Vắng bóng trọng tài trong tranh chấp thương mại

Thanh Giang 17/08/2018 08:10

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng, song số vụ việc sử dụng trọng tài và hòa giải chiếm tỷ lệ quá thấp, 0,5%.

Ông Phan Trọng Đạt - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm hòa giải Việt Nam VMC dẫn chứng vụ việc gần đây, một doanh nghiệp bánh kẹo trong nước được đối tác ở Châu Phi muốn mua hàng đề nghị mỗi năm xuất 52 container, thậm chí không cần xem hàng mẫu có chất lượng hay không. Doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng, thế nhưng khi hàng cập cảng ở châu Phi đối tác không chịu nhận hàng. Cuối cùng doanh nghiệp Việt không chịu nổi phí lưu kho, lu bãi đành giảm giá bán để đối tác nhận hàng.

“Qua câu chuyện trên tôi muốn nói, khi doanh nghiệp gặp gỡ đối tác phải tư duy toàn diện. Tư duy hợp đồng bao giờ cũng là tìm kiếm đối tác, đàm phán giao dịch, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng với mục đích muốn suôn sẻ. Mặc dầu vậy, doanh nghiệp vẫn cần có thêm khúc tư duy chẳng may xảy ra với rất nhiều lý do buộc doanh nghiệp tìm đến hòa giải, trọng tài và tòa án”, ông Phan Trọng Đạt thông tin.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, để giải quyết tranh chấp thương mại, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các hình thức: Giải quyết tại Tòa án, giải quyết bằng trọng tài hoặc hòa giải thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế giải pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải đang được xem trọng trên trường quốc tế bởi việc giải quyết diễn ra nhanh gọn, không làm lộ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên, đảm bảo quy định pháp luật.

Tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp trước đây chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Khoảng 3-4 năm trở lại đây VIAC ghi nhận, có 2/3 số vụ tranh chấp mà cả hai bên đều là doanh nghiệp Việt Nam. Một số liệu điều tra chỉ rõ, trong năm 2017, có 92% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi được hỏi có chọn tòa án giải quyết tranh chấp không thì họ trả lời không. Điều đó, cho thấy, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang là xu hướng của doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP.HCM thông tin,Việt Nam gia nhập kinh tế khu vực và toàn cầu rất sâu rộng, bên cạnh cơ hội và tác động tích cực của hội nhập thì các vụ tranh chấp thương mại trong và ngoài nước cũng có xu hướng ngày càng tăng. Doanh nghiệp phải tìm hiểu và chủ động tìm cách giải quyết đơn giản nhất chứ không thế cứ nhất quyết phải ra tòa. Khảo sát của VCCI cho thấy, trung bình một năm có khoảng trên dưới 100 ngàn án kinh tế trên tổng số 400 ngàn vụ án được tòa tiếp nhận. Mặc dù tỷ lệ án tranh chấp thương mại quá cao, song hiệu quả xử lý chiếm tỷ lệ khá thấp, không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Liêm so sánh, năm 2017 Singapore hòa giải được 2.700 vụ bất đồng kinh tế. Còn tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp biết về trọng tài, hòa giải đếm trên đầu ngón tay. “Mong muốn sắp tới đây các vụ tranh chấp thương mại được giải quyết thông qua trọng tại quốc tế và hòa giải được 10%. Theo tôi, tỷ lệ trên quá cao vì con số thực triển khai chỉ đạt 0,5%”, ông Phan Trọng Đạt nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, giao thương không thể tránh khỏi bất đồng. Điều cần làm là giải quyết tranh chấp tốt nhất có thể. Dùng trọng tài cũng như hòa giải đang là lựa chọn của doanh nghiệp hiện nay.

Theo báo cáo của 14/15 tổ chức trọng tài thương mại trên địa bàn TP HCM, trong năm 2017, các tổ chức trọng tài thương mại trên địa bàn tiếp nhận 367 vụ việc. Trong đó, có 268 vụ việc đã có phán quyết trọng tài thi hành, 87 vụ việc đang được các tổ chức trọng tài thương mại tiếp tục giải quyết, 10 vụ hòa giải thành, 2 vụ có phán quyết trọng tài bị tòa án hủy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vắng bóng trọng tài trong tranh chấp thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO