Kỷ niệm sâu sắc về một bài báo

Trần Thanh Phương 21/03/2019 19:05

Rất ít có đám tang nào của nhà văn, nhà thơ nước ta lại có nhiều mẫu nhân vật thật trong tác phẩm xuất hiện như lễ tang của nhà thơ Tố Hữu ngày 13/12/2002.

Kỷ niệm sâu sắc về một bài báo

Dũng sỹ Nguyễn Văn Hòa, cách đây hơn 20 năm.

Hôm ấy có một vòng hoa mà ai cũng chú ý, bởi một chữ thường thấy trên vòng hoa: “Đảng bộ và nhân dân xã Đa Lộc, Hậu Lộc kính viếng” còn có thêm một dòng chữ trong ngoặc đơn: “Quê mẹ Tơm: Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/Cho con cho Đảng ngày xưa ấy…”. Có bao giờ một câu thơ lại trở nên sống sống động đến thế, ân tình đến thế, như không có khoảng cách nào hết giữa thơ và đời. Bác Mai Ngọc Bảo, phó trưởng Ban liên lạc đồng hương huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tại Hà Nội, chỉ tay vào phòng tang lễ: Con, cháu mẹ Tơm chít khăn tang đứng trong ấy nhiều lắm. Và bác nghẹn giọng: “Ông ấy (nhà thơ Tố Hữu -TTP) là con cháu của đất Đa Lộc mà, lớp con cháu của đất Đa Lộc bây giờ cũng là con cháu ông ấy. Ông ấy hẹn đến hè này lại về, thế mà bây giờ…”.

Một câu chuyện khác. Trong hàng thân quyến chít khăn tang có một người không phải là con cháu ruột thịt của nhà thơ. Đó là anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Anh là thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa đã đi vào thơ Tố Hữu.

Tôi nhớ lại những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi là phóng viên báo Nhân Dân, có viết một bài về gương thiếu nhi 15 tuổi ở Thừa Thiên- Huế là dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ quyết thắng tên là Nguyễn Văn Hòa, có tựa đề: 15 tuổi, hai lần dũng sĩ ký tên Trần Thanh (lúc bấy giờ để giữ bí mật, những bài viết về cuộc kháng chiến ở chiến trường miền Nam thì ký bút danh khác), đăng báo Nhân Dân số ra ngày 16-12-1968. Sáng hôm ấy, tôi nâng niu bài báo, đọc đi đọc lại bài do mình viết ra. Anh chị em trong tòa soạn chúc mừng tôi, mới vào nghề mà có bài viết “đọc được”. Bài báo cách đây hơn 50 năm. Xin trích đoạn đầu bài báo ấy:

“… Từ ngày bọn giặc cố nống ra quanh thành phố Huế, nhiều toán Mỹ, ngụy thường sục vào vùng này. Mẹ của Hòa rất căm ghét hai chiếc xe gip của bọn sĩ quan Mỹ ngày nào cũng chạy đến đỗ cạnh nhà, hùng hùng, hổ hổ gây bao chuyện bất an cho bà con. Chúng đang trù tính những hành động độc ác gì đây? Mấy lần bà định hỏi Hòa, nhưng lại thôi. Dạo này Hòa chỉ về ăn cơm rồi đi biệt đến khuya.

Một hôm Hòa về sớm hơn mọi khi, sà vào lòng mẹ, nói:

- Con đã có cách đánh hai chiếc xe này, mạ ạ!

Mẹ Hòa im lặng. Một lúc bà mới hỏi lại:

- Liệu có đánh được nó không con?

Hòa chưa hề đánh trận nào nhưng trả lời chắc và gọn:

- Được chớ mạ!

Mờ sáng, Hòa mang ở đâu về ba quả đạn súng cối 81 li không nổ, cặm cụi làm mìn. Bây giờ bà mẹ mới hiểu ra, mấy ngày Hòa vắng nhà là lên tận huyện xin kíp nổ và pin. Được các anh du kích chỉ dẫn, không mấy chốc em làm xong một quả mìn.

Sáng hôm sau, Hòa cùng bạn S trong tổ du kích mang mìn ra đặt chỗ xe Mỹ thường đỗ. Chôn mìn xong, S. thoăn thoắt lên đồi chuẩn bị bắn tiếp sức cho bạn. Hòa thu mình dưới hầm, cách chỗ đặt mìn không xa. Chờ mãi không thấy xe địch dẫn xác đến. Ngồi mân mê khẩu súng các bin M.2, Hòa nhớ lại lần em nhận cây súng này ở xã đội về, mẹ rầy một trận. Sau đó mẹ bảo:

- Con còn nhỏ quá bắn làm sao được cây súng này! Thôi mang trả lại cho các anh đi con.

Hòa xỉ mặt xuống, phung phịu mãi mới tìm được lời làm cho mẹ tin rằng con mẹ mới 15 tuổi thôi nhưng biết đánh giặc rồi đây. Trận chiến đấu tới đây rủi mà Hòa không diệt được thằng Mỹ nào thì…mẹ cười cho.

Mặt trời đã lên cao. Xe địch rù rù chạy tới, không phải một mà là hai chiếc. Hòa nắm chặt đầu dây mìn. Tim đập thình thình. Mọi việc xảy ra nhanh quá. Hòa mới chập điện đã thấy lửa lóe. Chiếc xe xoay ngang, tuột hai bánh sau xuống mé ruộng. Ba tên Mỹ trên xe bị hắt xuống lề đường, lăn ra chết.”.

Sự vui mừng của tôi chưa được mấy tiếng đồng hồ về bài báo của mình thì anh Trưởng ban Trần Kiên nơi tôi làm việc, gặp riêng tôi, hỏi: “Cậu lấy tài liệu ở đâu để viết bài “15 tuổi hai lần dũng sĩ” đăng số báo hôm nay? Đồng chí Tố Hữu vừa gọi điện thoại cho anh Hoàng Tùng, cần gặp tác giả bài báo. Cậu gặp anh Hoàng Tùng ngay báo cáo lại thật kỹ”. Tôi hoảng quá! Nhà thơ Tố Hữu lúc ấy là Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Còn ông Hoàng Tùng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân từ năm 1951.

Kỷ niệm sâu sắc về một bài báo - 1

Đoạn đầu bài báo "15 tuổi hai lần dũng sĩ" của tác giả Trần Thanh, đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 16/12/1968.

Tôi vội đến gặp ông Hoàng Tùng “giải trình”, lúc đó ông mới 48 tuổi nhưng trông già dặn. Tôi trình bày quá trình gặp và lấy tài liệu về em Hòa dũng sĩ với Tổng Biên tập của mình. Nghe xong chuyện, biết tôi đang lo lắng, ông tươi cười, vỗ vai tôi, nói: “Đồng chí Tố Hữu hỏi như vậy là để biết và liên lạc với nhân vật trong bài báo của Phương vì thấy câu chuyện thú vị mà em Hòa lại là đồng hương với nhà thơ”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau đó không lâu tôi được đọc bài thơ Chuyện em dài 112 câu lục bát của Tố Hữu. Tôi xin trích đoạn đầu và đoạn cuối:

Em tên là Nguyễn Văn Hòa
Mẹ em thường gọi em là Cu Theo
Cha đi tập kết. Nhà nghèo
Sớm khuya tay mẹ
chống chèo nuôi con

Chuyện em vừa đó, anh nờ
Bấy lâu trong ấy, bây giờ ra đây
Nhớ cha chưa biết mặt mày
Bác Hồ thương cháu
gọi ngay đến Người
Bác nghe cháu kể, Bác cười
Bác khen, cháu nhớ từng lời
Bác khuyên
Vui chăng hỡi mẹ làng Yên
Thằng Cu Theo được về bên Bác Hồ

Trong bữa cơm với các dũng sĩ miền Nam, Bác Hồ hỏi nguyện vọng từng cháu một. Hòa thưa: “Thưa Bác, cháu chỉ có nguyện vọng duy nhất là tìm được ba”. Ba Hòa đi tập kết lúc Hòa mới một tuổi. Ngoài cái tên mà Hòa biết là Cục ra, em không biết gì hơn. Ngay lúc đó Bác Hồ quay sang đồng chí Tố Hữu và nói: “Bác giao việc này cho chú Lành. Chú phải tìm được ba cho Hòa”.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, việc tìm người với một cái tên như thế cực kỳ khó khăn. Vậy mà chỉ hai tháng sau, đồng chí Tố Hữu đã tìm được người cần tim, ba của Hòa là Nguyễn Văn Cục, bấy giờ là cán bộ của Ban Tổ chức huyện ủy Lệ Thủy, Quảng Bình. Vì việc này mà lần đầu Tố Hữu được Bác Hồ khen “Chú khá đấy!”. Có lần trong khi tìm mãi mà chưa có manh mối, tin tức gì, em Hòa kể- Chú Tố Hữu nói với em: “Tao mà không tìm được ba cho mày thì mày làm con tao. Thực ra từ lúc đó và về sau này, cô, chú Tố Hữu coi tôi như con.”.

Vào một chiều cuối năm Mậu Tuất 2018, tại một quán trà trên con đường nhỏ ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi năm bảy anh cựu chiến binh đã bảy, tám mươi tuổi hầu hết là quê Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, ôn lại những chuyện vui buồn thời kháng chiến. Tôi vui miệng kể câu chuyện dũng sĩ Nguyễn Văn Hòa, mọi người như bật dậy: Tôi biết. Tôi biết câu chuyện của Hòa- Cu Theo. Và một anh nhanh chóng gọi điện thoại ra Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế, nhờ tìm liên lạc với Hòa. Thế là chúng tôi móc nối được với nhau. Gặp tôi, tác giả bài báo sau hơn 50 năm, Hòa rất mừng và cảm động. Hòa nghỉ hưu từ năm 2011, nay đã 66 tuổi, có vợ và hai đứa con. Tôi viết những dòng này khi Hòa đang trị bệnh tại bệnh viện Trung ương Huế, mệt, không nói được nhiều, nhưng còn nhớ hết. Hòa dặn: “Khi nào ra Huế, chú nhớ mang bài báo chú viết về cháu, cho các con của cháu đọc, chú nhé”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm sâu sắc về một bài báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO