Kỳ vọng tài năng trẻ ca trù

Vân Khánh 08/11/2016 14:10

Liên hoan ca trù Hà Nội sẽ diễn ra từ 11 đến 13/11 tới đây.Sau khi Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) đã có Liên hoan Ca trù toàn quốc được tổ chức.Và đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Liên hoan Ca trù dành riêng cho các tài năng trẻ.

Giáo phường Ca trù Thăng Long- HN.

Nỗ lực để ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 với mục đích động viên, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành Ca trù nhưng cũng là dịp để phát hiện bồi dưỡng các tài năng trẻ.

Năm nay Liên hoan sẽ diễn ra tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với 10 giáo phường, nhóm Ca trù đại diện cho 10 quận, huyện của thủ đô. Bên cạnh các giáo phường, CLB Ca trù đã thành danh của Thủ đô như: Giáo phường Ca trù Thái Hà, Giáo phường Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Ngãi Cầu... liên hoan lần này có sự xuất hiện của nhóm hát mới có tên CLB Ca trù Phú Thị đến từ huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đáng chú ý, trong Liên hoan lần này bên cạnh các tiết mục đã được các đào nương, nhóm hát đăng ký dự thi thì Ban giám khảo sẽ đo đếm tài năng, trình độ của các kép đàn, đào nương trẻ tuổi thông qua hình thức bốc thăm để thí sinh trình diễn thêm danh mục các thể cách kinh điển và khó.

Trước đó, ở Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014 nhằm nhìn lại 5 năm chặng đường cứu ca trù khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, những nỗ lực cứu ca trù đã ít nhiều đã được ghi nhận.

Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan từng dành nhiều tâm huyết để khôi phục bộ môn nghệ thuật này cho biết: Nếu như những năm 2005 trở về trước, hai chữ “ca trù” gần như xa lạ trong cộng đồng, xa lạ ngay cả ở những vùng có ca trù thì hiện nay, hầu hết công chúng đều đã biết “ca trù được thế giới công nhận là di sản phi vật thể”, đấy là bước chuyển vô cùng quan trọng, tạo động lực để “vực dậy” bộ môn nghệ thuật quý báu như ca trù. Trước năm 2005, cả nước chỉ có 2 tay đàn thực thụ thì nay đã có 8 tay đàn chắc chắn. Các ca nương trẻ đã biết hát tới 11 điệu trong khi tổng thể ca trù có trên 40 điệu.

Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, với những thành quả sau 5 năm “bảo vệ” và khôi phục thì có thể nói ca trù đã có đủ khả năng để thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Vẫn là nỗi niềm nghệ nhân

Theo lộ trình năm 2017, Việt Nam sẽ phải báo cáo với UNESCO về tình trạng bảo tồn ca trù, cũng như việc có thể đưa di sản này ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp hay không.

Thế nhưng, tại buổi tọa đàm “Bảo tồn di sản phi vật thể ca trù Hà Nội” từng được tổ chức cách đây ít lâu với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa và đặc biệt là đại diện các câu lạc bộ (CLB) ca trù trên địa bàn TP Hà Nội, câu chuyện bảo tồn ca trù vẫn là nỗi lo khắc khoải.

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 14 CLB và nhóm ca trù đang hoạt động. Trong đó, việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện nay có 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học…

Các CLB còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ; mới sáng tác thêm 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

Hiện nay tại Thủ đô có 3 địa điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là Bích Câu đạo quán, Đền Quán Đế, Đình Kim Ngân thu hút đông đảo du khách.

Song những nghệ nhân còn gắn bó với ca trù Hà Nội cũng trăn trở bởi ca trù đang thiếu nhiều không gian riêng để diễn xướng.

Theo ca nương Phạm Thị Huệ- Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long, việc bảo tồn ca trù tại Thủ đô đang thiếu nhiều yếu tố.

Trong đó, Nhà nước hiện nay chưa có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân truyền lửa ca trù, dẫn tới việc nhiều bạn trẻ theo loại hình âm nhạc này sau khi học xong đã chuyển sang nghề khác.

Còn các nhà nghiên cứu cho rằng, sự “vực dậy” ca trù được như ngày hôm nay phần lớn là nhờ sự nỗ lực của những người đang trực tiếp nắm giữ di sản này, những nghệ nhân vì yêu ca trù nên vẫn đam mê truyền thụ và khơi dậy tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ - dù không có sự hỗ trợ nào…

Theo qui định của UNESCO, đối với các di sản phi vật thể được xếp hạng trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp, cứ 4 năm/lần mỗi quốc gia phải báo cáo về tình trạng bảo tồn di sản.

Vào năm 2014, Việt Nam cũng đã báo cáo lên UNESCO nhưng đến nay tổ chức này vẫn chưa có câu trả lời là di sản ca trù đã được ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp hay chưa.

Và theo kế hoạch vào năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục phải báo cáo với UNESCO về tình trạng của di sản ca trù.

Quy định cũng nêu rõ, các quốc gia có di sản nằm trong danh sách này phải lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đưa di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.

Sau 5 năm, nếu vẫn chưa có chiến lược, biện pháp cụ thể để phục hưng di sản thì quốc gia đó sẽ phải thực hiện những cam kết chặt chẽ hơn nữa.

Sau một thời gian nhất định, nếu di sản vẫn nằm trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp thì rất có khả năng sẽ bị… thu hồi danh hiệu. Đây là những thách thức không nhỏ trong quá trình bảo tồn ca trù hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng tài năng trẻ ca trù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO