Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Doanh nghiệp Việt mới ở khâu… gia công

Minh Phương 08/09/2017 08:00

Ngày 7/9, tại Hội thảo “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) thế hệ mới” các chuyên gia đã đưa ra nhận xét: Việt Nam vẫn ở bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và để có thể vươn lên trong chuỗi đó, các DN nhỏ và vừa cần tăng cường sự kết nối giữa các DN khối nội cũng như với các DN khối ngoại.

Không nhiều DN Việt tham gia vào khâu sản xuất quan trọng của các tập đoàn đa quốc gia.

Chỉ có 300 DN đủ năng lực

Báo cáo của WB đưa ra một bức tranh tổng thể thương mại của Việt Nam hiện nay. Theo WB, ở mức gần 180%, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc dạng cao nhất và đang trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất về thương mại với thế giới. Việt Nam đã bước đầu tạo một chỗ đứng trong các chuỗi giá trị toàn cầu, điều này tạo điều kiện để Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn.

Theo đó, hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong tổng xuất khẩu 16,6% mỗi năm từ năm 1995 đến năm 2011, chỉ thấp hơn so với Trung Quốc. Nhưng liệu chúng ta có tận dụng được chiến lược xuất nhập khẩu hay không? Báo cáo WB cũng chỉ rõ, Việt Nam đang nổi lên như một “công xưởng chế tạo, chế biến của châu Á”. Hiện có 4 ngành tham gia chuỗi giá trị toàn cầu có vai trò quan trọng ở Việt Nam là: ô tô - xe máy, ngành điện tử, kinh doanh nông nghiệp và dệt may.

Tuy nhiên, theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức. Theo vị này, mặc dù có luồng FDI tốt nhưng để đem lại sự lan tỏa đến các DN trong nước, vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. “Nếu không thể hấp thụ được những thành quả về công nghệ cũng như năng lực quản trị từ các DN FDI, chắc chắn các DN Việt Nam sẽ không thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Theo tính toán, hiện chỉ có khoảng 300 DN trong nước đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng cũng chỉ có thể cung ứng các phụ tùng thay thế, chưa tham gia vào các sản phẩm chính. Đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng 600 ngàn DN nhỏ và vừa trên cả nước hiện nay. Làm cách nào để các DN trong nước tham gia được vào các tập đoàn đa quốc gia sâu hơn và đứng ở những vị trí chủ chốt trong chuỗi sản xuất? Đó là câu hỏi được đặt ra lâu nay và thực tế, để tìm được lời giải cho câu hỏi này, thực sự rất đau đầu đối với nhà làm quản lý.

Chưa “ngấm”, chưa kết nối

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế nêu lên nhận định, phần lớn các DN của Việt Nam là nhỏ và vừa, quy mô vốn thấp, kỹ năng quản lý cũng chưa cao. Do đó, để có thể đáp ứng được các yêu cầu của những tập đoàn đa quốc gia như Samsung hay Intel… thật sự rất chật vật.

Theo nhận định của lãnh đạo WB, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ đôi. Một là tiếp tục phát triển để làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu vào các chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, theo hướng công nghiệp hoá riêng rẽ mà không kết nối nhiều về kinh tế hoặc xã hội với bên ngoài. Hai là, có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng nhằm đa dạng hoá và dịch chuyển theo chuỗi để tham gia vào các phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Và để nắm cơ hội nuôi dưỡng các DN trong nước, tạo điều kiện để các DN tăng khả năng tự chủ, năng động và đổi mới sáng tạo. “Để thành công ở cả hai lĩnh vực trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải nhìn nhận tiến trình phát triển khác đi và cân nhắc đầy đủ hơn những thực tế mới trong nền kinh tế toàn cầu”, đại diện WB khuyến nghị.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng nêu lên quan điểm: Chính phủ cần có những chính sách thiết thực hơn nữa để có thể khuyến khích được sự lan tỏa giữa khu vực DN FDI và DN trong nước. Bởi chỉ khi có sự lan tỏa này, những điểm mạnh về công nghệ, năng lực quản trị của DN ngoại mới có thể “thấm sâu” và giúp các DN trong nước nâng cao sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Doanh nghiệp Việt mới ở khâu… gia công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO