Lá cờ của binh sỹ Nhật tử trận và hành trình trở về sau 7 thập kỷ

16/08/2017 09:30

Một lá cờ bên trên gồm rất nhiều chữ ký chúc may mắn của một binh sỹ Nhật tử trận trong Thế chiến II đã được một cựu binh Mỹ trả lại cho gia đình của ông, hơn 70 năm sau khi lá cờ này được tìm thấy trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Ông Tatsuya Yasue nhận lại lá cờ từ cựu binh Marvin Strombo. (Nguồn: AP).

Cách đây trong 73 năm, một binh sỹ trẻ đến từ Montana (Mỹ), được triển khai tới đảo Saipan, phát hiện một thi thể binh sỹ Nhật tử trận. Trong ba lô của người lính tử trận là một "lá cờ may mắn" - lá quốc kỳ Nhật phủ kín chữ ký cùng những lời chúc may mắn của 180 người trong gia đình và ở cùng quê Higashi - Shirakawa.

Người lính thủy đánh bộ 20 tuổi, Marvin Strombo, thuộc tiểu đội do thám - bắn tỉa, đã lấy lá cờ này. Qua nhiều thập kỷ, lá cờ được trưng bày ngay trong nhà của Strombo ở Missoula, Montana, trở thành đề tài nói chuyện sôi nổi của những người tới xem và cũng là niềm tự hào của người cựu binh.

Nhưng trong hôm 15/8, tức kỷ niệm 72 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II, ông Strombo đã di chuyển nửa vòng trái đất từ Missoula đến ngôi làng nhỏ với dân số chỉ khoảng 2.388 người ở Nhật Bản để trả lại lá cờ trên cho gia đình người lính nọ. Người dân địa phương cùng trẻ em nơi đây đã mang đồ màu đen để tham dự buổi tưởng niệm.

"Tôi đã từng có khoảnh khắc này với người anh em của các bạn cách đây 73 năm. tôi đã hứa với anh ta rằng có ngày tôi sẽ trả lại lá cờ cho gia đình của anh" - ông Strombo nói với gia đình của Sadao Yasue, người lính tử trận chủ nhân của lá cờ - "Mất rất nhiều thời gian, nhưng tôi vẫn có thể trả lại lá cờ cho các bạn".

Khi ông Trombo trao trả lá cờ cho em trai của Yasue, ông Tatsuya Yasue, 89 tuổi, đã ôm lấy lá cờ này rồi đưa nó cho người chị đã 95 tuổi, người cũng làm tương tự. Cùng với người thân xung quanh, bà lặng lẽ lau nước mắt.

"Marvin, cảm ơn ông rất nhiều vì đã mang trở về lá cờ này" - ông Tatsuya Yasue nói với vị cựu binh đang đứng cùng 2 cô con gái cùng các đại diện đến từ Obon Society, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy chương trình tái hòa giải sau chiến tranh.

Rex Ziak, đồng sáng lập Obon Society, cho hay đây chỉ là một phần trong nỗ lực hàn gắn những tổn thất về sinh mạng trong thời chiến mà tổ chức của ông mang lại. Được biết tổ chức này chuyên trao trả các di vật thời chiến cho các gia đình ở Nhật Bản, nhưng đây là lần đầu tiên một di vật có giá trị tinh thần lớn đến vậy được trả về đúng chỗ.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Marvin Strombo, 1 trong số 7 người con trong một gia đình nhà nông ở Montana, đã gia nhập lực lượng Thủy quân lục chiến và tham gia vào 3 trận chiến ác liệt nhất với quân Nhật trong Thế chiến II - ở Tarawa, Tinian và Saipan.

Và vào thời điểm tham gia trận chiến trên đảo Saipan tháng 6-2944, ông đã phát hiện thi thể của Yasue, người con cả trong số 6 người con sinh trưởng trong gia đình nông dân sống ở vùng núi của tỉnh Gifu, Nhật Bản. Lúc bấy giờ, Strombo phát hiện ra mình đã bị lạc khỏi đội và đứng giữa tiền tuyến của quân Nhật. Ông cố gắng tìm đường đến Garapan, một thị trấn ven biển, để tìm lại đồng đội.

Trong lúc đang đi bộ, ông phát hiện một binh sỹ đang nằm ngửa. Người lính này "mang theo một thanh gươm nên tôi biết anh ta là một sỹ quan", Strombo kể lại. "Lúc đó trông như thể anh ta đang ngủ. Không có vết thương hay mảnh đạn nào. Đó là cách mà tôi phát hiện ra anh ấy", Strombo nói.

Đây cũng là lần đầu tiên mà gia đình Yasue được nghe kể về những gì đã xảy ra với anh trong trận chiến đó. Vào ngày mà Yasue được lệnh chiến đấu, người lính 25 tuổi này ngồi trên đồng cỏ cùng gia đình mình.

"Anh ấy đã thì thầm với chúng tôi: Hình như họ sắp điều động anh tới một hòn đảo xa ở vùng biển phía Nam" - ông Tatsuya kể lại - "Anh ấy còn nói: Có thể anh sẽ không trở lại nên hãy chăm sóc cha mẹ cho tốt".

Đó là lời cuối cùng mà gia đình Yasue nghe được từ người lính trẻ khi đó, mãi cho tới khi Strombo đến đây vào hôm 15/8 để kể lại câu chuyện của mình. Sau khi nghe xong, gia đình Yasue mới biết thêm về cái chết của người anh cả trong gia đình.

"Giờ chúng tôi mới biết rằng anh của chúng tôi đã chiến đấu dũng cảm trên đảo Saipan, vì đất nước của chúng tôi" - ông Tatsuya nói - "Tôi rất tự hào về anh ấy".

Khi nhìn vào thi thể của Yasue hồi tháng 6-1944, ông Strombo quyết định giữ lấy lá cờ này nhưng hứa một ngày nào đó sẽ trả lại cho gia đình người lính tử trận. Ông Strombo nói rằng việc đưa ra lời hứa đó khiến ông cảm thấy tốt hơn khi mang đi lá cờ đó. Tuy nhiên, việc giải nghĩa những dòng chữ viết trên lá cờ này rất khó, đặc biệt vào thời kỳ mà Internet chưa phát triển. Bởi vậy mà nguồn gốc lá cờ không thể được làm rõ, và Strombo không thể biết nơi để trả lại.

Và rồi đến cuối năm 2016, trường ĐH Montana đã liên hệ với ông Strombo, nói rằng ban nghiên cứu Nhật Bản của trường muốn biết thêm về lá cờ của ông. Sự việc đã giúp cho ông Strombo hiểu được nội dung những dòng chữ trên lá cờ, biết được quê hương của người lính tử trận.

Gia đình Yaue cho hay, họ sẽ đưa lá cờ tới trước mộ cha mẹ Yasue để cho họ thấy rằng con trai lớn của họ đã trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá cờ của binh sỹ Nhật tử trận và hành trình trở về sau 7 thập kỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO