Ký ức hào hùng về Gạc Ma!

Lục Bình 14/03/2016 08:19

Cách đây 28 năm, ngày 14/3/1988, trên Biển Đông, 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma. Cựu binh Lê Hữu Thảo- người từng chiến đấu tại đảo Gạc Ma năm xưa đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết ký ức về những ngày tháng 3 cách đây tròn 28 như một khúc tưởng niệm để tri ân những người con đã nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ký ức hào hùng về Gạc Ma!

Cựu binh Lê Hữu Thảo bên đứa con trai đầu lòng Lê Nguyễn Trường Sa.

Con đi chiến đấu ở Trường Sa

Kể cho chúng tôi nghe về niềm tự hào được sống chiến đấu tại Trường Sa năm xưa, cựu binh Lê Hữu Thảo cho biết, đã là người lính được huấn luyện trên thao trường ai cũng muốn dấn thân vào những việc khó. Nhiệm vụ càng khó khăn, gian khổ những người lính Cụ Hồ càng phấn chấn. Ở đơn vị huấn luyện, khi biết tin mình là một trong số người ra Trường Sa công tác, hầu hết trong số các anh đều biết đó là nhiệm vụ gian khó, chắc chắn sẽ có hy sinh.

Anh Thảo và đồng đội đều là những chiến sĩ vừa bước qua tuổi đôi mươi, chưa vọ con thậm chí chưa một lần nắm tay bạn gái. Thế nhưng, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Lúc tàu đi qua ga Chu Lễ, anh Thảo đã ném hai bức thư, một bức thư gửi cho bố mẹ một bức thư gửi cho chi đoàn. Nội dung bức thư viết cho chi đoàn là nhờ bạn bè sớm tối đến an ủi gia đình anh lúc anh vắng nhà.

Còn bức thư viết cho cha mẹ, anh nói nên những hoài bão của tuổi trẻ muốn cống hiến, hy sinh cho đất nước. Và dẫu con trai của bố mẹ không có ngày trở về xin đấng sinh thành hãy tự hào rằng họ đã sinh ra những người con góp xương máu cho đất nước này. Khi ném bức thư xuống ga Chu Lễ anh có viết ngoài bì thư những câu thơ xúc động: “Con đi chiến đấu ở Trường Sa/ Hành quân không ghé được thăm nhà/ Bà con cô bác ai nhặt được/ Làm ơn chuyển hộ kẻ đi xa/...".

Tổ quốc là trên hết

Kể về những ngày diễn ra chiến sự tại Gạc Ma, anh Thảo cho biết, sáng sớm ngày 14/3/1988, khi tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa ập đến. Một tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát chừng 200-300m, chúng dùng xuồng máy đổ bộ vào 50 tên có trang bị súng AK (48 tên mang AK, 1 tên mang điện đàm, 1 tên mang súng ngắn) chúng áp sát, bao vây các anh và uy hiếp buộc anh và đồng đội phải rút lui. Chúng cho xuồng máy chạy quanh tàu HQ604 của ta và chĩa súng lên khiêu khích.

Dưới đảo khi chúng yêu cầu các anh rút lui không được, chúng xông vào cướp lá cờ Tổ quốc trên tay họ. “Chúng tôi khi đó, với nhiệm vụ xây dựng đảo, chỉ có 2 khẩu AK 47, một số dụng cụ như xà beng, cuốc xẻng nhưng với tinh thần đoàn kết, dũng cảm chúng tôi đã đánh bật số lính Trung Quốc ở đảo. Tuy có một số anh em bị thương nhưng chúng tôi đã bảo vệ được lá cờ Tổ quốc và với quyết tâm “Người còn thì đảo còn” - mắt anh Thảo sáng rực.

Khi rút lui ra xa bất ngờ chúng quay lại nổ súng vào đội hình bộ đội ta dưới đảo, nhiều đồng đội của anh đã hy sinh ngay loạt đạn đầu nhưng lá cờ của Tổ quốc vẫn giữ vững và tiếp tục chuyền tay nhau cho đến lúc hy sinh gần hết. Trên 3 chiếc tàu khu trục và hộ vệ tên lửa đồng thời nhả đạn gồm 12,7 ly, 37 ly, 76,2 ly, 100 ly, có cả dàn ống phóng 12 nòng bắn vào tàu HQ 604, và cả đội hình dưới đảo, chúng bắn cả tàu HQ 505 bên đảo Cô Lin và HQ 605 bên đảo Len Đao. “Máu đồng đội nhuộm đỏ cả một vùng, chỉ còn sống sót được mấy người. Chúng tôi cùng nhau bơi lặn tìm vớt những đồng chí bị thương và thi thể những đồng đội hy sinh - anh Thảo nói.

Trả lời câu hỏi, trong khoảng thời gian tàu Trung Quốc ập đến các anh có đủ thời giờ để rút lui vì chênh lệch lực lượng là quá lớn tại sao các anh không làm? Anh Thảo chia sẻ, lúc đó, hoàn toàn có đủ thời gian để rút lui, rời đảo nhưng không ai làm vậy. “Chúng tôi không nhận được lệnh phải ở lại hay rút lui, nhưng xác định đã là bộ đội, là lính Cụ Hồ, là con người Việt Nam thì phải chiến đấu đến cùng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ đất nước. Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta không sợ gì cả”.

Đặt tên con là Trường Sa

Xen giữa những câu chuyện ký ức xúc động, cựu binh Lê Hữu Thảo có kể cho chúng tôi một tin rất vui đó là anh mới được làm cha cách đây hai tháng. Hơn 50 tuổi mới sinh con đầu lòng, anh đặt tên con Lê Nguyễn Trường Sa như để mãi nhớ ghi năm tháng tuổi trẻ can trường bảo vệ Trường Sa, bảo vệ Gạc Ma... Ký ức của những tháng ngày ở Gạc Ma anh Thảo không muốn đó chỉ là niềm tự hào của riêng mình anh muốn đã là người Việt Nam, nhất là giới trẻ hiểu hơn về những ngày tháng đẫm máu ở Trường Sa...

28 năm đã trôi qua, sau những biến thiên của lịch sử, nhưng những người lính bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa, Gạc Ma như anh Lê Hữu Thảo vẫn vẹn nguyên cảm xúc, tinh thần sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Gạc Ma chưa bao giờ bị lãng quên”- cựu binh Lê Hữu Thảo khẳng định chắc nịch. Cụ thể, năm 1988, Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm phản đối hành động của Trung Quốc. “Cũng tháng 3-1988, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tới Cam Ranh thăm chúng tôi. Các tỉnh từ Hà Nội tới Sài Gòn đã gửi nhiều thư và quà để động viên anh em. Tôi và Nguyễn Văn Chức đại diện cho bộ đội Trường Sa nhận quà như khăn, bàn chải, khăn mặt, thư”.

Anh Lê Hữu Thảo cho biết, sắp tới sẽ có một bộ phim tư liệu sản xuất dựa trên những ghi chép của anh. Nhân vật chính có anh và đồng đội, cả những người đã hy sinh. “Tôi nghĩ đó là sự ghi nhận của Nhà nước, của nhân dân. Tôi muốn đưa sự thật, sự hy sinh của đồng đội đến với mọi người, đến với nhân dân, bởi trong dư luận, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết về sự kiện này, về Gạc Ma và những người lính chúng tôi để giữ cho được biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - anh Thảo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức hào hùng về Gạc Ma!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO