Kỷ cương và sự cảm thông

Lê Anh Đức 07/03/2020 08:00

Lực lượng CSGT (quận 1, TP HCM) đã có một hành động đẹp, nhân văn, khiến dư luận xã hội hết sức ngưỡng mộ. Đó là sau khi tịch thu xe của người đàn ông đạp xích lô vi phạm luật, các anh đã quyên tiền để giúp người vi phạm mua một chiếc xe máy cũ chạy xe ôm.

Việc làm của lực lượng CSGT quận 1 vừa đảm bảo giữ vững kỷ cương pháp luật (không trả lại chiếc xích lô), nhưng đồng thời cũng không “làm khó”, khiến người đàn ông nghèo mất kế sinh nhai. Nghĩa cử cao đẹp đó cần được xã hội tôn vinh, để tạo sự lan tỏa tới nhiều nơi, nhiều đơn vị khác.

Kỷ cương và sự cảm thông

Hình ảnh đẹp của chiến sĩ cảnh sát giao thông. Ảnh: Nguyễn Văn Tịnh.

Cụ thể, trong quá trình xử lý các loại taxi, xích lô dừng đỗ sai quy định, lưu thông vào khu vực cấm, chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, lực lượng CSGT quận 1 đã tịch thu chiếc xích lô của ông Trần Văn Bình (quê Tiền Giang). Khi làm việc, lực lượng CSGT phát hiện ông Bình có hoàn cảnh rất khó khăn, chiếc xích lô vừa là “cần câu cơm” nhưng cũng đồng thời là “mái nhà” để qua đêm ở một góc chợ. Ông Bình đã khóc lóc, năn nỉ lực lượng CSGT quận 1 trả lại chiếc xích lô vì không còn biết trông vào đâu để sống.

Dù rất thương người đàn ông 46 tuổi vô gia cư này, nhưng lực lượng CSGT quận 1 không thể nhân nhượng trả lại chiếc xích lô đã tịch thu. Nếu CSGT trả lại chiếc xích lô cho ông Bình thì sẽ có những trường hợp vi phạm khác bì tị. Ngoài ra, việc bắt rồi lại thả sẽ tạo ra tiền lệ xấu, khiến những người vi phạm không biết sợ, nhờn với pháp luật. Song, cũng không thể dửng dưng nhìn người đàn ông đáng thương không còn biết bấu víu vào đâu để kiếm sống. Sau khi cân nhắc, lãnh đạo Đội CSGT quận 1 quyết định kêu gọi cán bộ, chiến sĩ quyên góp tiền, giúp ông Bình mua chiếc xe máy cũ để chuyển nghề.

Dẫu số tiền cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT quận 1 quyên góp được không nhiều, chỉ là 4 triệu đồng, nhưng đó là tấm lòng thơm thảo mà các anh dành cho người đàn ông nghèo, vô gia cư Trần Văn Bình. Khỏi nói thì ai cũng biết ông Bình vui sướng đến nhường nào. Chưa kể đến giá trị vật chất trong việc “đổi” chiếc xích lô trị giá vài trăm nghìn đồng lấy chiếc xe máy cũ, chỉ riêng việc chạy xe ôm sẽ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc gò lưng đạp xích lô. Ông Bình hân hoan còn bởi lẽ, thay vì bị tịch thu trắng chiếc xích lô vì phạm luật, lại được nhận một chiếc xe máy cũ có giá trị hơn.

Tất cả mọi người đều ca ngợi nghĩa cử nhân văn của cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT quận 1, nhưng một vài ý kiến lại lo ông Bình sẽ “nhờn” và tiếp tục phạm luật. Lo ngại trên không phải là không có lý. Song, chúng ta nên nhìn theo hướng tích cực hơn, hãy đặt niềm tin vào sự phục thiện của con người. Chưa kể đến việc “nhớ ơn” của ông Bình đối với cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT quận 1, chỉ đơn cử việc một lần bị tịch thu phương tiện cũng khiến ông “táng đởm, kinh hồn” mà không dám phạm luật nữa. Hơn ai hết, ông Bình hiểu rõ nếu tiếp tục bị thu giữ phương tiện, sẽ không có chuyện “may mắn” như vậy nữa.

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng CSGT TP HCM nói riêng và CSGT toàn quốc nói chung có nghĩa cử cao đẹp. Cách đây chỉ hơn một tháng thôi, chính CSGT TP HCM tuần tra trên đường thay vì “nhăm nhăm” bắt lỗi vi phạm để xử phạt, thì lại tặng nước uống, khẩu trang cho người đi đường phòng chống dịch Covid-19. Hay như vào mùa thi, không ít cán bộ, chiến sĩ CSGT đã dùng xe chuyên dụng chở thí sinh đến điểm thi cho kịp giờ, khi các em bất ngờ gặp phải khó khăn giữa đường. Những việc làm đó của các anh hoàn toàn xuất phát từ lòng tốt, sự cảm thông, chứ hoàn toàn không có trong nhiệm vụ được giao.

Thật tiếc, là rất nhiều những nghĩa cử đẹp đẽ, giàu tính nhân văn như vậy của lực lượng CSGT, cũng như những ngành, lĩnh vực khác lại ít được cư dân mạng xã hội ca tụng, lan truyền. Thực tế đời sống hàng ngày có sự đan xen giữa những cái tốt và cái xấu, cái văn minh và cái chưa được văn minh. Vì thế cùng với được phản ánh cái xấu để mọi người cùng lên án, thì cũng cần nêu những gương người tốt, việc tốt, đáng để ca ngợi, tôn vinh, nhằm tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội.

Cũng có ý kiến cho rằng, “hữu xạ tự nhiên hương” nên những gương người tốt, những hành động đẹp chẳng cần “tung hô” thì mọi người vẫn biết đến. Không hẳn như thế. Việc xấu mà bị bưng bít thì cũng ít người biết đến, việc tốt mà không tôn vinh, ngợi ca sẽ bị lãng quên, không tạo được hiệu ứng lan tỏa. Hãy ngợi ca những tâm hồn cao đẹp, thánh thiện, giàu lòng trắc ẩn, vị tha, biết cảm thông sâu sắc với khó khăn của người khác, để có thể nhân lên nhiều hơn nữa trong xã hội. Xã hội sẽ văn minh, tiến bộ hơn nếu ngày càng có nhiều người muốn làm việc tốt, tránh xa cái xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ cương và sự cảm thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO