Lại bùng phát lừa đảo vay qua mạng - Bài 1: Mạo danh nhân viên ngân hàng

Thúy Hằng 21/08/2021 06:30

Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Nhiều người vì thiếu tiền đã phải đi vay nợ, rồi dần bị dụ đến tín dụng đen. Các đường dây lừa đảo, trong đó có cả mạo danh cán bộ ngân hàng bắt đầu tái bùng phát trên mạng.

Các chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù các ngân hàng liên tục cảnh báo, nhưng vẫn không ít người dân vẫn sập bẫy.

Bỗng dưng mất tiền

Chị N.L, ở Đà Nẵng kể vừa bị lừa mất 70 triệu đồng. Trong câu chuyện, chị N.L, cho biết, vì cần tiền nên nhờ các mối quan hệ bạn bè để vay tiền. Sau đó, có người tên là Trần Tuấn Hà muốn kết bạn với chị qua zalo, tự giới thiệu là nhân viên của Công ty tín dụng Việt Tín liên kết với ngân hàng TMCP Vietcombank có thể giải quyết các nhu cầu vay vốn mà không cần thế chấp bất cứ điều gì.

Trần Tuấn Hà còn dùng hai số điện thoại 0586771xxx và 0364494xxx nói chuyện, hướng dẫn chị đăng ký vay tiền, sau đó gửi hồ sơ chờ thẩm định, chờ giải ngân khoản vay. Xong bước đầu, người này thông báo với chị N.L, là không thể chuyển tiền được về tài khoản thẻ do vướng nhiều vấn đề, cần phải xin ý kiến của cấp trên.

Từng bước đưa con mồi vào bẫy, đối tượng này tiếp tục gửi cho chị một thông báo giả có logo của ngân hàng Vietcombank TMCP Ngoại thương (Vietcombank), kèm một đường link để chị truy cập cài “ví điện tử” vào máy tính (Ví ảo – PV).

Trong thông báo giả sử dụng logo của Vietcombank có nội dung: Kính gửi bà N.L. Liên quan đến hợp đồng vay tín dụng tại Công ty tài chính Việt Tín của bà N.L., Ngân hàng TMCP Công thương thông báo: Do phát hiện số thẻ tài khoản ngân hàng không trùng khớp với tên chủ thẻ trong hợp đồng vì vậy hệ thống đã tạm thời đóng băng số tiền 70.000.000 đồng là khoản giải ngân hợp đồng vay tín dụng của bà. Yêu cầu bà xác minh lại thông tin với hệ thống để sửa và chuyển 7.000.000 đồng vào số tài khoản chỉ định: 20750757 có tên Võ Thị Thu Trâm mở tại NHTMCP Á Châu (ACB).

“Trần Tuấn Hà cũng hứa hẹn rằng, số tiền mà tôi gửi là để chứng minh và sẽ được hoàn trả lại ví của tôi khi họ giải ngân. Vì tin tưởng nên tôi đã chuyển 7.000.000 đồng vào tài khoản trong thông báo. Sau đó ít phút ví ảo mà tôi cài đặt theo hướng dẫn của Trần Tuấn Hà có thông báo ngay số tiền 107.000.000 đồng” - chị N.L. kể lại.

Những thông báo giả mạo ngân hàng.

Chưa kịp hiểu tại sao tài khoản trong ví lại lên tới 107.000.000 đồng thì Trần Tuấn Hà lại liên lạc với tôi nói có rắc rối, không thể rút được tiền mặt, tiếp tục chờ thông báo mới từ ngân hàng. Sau đó tôi lại nhận được một thông báo “rởm” nữa do Trần Tuấn Hà dựng lên với nội dung: Do số tiền 107.000.000 đồng hiện có trong ví có sự chênh lệch quá lớn so với hợp đồng vì thế hệ thống chưa thể nhận diện và xử lý giao dịch rút tiền nên có sự chậm trễ. Muốn giải quyết tôi phải chuyển 32.100.000 VND gọi là bảo hiểm bảo đảm đến chủ tài khoản Võ Thị Thu Trâm kia.

“Không hiểu sao tôi lại mê muội và làm theo hết các hướng dẫn. Chuyển tiền theo yêu cầu xong, tôi liên lạc với Hà thì thuê bao tắt máy. Tôi đem tài khoản ví mà tôi đã cài trong điện thoại để hỏi bạn bè và ngân hàng thì mới biết tất cả là ảo”. – Chị N.L. vừa khóc vừa kể.

Chị N.L. đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng nhưng chưa giải quyết được.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, cũng đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng hình ảnh của nhiều ngân hàng để cắt ghép, nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Câu chuyện chị N.M.P. ở Thái Nguyên cũng một ví dụ tương tự khi nạn nhân bị lừa 5.000.000 đồng vì nghĩ thông báo nào mà có logo của VCB cũng là đáng tin.

Cụ thể chị N.M.P. cũng nhận được thông báo giả có con dấu, logo VCB y chang thông báo chị N.L. nhận được nhưng nội dung là: Do phát hiện lỗi sai số thẻ tài khoản ngân hàng không trùng khớp với chủ thẻ trong hợp đồng vì vậy hệ thống tạm thời đóng băng khoản vay 50.000.000 đồng và yêu cầu chị gửi 5.000.000 đồng để đảm bảo trách nhiệm với khoản vay. Và số tài khoản chỉ định để chị N.M.P. gửi đến là 0081001223842 của Võ Thị Thu Trâm, mở tại ngân hàng Vietcombank.

Tuy nhiên, do có tham gia vào các hội nhóm có cảnh báo hiện tượng lừa đảo nên chị N.M.P. đã chặn ngay zalo cũng như điện thoại đối tượng gửi thông báo đến.

Chiêu thức cũ vẫn nhiều người mắc

Tình trạng mạo danh cán bộ công ty tín dụng liên kết với ngân hàng, thậm chí mạo danh cán bộ ngân hàng hỗ trợ cho vay tiền nhanh, rẻ, không cần thế chấp đang tràn lan trên mạng. Nhiều ngân hàng cũng đã ra thông báo cảnh báo người dân tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cụ thể đối tượng sử dụng website, zalo có logo ngân hàng, hình ảnh phòng giao dịch, hội thảo tư vấn của ngân hàng… thậm chí hình ảnh của nhân viên ngân hàng để liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cần nộp một khoản phí để được hưởng ưu đãi, rồi biến mất.

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng nhu cầu vay tiền thực sự của nhiều người dân, trong khi các tiêu chí tín dụng như tài sản thế chấp hay phương án kinh doanh không có, hoặc chỉ đơn giản là ngại đến ngân hàng với các thủ tục hồ sơ, lừa người cần vay tiền bằng những hình thức tinh vi như làm giả các hợp đồng của các ngân hàng, giả mạo đầu số điện thoại để nhắn tin tạo sự tin tưởng. Do thiếu hiểu biết, nhiều người đã mắc bẫy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, các chiêu thức lừa đảo liên quan đến ngân hàng đa phần đều rất cũ, được các cơ quan chức năng và các ngân hàng thường xuyên cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Điều này cho thấy việc trang trị kiến thức tài chính cá nhân còn rất thiếu. “Người dân cần tìm đến các địa chỉ cho vay uy tín, được cấp phép. Tuyệt đối không vay tiền theo các hướng dẫn trên mạng, chỉ cần sơ sểnh sẽ mất tiền oan” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Công an Hà Nội cũng từng khuyến cáo, hiện nay xuất hiện nhiều hình thức giả danh cán bộ công an, cán bộ ngân hàng, nhân viên tư pháp… để lừa đảo. Người dân cần nâng cao cảnh giác.

Cụ thể, đối với người dùng mạng xã hội cần tránh đưa thông tin cá nhân, để đối tượng xấu không có cơ hội khai thác. Đặc biệt, không tải các phần mềm do đối tượng yêu cầu, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP (mật khẩu sử dụng 1 lần) tài khoản ngân hàng... cho các đối tượng lạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại bùng phát lừa đảo vay qua mạng - Bài 1: Mạo danh nhân viên ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO