Làm gì để rừng yên?

Hải Nhi 07/11/2020 06:32

Tây Nguyên và cả khu vực rộng lớn các tỉnh, thành Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ đang đối mặt với biến đổi khí hậu gay gắt như hạn hán, lũ lụt, sạt lở… nghiêm trọng diễn ra hàng năm. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do mất rừng.

Mới đây, tại Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ NNPTNT nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải xác định và thừa nhận rừng là tài nguyên, nhưng là tài nguyên tái tạo có giới hạn, có điều kiện, để vừa bảo vệ vừa để phát triển.

Ngành lâm nghiệp cũng cần đặt trong công cuộc chuyển đổi số và thước đo mới là giá trị gia tăng từ rừng thay vì chỉ những số liệu xuất khẩu đơn thuần.

Cụ thể, đến năm 2025 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu lao động trong ngành được đào tạo 40% và 2030 là 45%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trung bình 5 - 5,5%/năm.

Xuất khẩu lâm sản đạt 18 - 20 tỷ USD năm 2025 và 23 - 25 tỷ USD năm 2030. Thu dịch vụ môi trường rừng 3.500 tỷ đồng năm 2025 và trên 4.000 tỷ đồng năm 2030. Cấp chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng 0,5 triệu ha năm 2025, 1 triệu ha năm 2030 và tỷ lệ che phủ rừng 42 - 43%.

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng ngành lâm nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và sáng tạo, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhưng để rừng yên, cần phải làm gì? Phía Bộ NNPTNT cho hay, đường lối đổi mới nhất quán trong phát triển lâm nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2020 và giai đoạn tiếp theo vẫn là xã hội hóa, giao đất, giao rừng để rừng phải thực sự có chủ, có người quản lý, người chịu trách nhiệm.

Trong các đề án phát triển của ngành lâm nghiệp từ trước đến nay luôn có chính sách, cơ chế gắn với an sinh xã hội với người trồng rừng.

“Ngành lâm nghiệp cần tập trung tìm nguồn lực phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng bởi dư địa còn rất lớn, bên cạnh đó lâm sản ngoài gỗ cần có vị trí vai trò xác đáng hơn. Tôi lấy ví dụ như chúng ta chỉ cần vài loại cây như sâm Ngọc Linh cần gì phải khai thác gỗ nữa”, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn.

Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân tháng 11/2018, một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý, đó là người dân sống dưới rừng còn nhiều khó khăn, “không yên dân mà người dân đói thì sẽ không để rừng yên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để rừng yên?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO