Ký ức 'đỏ lửa đường biên'

Đơn Thương 17/02/2016 09:00

Vào những năm “đỏ lửa đường biên”, trong lần địch phản kích và lấn chiếm cao điểm có tên Đồi Đài- một trong những trọng điểm của Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), cùng với 5 chiến sĩ khác, anh đã đánh bật gần 2 đại đội đủ (gần 300 lính) của đối phương. Với thành tích có một không hai này, anh đã được “cánh lính biên giới” thời kì đó mệnh danh là “dũng sĩ Đồi Đài”.

Ký ức 'đỏ lửa đường biên'

“Dũng sĩ Đồi Đài” Đào Văn Soi bây giờ.

Trong những ngày này, câu chuyện của anh với chúng tôi như nhắc lại những kỉ niệm khó quên và tinh thần quật khởi của dân tộc ta khi đất nước gặp họa xâm lăng.

Người nông dân cầm súng

Đào Văn Soi, người được mệnh danh là “dũng sĩ Đồi Đài” sinh năm 1963 tại Phúc Lâm, Phú Xuyên, Hà Nội. Lúc Biên giới phía Bắc, đặc biệt khu vực Thanh Thủy sắp “có vấn đề”, anh vào lính và được phiên ngũ vào D7, E14, F313, một trong những sư đoàn chủ lực của Quân khu 2, thuộc biên giới Hà Giang. Từ một nông dân tận đồng bằng Sông Hồng, sau gần 2 ngày trời ngồi xe quân sự trùm bạt, anh đã đến nơi ngút ngàn núi, đá. Đơn vị của anh được tập kết tại Km số 9, trên con đường độc đạo dẫn lên chiến địa Thanh Thủy.

Huấn luyện, làm quen địa hình địa vật, chưa đầy 9 tháng sau, các anh đã bắt đầu tham chiến. Bên kia biên giới, trọng pháo và pháo các loại cấp tập nhả đạn, gây hấn và đánh chiếm các điểm cao của Hà Giang. Đơn vị anh nhận lệnh hành quân vòng lên Lao Chải. Sau, do địch đánh “thọc hậu” mạnh, được lệnh, các anh lại rút quân từ cao điểm 1030, theo trục đường 2000 đi Làng Pinh để về khu ngã ba Thanh Thủy.

Tại đây, cùng với các cao điểm khác như 1509, 1545, bình độ 300 – 400 thì Đồi Đài cũng là một vị trí quan trọng. Để nắm giữ cao điểm quan trọng này, địch đã liên tục pháo kích và tổ chức quân đánh chiếm. Để giữ Đồi Đài, ta cũng bố trí ở đây 5 tiểu đội gồm: 1 tiểu đội bộ binh, 1 tiểu đội 12,7 ly, một tiểu đội DKZ, một tiểu đội cối 60mm và 1 tiểu đội đại liên.

Thời cao điểm này, những tiểu đội được phiên chế vào đây phần lớn đều thuộc loại tinh nhuệ. Anh Soi bảo, ngày bọn anh lên, địch khai hỏa chưa đầy 1 tháng, Đồi Đài còn là cánh rừng già, cây to đến vài người ôm. Thế mà chỉ 2 tháng sau, cả khu rừng này đã bị pháo giặc đốn ngã, cháy trơ trụi. 2 tháng tiếp theo, bằng việc pháo kích “dầm dề” thì Đồi Đài đã trở thành một quả đồi thông thốc, đỏ au một màu đất. Pháo kích câu sang, đào quật đất đá, thoáng băng tầm quan sát, đến con chuột cống chạy cũng dễ dàng bị phát hiện.

Nhận lệnh từ cấp trên, 5 tiểu đoàn trong đó có anh lên tiếp cận. Lợi dụng các ngách đá, đêm hôm các anh quần đùi mò lên, nhặt những mảnh gỗ bị pháo băm gác kèo, lấy bao đóng đất để gia cố, ngụy trang thành hầm. Ở Đồi Đài, lúc đó duy nhất có một hang đá tự nhiên, chia thành 3 ngách khá chật chội nhưng an toàn và được dành để làm hầm chỉ huy cho 5 tiểu đội hỏa lực.

Anh Soi cho biết, lúc này, theo quy định, mỗi “mùa cắm chốt” của các anh là 8 tháng. Trong 8 tháng này, nếu hôm nào pháo bên kia biên giới không “nã” nhiều thì còn được một bữa cơm nóng. Còn không thì chỉ lương khô và gạo sấy để cầm chừng.

8 tháng cắm chốt, vì là điểm tiền tiêu, ta và địch chỉ cách nhau 1 tầm lựu đạn nên các anh cũng hạn chế cả việc ra ngoài. Ăn uống, vệ sinh tại chỗ, thậm chí tóc cũng không cắt được. Chỉ cần lên 3 tháng, với cách ăn ở này, ai cũng chấy rận đầy người, tóc dài ngang vai. Với ngoại hình này, đã có lúc địch nhầm tưởng và loan tin Việt Nam có lính đánh thuê.

Ký ức 'đỏ lửa đường biên' - 1

Bia tưởng niệm liệt sĩ trong chiến tranh Biên giới ở Ngã ba Thanh Thủy.

Kiêu hãnh Đồi Đài

Anh Soi bảo, sau gần 1 năm khai hỏa, các điểm cao điểm như 1509, 1545, 1030 đều đã bị địch chế ngự nhưng riêng Đồi Đài, một cao điểm quan trọng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Để giành được sự chế ngự với một cao điểm quan trọng này nên địch đã tập trung toàn bộ hỏa lực bao gồm pháo và cối nã tới tấp, bao trùm hết Đồi Đài. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, bằng việc tập trung bắn và “rót” đạn này, các hầm của các tiểu đội khác hầu như đã không chịu được sức nổ, rung, lắc nên lần lượt bị xóa sổ cùng với đó là sự hy sinh hết sức can trường và thương tâm của anh em.

Lúc này anh Soi đang ở hầm chỉ huy. Do hầm chỉ huy là hang đá tự nhiên nên còn trụ lại và là nơi duy trì sự sống của 6 anh em. Anh Soi bảo, giặc “giã” pháo như vậy đến 9 giờ thì chúng chuyển làn, bắn chặn đường tiếp viện quân của ta và đổ quân tiến chiếm Đồi Đài. Chúng tổ chức khoảng 2 đại đội, gần 300 người, lợi dụng địa hình, địa vật lổn nhổn bò lên.

Anh Soi nhớ lại, nhìn quân của địch tiến chiếm Đồi Đài bấy giờ hệt như người ta dùng cả thúng cua và đổ lên một mô đất, trông hết sức khiếp đảm và dễ gây mất bình tĩnh. Lúc này máy điện đàm 2W đã bị chúng dò ra tần số và phá sóng nên không thể liên lạc với phía dưới để gọi pháo chi viện. Mọi đường rút quân bị khống chế và bắt buộc 6 người trong các anh phải xoay lưng ra để chiến đấu với cả 2 đại đội địch.

Lúc đó hang có 6 người nhưng thực ra chỉ có 4 tay bắn chính vì 2 người còn lại vốn là y tá và lính thông tin. Hầm chỉ huy lúc này có 3 ngăn, vì nó được xác định là căn cứ chính nên đạn và lựu đạn được xếp và cất cả đống, vàng au dưới nền hầm.

Theo sự thống nhất, vì 2 chiến sĩ là y tá và lính thông tin không có sở trường về bắn súng và ném lựu đạn nên được phân công nạp đạn vào băng và chuyển lựu đạn đến 3 tầng hầm để anh em khác chiến đấu. Anh Soi bảo, sau 4 giờ nã pháo, anh em hầu như đều bị điếc và chủ yếu dùng tay để nói chuyện với nhau. Nhưng ở hoàn cảnh sống chết trong gang tấc này ai cũng nhanh chóng hiểu nhau và nhịp nhàng với công việc của mình.

Với phương châm địch gần, đông thì dùng lựu đạn còn địch xa thì dùng súng, cùng với anh em, anh Soi đã cố thủ được gần 4 giờ trong các ngách hầm. Sau 4 tiếng ném lựu đạn và bắn đạn, mọi người bắt đầu mệt lả, lựu đạn và đạn cũng bắt đầu hết. Do bắn nhiều, một số khẩu súng cũng đã đỏ nòng, đạn bắt đầu rơi ngay trước mặt.

Sau gần 6 tiếng đồng hồ cố thủ với Đồi Đài, tất cả mọi thứ đều bước vào tình trạng cạn kiệt, nhưng địch vẫn tràn lên. Trước tình hình này, 6 anh em còn lại đã hội ý, quyết định mở đường để rút về tuyến sau.

Ký ức 'đỏ lửa đường biên' - 2

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên- nơi an nghỉ của 2.000 liệt sĩ hi sinh
trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc.

Ký ức “đỏ lửa” không thể nào quên

Theo anh Soi, việc “mở đường máu” này là hết sức mạo hiểm vì lực lượng địch còn rất đông. Chả ai nghĩ là mình sẽ sống để trở về. Nhưng các anh lựa chọn phương án này vì như vậy còn hơn là bị địch bắt làm tù binh. Áo chống đạn không có, để an toàn cho mình và tăng thêm khả năng sống sót, anh Soi và những đồng đội của mình đã mặc tất cả các loại áo, kể cả áo bông, lấy cả chăn bông quấn vào người. Các anh hy vọng, với lớp vải quấn này, các anh sẽ gặp may mắn vì đường đạn của giặc sẽ bị cản lực nếu như găm vào người.

Trong lúc nao núng này, may mắn ngoài tầm suy nghĩ đã đến cùng các anh. Vào lúc ngàn cân treo sợi tóc, các anh dùng máy thông tin để liên lạc lại với sở chỉ huy tiền phương lần cuối bằng tần số sóng phụ (máy điện đàm luôn được trang bị 2 tần số sóng). Chẳng ngờ, lúc này, tần số sóng phụ lại thông. Xin ý kiến chỉ huy, các anh được lệnh không phải dùng tín hiệu mã hóa mà được nói thẳng mục đích mình cần.

Các anh cười trong nước mắt và gọi pháo, quân chi viện. Nhận được đề xuất của các anh, pháo của trung đoàn, sư đoàn và pháo từ sân bay Phong Quang đã cấp tập chuyển tầm, hướng về Đồi Đài. Sau tiếng pháo chuyển làn, cùng với đó là một trung đội cảm tử đã tiến lên hỗ trợ và thay thế cho các anh. Với chiến công bám trụ và linh hoạt trong chiến đấu này, cùng với đồng đội, anh Soi đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, được anh em mệnh danh là “dũng sĩ Đồi Đài” và được thưởng 22 ngày phép.

Sau khi nhận danh tiếng và phần thưởng này, năm 2007 anh Soi ra quân, về quê. Năm 2008 anh cưới vợ và sinh được 1 trai, 1 gái. Hiện nay anh đang làm nhân viên bảo vệ của Khu công nghiệp Đồng Văn (Phủ Lý, Hà Nam). Những ngày này, người cựu binh năm xưa không nguôi ngoai ký ức về một thời hào hùng “đỏ lửa đường biên” chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức 'đỏ lửa đường biên'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO