Vải thiều rộng đường ra thế giới

Hải Nhi 01/06/2020 08:00

Ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản. 309 thương nhân Trung Quốc cũng đã được phép nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Trước đó, nhiều lô vải thiều Hải Dương được xuất theo đường biển sang Mỹ, Singgapore…Đó là những tín hiệu cho một mùa vải thiều với nhiều khởi sắc.

Vải thiều rộng đường ra thế giới

Mùa vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang).

Chiều 31/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Theo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn (thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài 1 tháng - trong tháng 6/2020), ngày 28/5, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở NNPTNT của 2 tỉnh để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian Chuyên gia Kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại hai tỉnh này theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo.

Bộ NNPTNT cho hay: Quy định của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu. Hiện Bộ NNPTNT đang là cơ quan giải quyết hàng rào kỹ thuật để mở cửa cho trái vải thiều tươi của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Trong suốt 4 năm qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) để làm thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật. Đến ngày 15/12/2019, MAFF đã đồng ý với Bộ NNPTNT điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Trước đó, ngày 30/5, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang La Văn Nam cho biết, 309 thương nhân Trung Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập cảnh vào Bắc Giang để thu mua vải thiều. Huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức phương tiện và lực lượng đón các thương nhân Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để đưa về các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện thực hiện cách ly tập trung đủ thời gian 14 ngày theo quy định. Bên cạnh đó, các hoạt động phụ trợ phục vụ cho tiêu thụ vải thiều như thùng xốp, đá cây... cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên địa bàn huyện có khoảng 500 điểm cân của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều; khoảng 400 lò sấy của nhân dân, có thể sấy khô từ 13.000 - 15.000 tấn quả…

Nhằm “tiếp sức” cho vải thiều thâm nhập thị trường Singapore, ngày 29/5, Sở Công thương Bắc Giang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang vào thị trường Singapore.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết: vải thiều Bắc Giang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước; sản lượng năm nay ước đạt khoảng 160 nghìn tấn, chiếm phần lớn lượng vải thiều của Việt Nam. Trong đó, 15.000 ha diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 218.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, được Mỹ cấp mã số IRADS; cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói... sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu sang Singapore.

Quả vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ ở gần 10 quốc gia và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malasia, Trung Đông, Thái Lan…; được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tin dùng.

Dịp này, ông Trần Quang Tấn cũng cam kết, các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài, tuyệt đối không để xảy ra sự cố về thủ tục hành chính ảnh hưởng đến tiêu thụ vải thiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vải thiều rộng đường ra thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO