Lạc vào mê cung giữa đại ngàn Cúc Phương. Bài cuối: Khúc hoan ca của đại ngàn

Giang Vương 21/04/2022 08:50

Bao đời nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương được lực lượng kiểm lâm và đồng bào các dân tộc ngày đêm bảo vệ, gìn giữ. Đổi lại, rừng đã mang lại cho con người nơi đây cuộc sống yên bình, ấm no và cũng lãng mạn tựa một khúc hoan ca…

Nếu ban ngày là những đàn bướm rợp sắc màu thì đêm về đom đóm thắp sáng lên như một dải ngân hà.

Đổi thay bản Mường

Nằm gần khu vực dân cư nhất là các Trạm kiểm lâm thôn Bãi, Trạm Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3 với 220 hộ dân, trong đó chiếm 98% là người Mường. Theo lời Trạm trưởng trạm Kiểm lâm số 2 Bùi Tuấn Anh, trạm có 5 cán bộ, chiến sĩ quản lý gần 2.000 ha rừng nên không thể xuể nếu không có sự giúp sức từ người dân sinh sống nơi đây.

Theo già làng Đinh Văn Quý, những năm 80 trở về trước, các bản như Bản Đăn, bản Mặc, bản Lá Mền…đều nằm sâu trong rừng. Mỗi bản có hơn chục nóc nhà dựng bằng tre, nứa. Miếng ăn dựa cả vào việc săn bắn, hái lượm, tỉa bắp trên những vạt đồi, thung lũng, trồng lúa ở nơi có nước. Cứ thế, bao thế hệ người Mường đã nương tựa vào rừng, được rừng che chở, cưu mang.

Đã hơn nửa thế kỷ từ ngày Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập, mặc dù nằm lọt giữa một vùng đồng bằng với hàng vạn dân sinh sống xung quanh, nhưng đại ngàn diệu kỳ và huyền bí ấy vẫn vẹn nguyên một màu xanh trùng điệp.

“Đến thập niên 80, theo tiếng gọi của cán bộ, chúng tôi thực hiện di dân ra vùng đệm của rừng để lập thành các bản làng mới như bây giờ. Ra khỏi rừng, được sự hướng dẫn của cán bộ về cách sản xuất mới nên đời sống của bà con ngày càng ấm no hơn” - già Quý cho biết.

Để minh chứng cho lời mình nói, già Quý dẫn chúng tôi tới thăm mô hình nuôi ong lấy mật của trưởng thôn Sấm 2 - Đinh Quang Lâm. “Nhiều mô hình làm kinh tế được cán bộ hướng dẫn lắm, nuôi ong là một ví dụ” – vừa nói, già Quý vừa giới thiệu về 130 thùng ong đang vào mùa thu hoạch của gia đình trưởng thôn Lâm. Ông cho biết, mỗi năm thu hoạch từ 1.000 -1.200 lít mật, giá bán trên thị trường hiện nay từ 200 -250 nghìn đồng/ lít.

Không chỉ hướng dẫn người dân bản địa sản xuất, phát triển kinh tế, cán bộ địa phương còn đưa ra sáng kiến, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi bản làng là một trạm kiểm lâm. Từ đó, mô hình mỗi thôn, bản sẽ có một tổ tự quản, mỗi tổ gồm 4-5 người phối hợp cùng với trạm kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng. “Mỗi chuyến đi tuyến, chúng tôi đều được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người dân. Họ đi tuần cùng, ăn cùng và bảo vệ rừng cùng chúng tôi. Gánh nặng trên vai của anh em kiểm lâm cũng vơi bớt phần nào” - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 Bùi Tuấn Anh chia sẻ.

Tuần tra giữ rừng.

Đều đặn mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Trạm Sấm lại tổ chức các buổi gặp gỡ, thăm hỏi và tuyên truyền cho dân bản ý thức bảo vệ rừng.

Kiểm lâm viên Nguyễn Bá Lâm luôn trăn trở: “Khi cái đói, cái nghèo không còn bủa vây thì chắc chắn họ sẽ không nghĩ tới chuyện lên rừng để kiếm kế sinh nhai nữa”. Vì vậy, thời gian qua cán bộ chiến sĩ kiểm lâm của Trạm đã hướng dẫn đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất để phát triển kinh tế.

Điểm hẹn nơi hoang dã

Ngay từ cổng vào, giữa thời tiết tháng tư chúng tôi đã đã bắt gặp từng đàn bướm với sắc màu sặc sỡ nối đuôi nhau. Nhiều nhất vẫn là loài bướm trắng, bướm phượng, bướm khế…Những đàn bướm bồng bềnh như đám mây trắng, hồng, cam,… khiêu vũ trong không gian. Không gian của rừng Cúc Phương vốn dĩ đã rất xanh mát, hiền hòa, giờ đây lại càng khiến con người ta mê đắm như lạc vào tiên cảnh.

Theo ông Đỗ Văn Lập - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, mùa bướm xuất hiện vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm với hơn 400 loài đủ các chủng loại. Số lượng cá thể dao động tới hàng triệu con, chia thành nhiều đàn, nhiều khu vực rải rác trong khắp khu rừng. Bướm thường xuất hiện nhiều vào những ngày nắng đẹp.

Ngày ở Cúc Phương đã vậy, đêm về hòa trong bản nhạc của tiếng chim gù, vượn hú, ếch kêu là ánh đèn lấp lánh của hàng nghìn con đom đóm. Những đốm sáng li ti, lấp lánh, mê mẩn. Từng đường sáng uốn lượn tựa như dải ngân hà.

Theo giải thích của các chuyên gia ở Trung tâm, đây là giai đoạn quan trọng nhất trong vòng đời của đom đóm. Chính những đốm sáng ấy sẽ kích hoạt cơ thể duy trì nòi giống của chúng, góp phần quan trọng trong việc giữ nhịp cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học của một cánh rừng.

Với tiềm năng sinh thái và cảnh quan giàu có ấy, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã và đang chuyển mình trong bối cảnh mới. Không chỉ đom đóm, bướm, những tặng vật thiên nhiên nơi đây đang được đội ngũ cán bộ của Vườn nghiên cứu và xây dựng thành những sản phẩm du lịch sinh thái đầy bản sắc.

Theo kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học, trong diện tích hơn 22.000ha rừng Cúc Phương chứa đựng số lượng loài thực vật bằng một phần tư số thực vật toàn Đông Dương. Đặc biệt, có 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu, 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể làm thuốc nhuộm và 137 loài cho tanin.

Ở hệ sinh thái động vật, Cúc Phương cũng chứa đựng một phần không nhỏ với 669 loại động vật có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ. Động vật không có xương sống có 1.899 loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành.

Cũng theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Lập, không chỉ cuốn hút bởi thảm thực vật đa dạng, bởi tiếng hoan ca của muông thú, để bảo tồn, gìn giữ được một Cúc Phương còn nguyên trạng, có sự góp công rất lớn của cán bộ, nhân viên và bà con dân tộc nơi đây. “Không một cánh rừng nào có thể gục ngã nếu có sự chung tay gìn giữ của cả cộng đồng. Giữ rừng phải từ trong tâm thức và tình cảm của mỗi con người” - ông Lập nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạc vào mê cung giữa đại ngàn Cúc Phương. Bài cuối: Khúc hoan ca của đại ngàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO