Lãi suất chờ giảm

Thúy Hằng 27/09/2020 08:00

Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho nhiều kênh đầu tư phải ấn nút “stop” thì trên mạng rộ lên hình thức góp vốn bằng tiền ảo. Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước khẳng định vẫn muốn giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp

Sức khoẻ doanh nghiệp (DN) bị bào mòn bởi dịch Covid-19. Nhiều chính sách tài khoá bung ra, cùng với chính sách tiền tệ được áp dụng để hỗ trợ DN song số lượng DN buộc phải đóng cửa, ngưng hoạt động vì dịch quá nhiều. Chưa bao giờ, cảnh trả mặt bằng, sang nhượng cửa hàng, bán khách sạn... lại diễn ra tràn lan như hiện nay. Không chỉ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cả Huế, Đà Nẵng cũng tương tự.

Trao đổi với Đại Đoàn kết, giám đốc một khách sạn tư nhân ở Hà Nội kêu rằng, kinh doanh lĩnh vực nhà hàng khách sạn đang có 2 hiện tượng, đó là có nhiều DN chết”từ từ và cũng có DN “đột tử”.

Một đại diện Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II của công ty ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 23 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng sau thuế thu nhập DN của Vietravel này ở mức âm 38 tỷ đồng, và là quý lỗ ròng thứ 3 liên tiếp.

Dịch Covid-19 tác động tới tất cả các DN không phân biệt quy mô, lĩnh vực. Có DN bị ảnh hưởng nhiều, có DN ảnh hưởng ít. Trong giai đoạn khó khăn, bất kỳ DN nào cũng mong được hỗ trợ, đặc biệt là thuế, phí, lãi suất.

Theo thống kê, cho tới thời điểm này, có tới 185 lượt giảm lãi suất của các ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới.

Còn Việt Nam thì sao? Việt Nam đã thực hiện 4 lượt cắt giảm lãi suất kể từ cuối năm 2019 đến nay. Cụ thể NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của DN và người dân.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động của ngành ngân hàng, trong đó rất khó khăn với dòng tiền và nguồn thu. NHNN đã triển khai quyết liệt các giải pháp, phối hợp với các bộ, ngành, thực hiện rất nhiều giải pháp hỗ trợ cho các DN, người dân.

Cụ thể, đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay, lãi suất huy động để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch Covid-19. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đã thay đổi rất nhiều trong hoạt động tín dụng. Nếu như trước đây, ngân hàng rót vốn rất nhiều cho dự án giao thông, kinh doanh bất động sản... thì nay các lĩnh vực đó dần bị siết lại. Đối tượng được nhiều ngân hàng hướng đến hiện nay là các DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Song nguyện vọng cộng đồng DN vẫn mong giảm lãi suất nhiều hơn nữa.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và sức khoẻ hệ thống ngân hàng để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống. NHNN chú trọng trong điều hành thanh khoản thuận lợi cho các TCTD để các ngân hàng có điều kiện không tăng lãi suất. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí như giảm lương, thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt…từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất lên hay xuống còn phụ thuộc vào cung - cầu trên thị trường và đặc biệt còn phụ thuộc vào việc phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, kỳ vọng vẫn cứ kỳ vọng!

Tiền ảo trở lại và lợi hại hơn xưa?

Thị trường tài chính Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều trường hợp nhà đầu tư mất trắng tiền thật khi kinh doanh tiền ảo, một thời người người mua trâu cày bitcoin và mất trắng. Thế nhưng, bài học đó chưa qua thì nhiều vết xe đổ được dẫm lại. Đồng tiền ảo vẫn là kênh đầu tư mà nhiều người “dòm ngó”, bởi lãi suất hấp dẫn mà các sàn giao dịch, website này quảng cáo. Mới đây nhất,đồng tiền ảo lại xuất hiện dưới hình thức huy động vốn.

Chẳng hạn tại website WINSBANK.IO đưa ra nhiều quảng cáo về tương lai của đồng tiền ảo Win và giá cổ phiếu ESR. Đồng thời, đưa ra rất nhiều lợi ích kinh tế để đánh lừa người dân đầu tư tiền vào hệ thống Winsbank.

Winsbank “hứa hẹn” với nhà đầu tư sẽ có lãi suất cố định từ 2% đến 12%/năm, sau khi tham gia vào hệ thống bằng cách mua đồng tiền ảo WinCoin, với 13 gói đầu tư WinCoin có giá trị từ 100 Win đến 100,000 Win (tương đương từ 100 USD đến 1,000,000 USD). Hoặc tham gia mua cổ phiếu ESR với 16 gói giá trị khác nhau.

Bộ Công an khuyến cáo, người dân cảnh giác để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, mất tiền khi tham gia đầu tư hệ thống Winsbank. Hệ thống này có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính công nghệ, hoạt động này không chỉ trái pháp luật, mà còn tiềm ẩn 99% khả năng là lừa đảo, 1% còn lại mang về cho nhà đầu tư cơ hội 50-50: 50% có thể lãi to, song 50% là mất trắng. Trong trường hợp bị mất tiền, nhà đầu tư cũng không thể nhờ pháp luật bảo vệ, bởi đây là hoạt động kinh doanh trái phép.

Các đối tượng kinh doanh tiền ảo trái phép đã lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng nhưng lại thiếu hiểu biết về công nghệ để lôi kéo nhiều người tham gia. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị T. (Long Biên, Hà Nội) mới đây đã làm đơn tố cáo Công ty cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các lãnh đạo công ty này.

Theo đó chị T. mở một tài khoản mua và một tài khoản bán trên BBI Mall, sau đó đóng 100 triệu đồng vào tài khoản công ty để mua hàng (đơn hàng ảo) và nhận 1,1 tỷ điểm thưởng (nhân 10 lần) của công ty. Số điểm thưởng này được công ty cho đổi và rút ra bằng tiền mặt với tỷ lệ 0,05%/ngày (tương ứng 500.000 đồng/ngày). Thế nhưng, chỉ mới rút được gần 20 triệu đồng thì công ty tắt phần mềm, không cho rút tiền, hơn 80 triệu đồng tiền gốc không đòi được.

Thời gian gần đây, hoạt động đa cấp trái phép có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nở rộ. Điểm chung của các hình thức này là phát hành tiền ảo và lôi kéo nhà đầu tư tham gia nộp tiền vào hệ thống đa cấp bằng mua đồng tiền ảo phát hành nội bộ nhằm né tránh quy định của pháp luật, che đậy dấu vết dòng tiền

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không chỉ đến thời điểm hiện tại mà một vài năm trở lại đây hoạt động đa cấp tiền ảo trái phép xuất hiện phổ biến hơn ở Việt Nam.

Bộ Công an khuyến cáo, hiện Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo và tiền mã hóa nào. Nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo. Người dân cần cảnh giác để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, mất tiền khi tham gia đầu tư hệ thống có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn.

Về phía NHNN, từ năm 2014 đến nay đã nhiều lần khẳng định không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Mới đây nhất, năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo.

Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng pháp luật liên quan đến hoạt động ICO, chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Đầu tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu của Bộ về tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi suất chờ giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO