Sống cùng nắng nóng

Phương Nguyên 03/07/2015 09:23

Đợt nắng nóng kéo dài vẫn tiếp tục “dội lửa” xuống toàn miền Bắc. Quả thật, không ít người đã kiệt sức vì nắng. Càng gần phố thị, càng gần trung tâm, thì cái nắng càng kinh khủng. Trong việc chống nắng, chọi với nắng này thì cơ cực nhất phải là những người đi thuê nhà, trong đó đáng chú ý nhất là sinh viên, người lao động và những người bán sức nơi thị tứ.

“Hóng” tin thời tiết, xem giời đất biến chuyển ra sao là những chuyện đáng quan tâm nhất của người dân miền Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội trong những ngày này. Tuy nhiên, với nhiệt độ dự báo trên các bản tin, khai thác từ các trung tâm dự báo thời tiết chỉ là 38-40 độ nhưng thực tế cộng hưởng ngoài trời nhiệt độ đã tăng hơn như thế gấp 3 đến 4 độ.

Vào lúc 15h hôm qua, tại những địa điểm như gầm cầu vượt tại các nút giao Bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Chí Thanh - Ngọc Khánh, Phạm Văn Đồng - Cầu Giấy… bằng các dụng cụ đo nhiệt cầm tay thì nhiệt độ ngoài trời đều 42 - 43 độ cả. Chỉ trong 3 ngày đỉnh điểm của nắng nóng, nhiều người đã tỏ ra hết sức mệt mỏi, nhiều bệnh viện đã gia tăng số lượng bệnh nhân, chủ yếu là người già và trẻ em, đều có một chứng liên quan là do nắng nóng.

Nắng nóng phải cần điện và chưa lúc nào người ta lại cần điện và có cảm giác sợ mất điện tới mức nơm nớp như trong thời gian này. Riêng đợt nắng nóng lần thứ nhất trong năm mà người dân đã phải trải qua, theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội thì sản lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội đạt đến trên 59.000 MWh, tăng gần 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương, trong những ngày nắng nóng kéo dài và cao điểm như hiện nay, nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc tăng rất cao, tới 17%; riêng Hà Nội bình quân ngày tăng 28%.

Nắng nóng và sự bất thường của thời tiết trong năm nay được coi là ảnh hưởng rất lớn đến chi phí và lao động sản xuất. Nắng nóng, người có điều kiện đã thấy khổ nhưng cơ khổ nhất là phải nói đến những người lao động nghèo, đang phải đi thuê nhà, không có điều kiện để gia cố nơi ở và đầu tư dụng cụ chống nóng mà phổ thông nhất là máy điều hòa.

Sang ngày thứ 3 của đợt nắng nóng thứ 2, bước vào khu xóm trọ nơi chợ Long Biên mới thấy người ta cơ cực về nắng nóng đến thế nào. Tại đây, để có chỗ cho người lao động khuân vác hàng thuê, hàng trăm nhà trọ đơn giản đã được dựng lên. Tường xây gạch, với độ dày chỉ hơn 10 cm, mái lợp bằng các tấm lợp xi măng đơn giản hay tôn mỏng, nhìn thôi đã biết sự kinh hãi về nắng nóng hàng ngày ở đây đến thế nào.

Uể oải với cái điếu cày và bình trà đá bên lối ra vào, ông Phạm Văn Mai (vốn ở tổ 9, Thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) uể oải cho biết: Cũng như bao người nghèo khác, tôi “trôi” xuống đây làm thuê từ đầu năm. Công việc chính, khoảng 17 giờ theo xe ra chợ hoa quả Lĩnh Nam bốc hoa quả về Chợ Long Biên để chủ hàng cung cấp cho các đầu mối. Công việc nặng nhọc này chỉ kết thúc vào 6 giờ sáng hôm sau.
Xuống đây, để có chỗ làm ăn, ông Mai đã cùng 2 người bạn nữa, thuê một phòng trọ 800 nghìn/tháng làm nơi sinh hoạt. Nóng phát rồ phát dại người lên, nóng đến không thể ngủ được là câu thường trực của ông Mai trong những ngày này.

Dụng cụ chống nóng của ông và cánh bạn chỉ là 2 cái quạt. Nóng quá thì lấy nước dội vào nhà. Nhưng cách chống nóng hết sức thủ công này của ông và cánh bạn dường như làm không gian phòng trọ nóng hơn. Ông Mai cho biết, mở mắt nắng nóng đã “quật”, tường, nền đều bị âm nóng, chả còn cách nào chống chọi.

Nắng nóng bất thường đã khiến người có tuổi và trẻ em nhập viện tăng lên

Theo ông Mai, tuy là người có sức, nhưng trong đợt nắng nóng này, ông đã sụt đến gần 3 cân thịt do cơ thể mất nước nhiều quá. Ông bảo, từ giờ đến cuối tuần, nếu nắng nóng không được cải thiện, chắc ông sẽ phải xin chủ nghỉ, về quê nơi vùng cao để tránh nắng nóng. Bao giờ hết đợt sẽ tính tiếp việc. “Cứ đánh đu với nắng nóng thế này, kiếm được tý tiền, ốm đau nó đổ ra, vào viện lại “tiền cá quá tiền cơm thôi”- ông Mai lắc đầu ngao ngán.

Nắng nóng, có “bò” sang Khu Công nghiệp Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) mới thấy cơ cực cho cánh công nhân đi thuê nhà tại khu nhà trọ gồm gần 20 phòng, kéo dài 2 dãy của chủ trọ có tên Hải Nam.

Gần vào giờ nghỉ của cánh công nhân, nhưng chỉ có 3 phòng mở cửa. Chủ nhân của một phòng trọ có tên là Thèn Thị Dương, người tận Sơn Dương, Tuyên Quang xuống đây làm thuê lắc đầu ngao ngán vì nắng cho biết, nay cô về phòng sớm vì phải đón một người trên quê xuống chữa bệnh. Còn bình thường, nắng nóng, phòng trọ bị “hun” cả ngày nên chả ai dám về cả.

Thông thường, những ngày nắng nóng cao điểm này, cũng như các bạn, sau khi nghỉ làm là Dương lại tìm đến bờ hồ, hay ao làng nào đó trong khu vực để tránh nóng và kiếm cái gì ăn luôn tại đó. Dương và các bạn chỉ “dám” về phòng trọ sau lúc 21 giờ vì lúc đó nắng hết, nhiệt độ phòng cũng đã giảm xuống.

Trong những ngày nắng nóng gần đây mỗi ngày BV Nhi Trung ương khám từ 2.500- 2.700 bệnh nhi và số trẻ nhập viện lên đến 200 trẻ, chủ yếu tập trung ở bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế… Tương tự, trong những ngày nắng nóng kéo dài này, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng có hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện mỗi ngày. Tỷ lệ trẻ nhập viện tại khoa Nhi BV này tăng từ 20 đến 30% so với thời điểm trước nắng nóng.

Hỏi về biện pháp tránh nóng, Dương mệt mỏi cho biết, muốn tránh được giờ chỉ có lắp điều hòa. Nhưng lương của cô cũng như các bạn, chả bao giờ dám bỏ tiền để mua cái điều hòa. Ngao ngán nhìn lên chiếc trần phòng trọ thông thốc, sơ sài bằng mấy đòn tay và tấm lợp, Dương bùi ngùi: Phòng này, nếu có tiền mua máy cũng phải gia cố lại trần, cửa. Ít nhất cũng phải mất cả chục triệu đồng. Lương bọn em như hiện tại, lại hay phải nghỉ do ít việc thì chả dám đâu. Thôi kệ nó, đành chịu, chắc vài ngày nữa áp thấp về, trời có mưa, thời tiết sẽ được cải thiện thôi.

Hai căn phòng trọ bé tin hin, cũng cảnh tường 10, mái lợp xi măng, làm trên miếng đất mà gia chủ chưa có ý định xây nhà, Hoàng Thị Nhung, cô sinh viên Khoa Công tác Xã hội (Đại học Nhân văn) đang lúi húi dấp nước cho rẻ và quần áo cũ để rải đều nơi nền nhà. Nhung cho biết, nắng nóng thế này, lẽ ra về quê Yên Bái nó sẽ đỡ hơn. Nhưng do bước vào năm thứ 3, cuối tuần này phải đi Quảng Ninh thực tập nên cô mới phải đánh bạn cùng phòng trọ trong những ngày nắng nóng cao điểm này.

Cũng như cánh bạn, hiện nay, ngoài dấp nước, dùng quạt để làm mát căn phòng thì cô còn có kinh nghiệm là “chui” ra Siêu thị Coop March gần trường để giả vờ mua, xem hàng hóa nhưng mục đích duy nhất là tránh nắng. Cũng như những lao động tỉnh lẻ trong các công xưởng và người làm nghề bốc vác ở Chợ Long Biên, cô cũng khắc khoải chờ mai, ngày kia, theo dự báo, mưa sẽ về với Hà Nội. Có mưa, thời tiết được cải thiện mới có hy vọng xua đi nóng nực ở những căn phòng trọ rẻ tiền!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống cùng nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO