Làm gì khi F0 tăng nhanh?

Miên Thảo 02/03/2022 00:29

Tại thời điểm này, dịch Covid-19 đã bùng phát rất mạnh tại Thủ đô Hà Nội, khi số ca mắc mới liên tục tăng. Sau một thời gian “rập rình” với mốc trên dưới 9.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, tới ngày 26/2, lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới/ngày, với 10.783 ca.

Nhân viên y tế hướng dẫn người nhà bệnh nhân Covid-19 cách chăm sóc tại nhà.

Đây là con số rất đáng báo động, tuy nhiên nó vẫn không chịu dừng lại. 28/2, ngày cuối cùng của tháng 2, số ca mắc mới đã vọt lên 12.850 ca. Như vậy, trong 3 ngày liên tiếp, số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Hà Nội đều theo đà tăng cao. Vậy, bao giờ thì sẽ tới đỉnh dịch? Theo giới chuyên gia y tế, đây vẫn là thời gian dịch bùng phát và trên đà tới đỉnh, chưa thể khẳng định thời điểm chắc chắn dịch sẽ lên đỉnh rồi đi xuống.

Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc có thể nói là vẫn đang trong giai đoạn dịch bùng phát, số người mắc mới có thể còn tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh ấy, làm gì để vừa chặn dịch, vừa sản xuất, vừa tổ chức cuộc sống thích hợp là vấn đề được mọi người quan tâm.

Kể từ đầu tháng 10/2021, chúng ta đã từng bước nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Đó là chủ trương đúng, nhận được sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi dịch quay trở lại thì lại càng cần sự linh hoạt để ứng phó: Không chủ quan nhưng cũng không quá sợ dịch. Thực tế cho thấy, số ca mắc mới tăng cao nhưng số người trở bệnh nặng ít, tỉ lệ tử vong cũng thấp (nhất là so với giai đoạn dịch từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2021). Có được điều đó chính là do chúng ta đã thần tốc bao phủ vaccine toàn dân, với tỉ lệ cao hàng đầu thế giới.

Nhưng, Covid-19 vẫn tồn tại như một thách thức lớn. Bà Trần Thị Nhị Hà- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân không hoang mang khi số ca mắc hàng ngày tăng mạnh, tuy nhiên cần tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “rồi ai cũng là F0”. Bà Hà cũng cho rằng, giai đoạn này đánh giá mức độ nguy cơ cần thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến chứ không phải số ca mắc mỗi ngày.

Hiện F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người mắc điều trị ở tầng 2 và 3 của thành phố. Ngành Y tế Hà Nội đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường. Tuy nhiên y tế cơ sở (phường/xã) thì đã quá tải vì số F0 cũng như số người điều trị tại nhà tăng nhanh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp, 74 xã/phường đã chuyển sang cấp độ 3. Với số ca mắc mới tăng cao tăng cao sẽ là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở, nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và nâng cao ý thức người dân.

Sống chung với virus gây bệnh Covid-19, đó là quyết tâm lớn đòi hỏi ý thức tự bảo vệ của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng. Cùng với vaccine thì việc thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K là hết sức quan trọng để chặn đà lây lan của virus, để dịch sớm được dập tắt. Đây cũng là thời điểm rất cần những quyết định đúng đắn, sáng suốt của ngành Y tế cũng như chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cũng là của từng cá nhân, từng gia đình.

Thực tế cho thấy, cho dù các ca mắc mới gia tăng nhưng số người trở bệnh nặng ít, có thể tự điều trị các triệu chứng thì chỉ ít ngày là sức khỏe hồi phục và sau đó sẽ khỏi Covid-19 trong vòng từ 7 đến 10 ngày.

Vì thế, có cần thiết không khi quá lo lắng, áp dụng các biện pháp hạn chế khắt khe? Nếu quay lại với những biện pháp đó như đợt bùng phát dịch lần trước sẽ tạo ra nhiều bất tiện, sản xuất kinh doanh bị đình đốn. Trong lúc tình hình dịch nay đã khác, ít ca bệnh nặng và hệ thống y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng không bị quá tải.

Tuy nhiên, nếu số ca mắc mới tăng cao thì cũng kéo theo số bệnh nhân phải điều trị tăng lên. Vì thế, lúc này cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng chống để hạn chế số ca mắc mới; cùng đó là bảo vệ những người khỏe mạnh để tiếp tục làm việc, để cuộc sống không bị “đóng băng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì khi F0 tăng nhanh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO