Lãi suất cho vay hạ nhiệt

T.Hằng 06/12/2022 06:16

Một số ngân hàng thương mại bất ngờ thông báo giảm lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp kỳ vọng điều này sẽ tạo đà cho làn sóng hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.

Lãi suất cho vay bắt đầu giảm, tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Bắt đầu làn sóng giảm lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, khách hàng sẽ được giảm 1%/năm đối với khoản vay bằng đồng Việt Nam trong 2 tháng cuối năm 2022. Tính ra tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.

HDBank cũng công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng, thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến hết 31/12. Theo tính toán, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và DN trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất.

Giảm lãi suất cho vay cũng đang lan tỏa khi Agribank mới đây công bố giảm tiếp 20% so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022 cho khách hàng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Động thái giảm này của các ngân hàng đang được kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế

Càng gần cuối năm, DN càng chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra cũng như hoàn thiện các đơn đặt hàng, do đó, họ rất cần dòng tiền để quay vòng. Do vậy, việc giảm lãi suất cho khoản vay là thông tin rất tốt, điều này thể hiện sự chia sẻ giữa ngân hàng và DN.

Giữa tháng 11 vừa qua, trong văn bản mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cho biết chi phí đầu vào có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và tình hình tiêu thụ hàng hóa dịch vụ; việc bình ổn giá bán hàng, giảm giá bán hàng hóa trong những tháng cuối năm cho người tiêu dùng, nhất là khi Tết Nguyên đán 2023 và Tết Dương lịch cận kề nhau là rất cần thiết.

Do đó, NHNN Chi nhánh TPHCM khuyến nghị các ngân hàng thương mại tham gia phương án bình ổn thị trường trên cơ sở quan hệ với DN, hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn và dịch vụ của DN để đảm bảo sản xuất và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dịp cuối năm và Tết cổ truyền.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, các ngân hàng cần khai thác sử dụng vốn có hiệu quả để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho DN để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng cuối năm. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN giao dịch dịp cuối năm, hỗ trợ DN lập kế hoạch kinh doanh, dự tính dòng tiền trong năm 2023 nhằm tạo tiền đề phát triển bền vững cho DN.

Dòng vốn sẽ dồi dào hơn

Hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất vốn vay liên tục tăng, tình hình lạm phát cao. Cùng với đó, nhiều DN gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Ông Masataka Sato - Giám đốc kế hoạch và Chiến lược Tập đoàn Kangaroo cho biết, Kangaroo đang được vay vốn từ Ngân hàng BIDV với mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên không phải DN nào cũng được như vậy. Thực tế có rất nhiều DN mong muốn được vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất.

Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ, công ty đang thực hiện hồ sơ để vay vốn ngân hàng, công ty mong được ngân hàng đồng hành và hỗ trợ giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm để đầu tư phát triển vùng trồng mới, đầu tư dây chuyền thu hoạch…

Nhận định về dòng tín dụng thời gian tới, TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng lạm phát tới đây không còn đáng lo ngại, bởi lạm phát thế giới có xu hướng giảm. Mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhưng cường độ tăng sẽ chậm lại, tỷ giá hối đoái cũng sẽ có xu hướng giảm.

"Một phần vì áp lực lạm phát giảm dần, phần vì các ngân hàng trung ương các nước cũng tăng lãi suất. Tôi cho rằng, USD không thể tiếp tục đứng mãi trên đỉnh như thời gian qua. Trong trường hợp Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất vào thời gian tới, USD sẽ giảm giá" - ông Nghĩa nhấn mạnh đồng thời nêu quan điểm, sự hạ nhiệt của USD là cơ hội để các ngân hàng xem lại lãi suất cho vay. "Tỷ giá ổn định kỳ vọng sẽ tạo dư địa để NHNN điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất VNĐ liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng"- ông Nghĩa nói.

“Ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp TCTD thu hút thêm nguồn tiền gửi. Từ đó, giúp các ngân hàng có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, DN.

Mức tăng lãi suất điều hành 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng toàn cầu. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ” - ông Phạm Thanh Hà - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi suất cho vay hạ nhiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO