Thỏa thuận CPTPP: Cần tận dụng tốt bước chạy đà để tiến vượt lên

T. Ngần 13/11/2017 10:05

“Diễn biến đàm phán TPP trong bối cảnh APEC lần này giống như diễn biến đầy kịch tích của một trận đá bóng ở đẳng cấp cao nhất. Kết cục là phần thắng dành cho những người tham gia cuộc đấu đến phút chót. Có thể tạm so sánh như vậy để thấy giá trị, ý nghĩa của sự kiện 11 quốc gia đã đi đến thỏa thuận TPP không có Mỹ với một tên gọi mới: “Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận.


Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP họp tại Đà Nẵng.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua

Bên lề Hội nghị cấp cao APEC, các Bộ trưởng đã họp Hội nghị Bộ trưởng TPP vào các ngày 8,9, 10/11/2017 về việc thảo luận sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong bối cảnh tình hình mới.

Sau cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế tại Hà Nội và Đà Nẵng, các nước trong TPP 11 đã lần lượt tổ chức các cuộc họp ở cấp Trưởng đoàn đàm phán và đã thống nhất được rất nhiều nội dung cơ bản quan trọng. Trên cơ sở các kết quả của các buổi đàm phán, các Bộ trưởng đã họp trong các ngày vừa qua tại Đà Nẵng và đã thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó, thống nhất với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt CPTPP).

Các Bộ trưởng cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hiệp định TPP là một Hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Các Bộ trưởng tiếp tục giao các Trưởng đoàn đàm phán để xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc tiến hành ký kết Hiệp định.

Về những khó khăn khi Mỹ rút khỏi TPP, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, có thể nói Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng vì nó không những là một dự thảo Hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia Hiệp định này. Vì vậy khi Hoa Kỳ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP thì cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy.

Bốn vòng đàm phán của cấp Trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này.

“Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua, và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi rất tin tưởng vào tương lai như vậy”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đánh giá về việc Việt Nam quyết tâm cao độ để “giữ” bằng được TPP, PGS TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, “đây có thể coi là một dấu ấn của APEC 2017 về hội nhập kinh tế quốc tế đa phương”.

Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Nỗ lực giữ được TPP nhưng trước mắt đối với Việt Nam cũng còn nhiều thách thức. “Thậm chí, sau khi đàm phán thành công, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa”, TS Trần Đình Thiên cho biết.

Trong đàm phán, cái cần chủ yếu là năng lực đàm phán. Còn đàm phán xong, mới cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế. Mà đó chính là cái ta yếu và thiếu nhiều nhất.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng trong bối cảnh đã đạt được thỏa thuận CPTPP, vẫn còn nhiều việc mà Việt Nam phải làm. Có thể nêu ba tuyến vấn đề mấu chốt sau:

Thứ nhất, phải nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi. Điều này cũng phải tích cực, phải đẩy nhanh. Mọi thứ đều có thể xẩy ra, như việc Mỹ đột ngột rút khỏi TPP là một ví dụ.

Thứ hai, phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi - năng lực cạnh tranh sản phẩm - dịch vụ, năng lực thể chế (tuân thủ và vận hành) để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một Hiệp định Phát triển đẳng cấp cao nhất. Vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp, v.v. Khối lượng công việc là rất lớn và rất phức tạp, với những chất lượng rất mới. Nghĩa là phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó, trọng tâm là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đặc biệt là việc tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng, thế vững chắc chiến lược cũng như những lợi ích phát triển hàng đầu.

APEC Đà Nẵng nói chung, CPTPP nói riêng thành công tạo nên một cảm hứng tuyệt vời, một động lực mạnh cho những bước tiếp theo. Việt Nam cũng như các thành viên CPTPP đã xác lập được đà chạy. “Cần tận dụng tốt bước chạy đà này để tiến vượt lên”, TS Trần Đình Thiên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa thuận CPTPP: Cần tận dụng tốt bước chạy đà để tiến vượt lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO