Kỳ vọng được mùa, được giá

Khanh Lê-Minh Sang 26/02/2022 13:25

Theo ngành chức năng so với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm 2022 tăng đến hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị ngành lúa gạo cần cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, để dù giảm sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu lạc quan. Ảnh: Thanh Phong

Những tín hiệu lạc quan

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 505.741 tấn với trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đưa ra dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo từ 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. Nhu cầu thế giới đối với lương thực tiếp tục cao trong năm 2022 là những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gạo trong năm nay.

Dự báo, xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng mạnh từ tháng 3/2022, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU. Đáng chú ý, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn từ 10-20 USD/tấn, tùy loại. Thực tế trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở top cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp cho số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đánh giá về tiềm năng thị trường xuất khẩu gạo, nhận định từ phía các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cũng cho biết, ngay từ đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo đã rất lạc quan, báo hiệu sẽ có sự bứt phá mạnh hơn bởi nhiều yếu tố hậu thuẫn có lợi cho cả DN và người trồng lúa như nhu cầu và giá lương thực trên thế giới tăng, sức chống chịu của DN tăng và đặc biệt là DN Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong dịch Covid-19, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tăng giá trị xuất khẩu

Mặc dù xuất khẩu gạo năm 2022 vẫn có nhiều tín hiệu khả quan tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, về lâu dài cần phải có những giải pháp nâng tầm chất lượng gạo Việt. Nhất là hiện nay nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Nếu hạt gạo Việt không nâng cao chất lượng sẽ khó cạnh tranh được trên trường quốc tế, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Thực tế ngay từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc (thị trường trọng điểm xuất khẩu gạo) đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… Đây cũng sẽ là thách thức nếu DN muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Cùng với đó, thị trường EU, ngoài những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng gạo xuất khẩu theo quy định của EU, các DN xuất khẩu gạo sang EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết. Đã có những DN xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU thời gian qua chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì, như tên sản phẩm bao gồm tên thương mại và tên khoa học; phương pháp sản xuất; xuất xứ; khối lượng tịnh; tên người bán ở EU (tên DN và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán được thành lập ở EU); bao bì phải có số phê duyệt của EU; ghi rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng…

Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu. Đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển. Để tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với DN tiêu thụ. An Giang và Kiên Giang là những địa phương có sản lượng lúa dẫn đầu cả nước với trên 4 triệu tấn. Việc các DN đứng ra tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra sẽ giúp nông dân giảm rủi ro được mùa, mất giá và phải giải cứu.

Để xuất khẩu gạo tốt, cần sự chủ động của các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội từ việc thực thi hiệp định EVFTA. Cùng đó cần thực hiện tốt định hướng về tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, trên cơ sở tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại và các giống lúa năng suất, chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng được mùa, được giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO