nông trường quốc doanh quản lý 567.675 ha, lâm trường quốc doanh quản lý gần 4,1 triệu ha. Sau sắp xếp (thời điểm 2012) các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại quản lý, sử dụng hơn 2,85 triệu ha. Diện tích đất các nông, lâm trường trả về địa phương 529.510 ha; diện tích các lâm trường chuyển sang Ban Quản lý rừng là hơn 1.45 triệu ha.

Cho rằng đất đai là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp và ảnh hưởng tới lớn tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương đặc biệt là bảo đảm quốc phòng an ninh, Phó Thủ tướng đề nghị đại biểu đánh giá diện tích đất mà các công ty nông lâm nghiệp giữ lại và số chuyển giao cho địa phương. Tỷ lệ diện tích giao cho địa phương quản lý có phương án sử dụng còn rất thấp và tỷ lệ được phê duyệt còn thấp hơn trong khi đất người dân còn thiếu đất sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp các công ty nông lâm trường đạt kết quả tích cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO