Tiếp nối xứng đáng

Cẩm Thuý 25/01/2021 06:08

Thủ tướng Chính phủ trong một phiên họp với các địa phương vào ngày cuối năm 2020 cầm trên tay tờ báo Đại Đoàn kết, chỉ vào một tiêu đề trên trang nhất nói về bản lĩnh, ý chí người Việt. Nhiều bạn đọc (trong đó có nhiều nhà lãnh đạo và nhiều cán bộ lão thành) mỗi ngày vẫn theo dõi các bài viết trên báo Đại Đoàn kết, xuất hiện đều đặn trong các mục điểm báo của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… Tất cả những ân tình ấy tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của tờ báo Mặt trận trong hệ thống báo chí cách mạng.

Các đại biểu thăm gian trưng bày báo Cứu Quốc - Giải Phóng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Phạm Sỹ.

Hôm nay, 25/1/2021, kỷ niệm 79 năm ngày ra đời báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn kết (25/1/1942 - 25/1/2021), niềm tự hào về tờ báo cũng đồng thời là trách nhiệm của thế hệ những người làm báo đang tiếp nối.

Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh ra số đầu tiên dày 4 trang tại làng Xuân Kỳ (Sóc Sơn – Hà Nội) do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp viết bài và phụ trách nội dung tờ báo.

Trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam, Cứu Quốc giữ một vị trí đặc biệt trong những tháng năm đặc biệt của lịch sử dân tộc, do chính các nhà cách mạng nổi tiếng của Đảng trực tiếp phụ trách như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy…Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ. Kể từ đó cho tới năm 1955, Bác Hồ đã viết và gửi đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài với nhiều bút danh khác nhau.

Trước khi Cách mạng thành công, Cứu Quốc xuất bản bí mật. Ngày 24/ 8/1945, lần đầu tiên Cứu Quốc ra công khai tại Hà Nội, chỉ một tuần sau báo đã xuất bản hàng ngày và trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước hồi ấy.

35 năm xuất hiện với tên gọi Cứu Quốc trước khi sáp nhập với báo Giải Phóng trở thành Đại Đoàn Kết ngày nay, Cứu Quốc để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ, đứng ở vị trí tiên phong nhất trong tuyên truyền vận động nhân dân đứng lên cứu nước ở thời kỳ bí mật và trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Điều đặc biệt mà những thế hệ Đại Đoàn Kết ngày nay luôn luôn tự hào và phấn đấu tiếp nối là Cứu Quốc đã có một đội ngũ những người làm báo kỳ cựu với những tên tuổi nổi tiếng. Rất nhiều cán bộ phóng viên Cứu Quốc đã được phân công đi tham gia xây dựng những tờ báo khác.

Như sau năm 1954, Cứu Quốc từ nhật báo trở thành tuần báo đổi vị trí cho báo Nhân Dân từ tuần báo trở thành nhật báo, Chủ bút báo Cứu Quốc Nguyễn Thành Lê và một số cán bộ đã được đưa sang báo Nhân Dân.

Năm 1964 Tổng biên tập báo Cứu Quốc Trần Phong và một số cán bộ được đưa vào Nam gây dựng báo Giải Phóng – cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đến tháng 5-1975, cán bộ phóng viên báo Giải Phóng chính là những người thực hiện những số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên và gây dựng tờ Sài Gòn Giải Phóng thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh…

Ngày 5/2/1977, tờ báo của Mặt trận hợp nhất từ Cứu Quốc và Giải Phóng, lấy tên là Đại Đoàn kết ra số đầu tiên, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tờ báo chung của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Từ Cứu Quốc – Giải Phóng đến Đại Đoàn kết trải qua nhiều thời kỳ với những tên gọi riêng nhưng là một dòng chảy liên tục, chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại Đoàn kết là tờ báo đi đầu trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, trong tiến trình dân chủ và đổi mới đất nước.

Ngày 1/1/2012, sau nhiều năm là một tờ “tuần báo chính trị” (chữ dùng trong quyết định của Ban Bí thư năm 1977 về tờ báo chung của Mặt trận), Đại Đoàn kết vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đã trở thành tờ báo xuất bản hàng ngày, tiếp nối truyền thống Cứu Quốc xuất bản hàng ngày trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.

Ngày 18/6/2015, trong xu thế mới của thời đại công nghệ thông tin, báo Điện tử Đại Đoàn kết được phát triển trên nền trang thông tin điện tử đã chính thức khai trương. Ngoài ra, hàng tháng, Đại Đoàn kết còn có các ấn phẩm Tinh hoa Việt phát hành mỗi tháng 2 kỳ và chuyên đề Dân tộc và Miền núi phát hành mỗi tuần.

Có thể khẳng định rằng cho đến thời điểm hiện nay, Đại Đoàn kết đã tiếp nối xứng đáng với truyền thống và vị thế của tờ báo có bề dày lịch sử và có vị trí quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn chung của báo chí hiện nay, áp lực không hề nhỏ với một tờ báo chính trị xuất bản hàng ngày ở thời báo chí thị trường, ở sự cạnh tranh thông tin và sự sụt giảm không tránh khỏi về số lượng phát hành.

Đại Đoàn kết xuất bản hàng ngày vẫn không ngừng nỗ lực, đảm bảo sự cẩn trọng về chính trị, sự chính xác về thông tin, sự hấp dẫn trong nhiều bài viết sâu sắc, có những cách nhìn khách quan, đa chiều trong lý giải về những vấn đề xã hội.

Đại Đoàn kết Điện tử đang có những bước tiến mới đánh dấu sự trưởng thành của tờ báo có bề dày lịch sử, bắt kịp với xu hướng thông tin của thời đại mới. Tin tức mới mẻ, hấp dẫn nhưng vẫn bám sát tôn chỉ hoạt động của tờ báo Mặt trận.Tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc tới nhân dân, cầu nối giữa nhân dân, Đảng và Nhà nước nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn.

Năm 2021 này , tờ báo hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập. Trong lịch sử báo chí nước nhà, hiếm có những tờ báo có truyền thống lâu đời và gắn với lịch sử cách mạng, lịch sử đất nước từ thuở ban đầu như Đại Đoàn kết. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của năm 2020 với nhiều khởi sắc, Đại Đoàn kết sẽ kỷ niệm ngày truyền thống 80 năm với nhiều kỳ vọng, tiếp tục đổi mới, tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, đưa Đại Đoàn kết xuất bản hàng ngày, Đại Đoàn kết Điện tử và các ấn phẩm khác trở thành một tờ báo có sức hấp dẫn và lan toả hơn nữa.

Trong thời đại đoàn kết dân tộc đặt ra cấp thiết, sự nghiệp dân giàu nước mạnh chỉ thành công nếu có đoàn kết dân tộc, đó là thời cơ cũng là thách thức để tờ báo Mặt trận phát huy vị thế chỉ riêng Đại Đoàn kết mới có. Đại Đoàn kết tiếp tục nói tiếng nói của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, đồng hành cùng Mặt trận các cấp, giữ gìn thương hiệu của một tờ báo lớn có truyền thống lịch sử của một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp nối xứng đáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO