‘Lai’ vaccine để chống lại Omicron

THẾ TUẤN 16/01/2022 14:15

Trong lúc giới y tế lo ngại biến chủng lai kết hợp giữa Delta và Omicron sẽ có “sức mạnh khủng khiếp” thì người ta cũng lại lạc quan khi có xuất hiện một loại vaccine “lai” được cho là khắc tinh của Omicron. Cùng đó, những loại thuốc uống trị Covid-19 nói chung, trong đó có biến thể mới Omicron cũng đã cho kết quả cụ thể. Và, sau một thời gian bị “thống trị” bởi Omicron, tới nay châu Âu và Bắc Mỹ, Nam Phi cũng đã đi đến kết luận cho dù biến thể này có tốc độ lây lan nhanh nhưng độc lực thấp.

Nhân viên y tế thu thập mẫu xét nghiệm Omicron tại nhà ga Seoul (Hàn Quốc).

1. Công ty Pfizer (Mỹ) được cho là tiên phong trong việc phát triển một loại vaccine “lai”, kết hợp mũi tiêm ban đầu với một công thức mới nhằm chống biến thể Omicron.

Bên cạnh đó, công ty này tiếp tục thêm tính năng cho vaccine cũ, nhất là với những lô vaccine đã sản xuất 3 tháng trước đó. Giám đốc điều hành Albert Bourla của Pfizer thông báo, họ hy vọng nhiều ở vaccine “lai” trên cơ sở những dữ liệu khoa học chính xác cũng như từ nền tảng công nghệ ứng dụng hiệu quả từ trước.

Vẫn theo ông Bourla, tháng 3 tới, Pfizer sẽ đề nghị các cơ quan quản lý Mỹ phê chuẩn mũi tiêm đặc hiệu chống Omicron và tung sản phẩm này ra thị trường. Hiện quá trình sản xuất đã bắt đầu bằng việc Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) đang thử nghiệm vaccine Pfizer phiên bản liều cao hơn, cũng như đánh giá quãng thời gian chờ khác nhau giữa các mũi tiêm.

Ông Bourla cũng cho biết, cùng với việc tìm kiếm vaccine chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 thì công nghệ mRNA cũng sẽ giúp họ phát triển những loại thuốc đặc trị cho những bệnh hiếm gặp, bệnh nan y, trong đó có ung thư. Còn hiện giờ thuốc uống dạng viên Paxlovid chống Covid-19 đã được sử dụng rộng rãi.

Theo hãng tin Reuters, thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 của Pfizer đạt hiệu quả gần 90% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao. Nó cũng giúp chống lại biến thể Omicron lây lan nhanh. Qua nghiên cứu trên 1.200 người thì không ai trong thử nghiệm điều trị bằng thuốc viên của Pfizer tử vong, so với 12 trường hợp tử vong ở những người nhận giả dược.

“Đó là một kết quả tuyệt vời” - Trưởng bộ phận khoa học của Pfizer Mikael Dolsten nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. Tuy thế, nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ “sự không hài lòng” khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cùng các cơ quan quản lý khác quá thận trọng khi cấp thuốc uống điều trị virus SARS-CoV-2.

2. Trong lúc có những tín hiệu khả quan về vaccine và thuốc điều trị Covid-19, nhất là với biến chủng Omicron thì đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu lại đưa ra cảnh báo: Hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây nhiễm duy trì như hiện nay.

Theo dữ liệu thu thập trong vài tuần vừa qua, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu Hans Kluge cho biết biến thể Omicron được xác nhận là có khả năng lây nhiễm cao hơn và có những đột biến giúp bám dính vào tế bào người dễ dàng hơn. Omicron có thể gây tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm chủng.

Tuy nhiên, ông Kluge cũng cho rằng các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng đều có hiệu quả bảo vệ tốt trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong, kể cả khi nhiễm biến thể Omicron.

Còn tại Mỹ, ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm quốc gia Mỹ đồng thời là Cố vấn y tế Nhà Trắng cho rằng việc loại bỏ Covid-19 là phi thực tế và biến thể Omicron với mức độ lây lan cao sẽ lây nhiễm cho hầu hết mọi người khi nó xuất hiện. Theo ông Fauci, đó có thể coi là “xu hướng” do đặc tính dễ lây lan, nhiều khả năng đột biến thành các biến chủng mới và rất nhiều người chưa tiêm chủng.

Về việc số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, ông Fauci cho rằng đó cũng là điều “có thể hiểu được và phải chấp nhận”, tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng vì độc lực của biến thể này thấp hơn nhiều lần so với Delta, kể cả so với biến thể Alpha và Beta.

“Điều quan trọng là chúng ta cần nhanh chóng phát triển vaccine ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 trước khi chúng kịp biến đổi thành chủng virus khác. Trong khi đó, vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất để bất kỳ ai tự bảo vệ mình trước Covid-19” - ông Fauci khuyến cáo.

3. Trở lại với biến thể “lai” giữa Delta và Omicron. Nếu như người ta hy vọng ở loại vaccine “lai” thì cũng lại lo lắng trước việc xuất hiện biến thể Omicron “lai” phát hiện tại Cyprus. Tờ Cyprus Mail dẫn lời GS Leondios Kostrikis, thuộc Trường Đại học Cyprus, gọi “biến thể mới” là Deltacron và cho biết đã có 25 trường hợp nhiễm biến thể này được ghi nhận.

Theo ông Kostrikis, biến thể này có “bộ khung gene” của Delta và thêm khoảng 10 đột biến lấy từ Omicron. Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Cyprus Michalis Hadjipandelas khẳng định “biến thể mới” chưa đáng lo vào thời điểm hiện tại, còn giáo sư Kostrikis cho rằng Del-tacron sẽ bị Omicron triệt tiêu.

Giới y tế cho rằng, thông tin về biến thể Omicron “lai” có thể chỉ là “báo động giả” và nhiều khả năng Deltacron xuất hiện chẳng qua do mẫu xét nghiệm bị nhiễm bẩn.

Theo ông Michael Ryan, Giám đốc Bộ phận khẩn cấp của WHO, thì cho dù chưa thể khẳng định Omicron đã “lai” thành một biến thể mới nguy hiểm hơn, nhưng cũng không thể vì thế mà mất cảnh giác.

“Virus luôn đi trước loài người và chúng ta luôn phải theo đuôi chúng. Vì thế không thể vội vã đưa ra một kết luận dù thuận lợi hay bất lợi tới sức khỏe con người. Nhưng ngày nay khoa học đã phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là công nghệ y học, do đó việc rượt đuổi giữa con người với virus sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Nếu như trước đây 10 năm, muốn phát triển được một loại vaccine thì cho dù đó là phòng thí nghiệm hiện đại nhất cũng phải mất từ 5 đến 10 năm. Còn nay, thời gian sẽ còn lại từ 5 tháng cho tới 1 năm”, Tiến sĩ M.Ryan nói.

Reuters dẫn lời Chủ tịch Phòng thí nghiệm nghiên cứu của hãng dược Merck cho biết, viên uống Covid-19 của hãng dược phẩm này phát triển có cơ chế hoạt động chống lại biến chủng Omicron cũng như các loại biến chủng khác.

“Chúng tôi rất tự tin rằng, viên uống của hãng sẽ có tác dụng với chủng Omicron. Cơ chế hoạt động của thuốc sẽ có hiệu quả với chủng Omicron, và tôi nghĩ nó sẽ kháng lại bất kỳ biến chủng nào xuất hiện tới đây” - Dean Li, Chủ tịch Phòng thí nghiệm nghiên cứu của hãng dược phẩm Merck nói.

Viên uống Molnupiravir của Merck đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm 50% số ca nhập viện và tử vong ở những người mắc Covid-19. Thuốc viên do Merck phát triển được uống trong vòng 5 ngày kể từ khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng. Molnupiravir hoạt động bằng cách tự kết hợp vào bộ gene của virus SARS-CoV-2, gây ra các đột biến ngăn cản sự nhân lên của virus. Thuốc viên Molnupiravir đã nhận được sự cho phép của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cũng như ở một số quốc gia khác như Anh, Nhật Bản và Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Lai’ vaccine để chống lại Omicron

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO