Kỳ vọng gia tăng nguồn cung nhà giá rẻ

THANH GIANG 29/12/2022 07:20

Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đã được quan tâm phát triển nhiều năm nay, song thực tế vẫn không nhiều chuyển biến. Kế hoạch phát triển của TPHCM cũng như dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở 2014 của Bộ Xây dựng mới đây được người thu nhập thấp kỳ vọng nguồn cung sẽ được cải thiện hơn.

Người thu nhập thấp mong muốn nguồn cung nhà ở giá rẻ dồi dào hơn, giá mềm hơn.

Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội

Nói về phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành thẳng thắn chỉ rõ: “Đầu tư vào nhà ở xã hội không có lợi nhuận. Đó chính là lý do tại sao các doanh nghiệp (DN) ngại tham gia. Đa phần DN hướng đến nhà ở thương mại, một số DN mạnh dạn tham gia nhà ở xã hội cũng đã phá sản”. Ông Đực dẫn chứng, 10 năm qua một số DN làm tốt nhà giá rẻ là Công ty TNHH Lê Thành và Công ty địa ốc Đất Lành. Suốt 10 năm cả Lê Thành và Đất Lành làm được tổng cộng 10.000 căn hộ. Thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Lê Thành cũng đã nản với nhà ở xã hội, còn Công ty địa ốc Đất Lành cũng không xây dựng nhà ở xã hội nữa. Nhiều “đại gia” bất động sản như VinGroup, Novaland, Hưng Thịnh hứa sẽ đưa ra thị trường 300.000 căn hộ, 200.000 căn, 100.000 căn, tuy nhiên thực tế thị trường chưa ghi nhận căn hộ nào.

Thực tế cho thấy, TPHCM thiếu trầm trọng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Trăn trở với nhà ở giá rẻ, ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cho rằng: “Kế hoạch xây dựng và phát triển nhà ở xã hội của TPHCM có từ 20 – 30 năm trước. Thế nhưng đến nay nhà ở xã hội của thành phố vẫn rất hiếm, trong khi nhu cầu rất cao”. Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đánh giá, nhà ở giá rẻ vẫn đang rất khan hiếm, cung thiếu hụt so với cầu. Thành phố có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động mà phần lớn muốn thuê nhà ở xã hội, hoặc phòng trọ. TPHCM có 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân (chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp).

Hướng mở cho nhà ở giá rẻ

Nhận thấy rõ điểm nghẽn trong phát triển nhà ở giá rẻ, mới đây Bộ Xây dựng trình dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Dự thảo cũng yêu cầu bổ sung quy định bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. UBND tỉnh, thành căn cứ kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Tiếp tục với câu chuyện chính sách phát triển nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nêu quan điểm, làm nhà ở nhà xã hội là trách nhiệm của nhà nước. Địa phương phải có sẵn quỹ đất, có thể mua đất hoặc chọn đất công với diện tích khoảng 50 – 100 ha. Sau đó, thiết kế, quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,... đầy đủ rồi phân ra từng khu vực, mỗi khu vực vài nghìn căn hộ rồi giao cho DN xây dựng. “TPHCM có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của Bình Dương. Bình Dương phát triển mô hình này rất tốt. Cụ thể, xây dựng khu 5.000 căn, 10.000 căn nhà ở xã hội, không xây chen” – ông Đực nhấn mạnh đồng thời kiến nghị, cần lập ra Ban phát triển nhà ở xã hội trực thuộc UBND thành phố để tìm quỹ đất, xin thủ tục, phát triển quỹ nhà ở xã hội. Trong đó, quỹ nhà ở xã hội có thể được xây dựng từ nguồn xổ số kiến thiết hàng năm của thành phố hoặc tiền bán đất công hay lấy tiền từ bán đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

Cũng chỉ ra nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ trong xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng cần gỡ điểm nghẽn về thủ tục. Theo ông Châu, cơ chế một cửa nhưng lại bị mất nhiều thời gian hơn, thậm chí bị “tắc” ngay tại cửa đầu tiên là khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. “So với trước đây làm theo “cơ chế nhiều cửa”, DN có thể đồng thời trực tiếp làm việc song song với từng Sở, ngành, quận, huyện để được thẩm định nên có kết quả nhanh hơn hiện nay” – ông Châu nói.

Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM, ngày 27/12, tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, ngành kiến trúc cần tham mưu, chuẩn bị về định hướng không gian, vị trí, phân bổ mạng lưới cũng như tính toán bài toán hạ tầng liên quan. Theo ông Nghị, qua công tác quy hoạch, chủ động tạo quỹ đất, dành quỹ đất đáp ứng yêu cầu xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng TPHCM cho hay, theo kế hoạch tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 là 50 triệu m² sàn (366.510 căn nhà). Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2/người. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000m2 sàn (chiếm tỷ lệ 20% diện tích nhà ở xã hội). Ngoài ra, công nhân, người lao động sẽ được giải quyết cho thuê hoặc cho thuê mua trong các dự án nhà ở xã hội ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng gia tăng nguồn cung nhà giá rẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO