Làm gì khi trẻ dậy thì sớm?

Đức Trân 09/11/2021 08:44

Những năm gần đây, tình trạng dậy thì sớm ngày một phổ biến đối với trẻ em Việt Nam. Mặc dù dậy thì là một hiện tượng sinh lý bình thường nhưng việc diễn ra quá sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ về sau.

Dậy thì sớm so với bạn cùng lứa

Thấy con ngực to bất thường, gia đình lo lắng có thể do dậy thì sớm nên đưa bé T.M.H, 5,5 tuổi, ở Hà Nội đến Bệnh viện đa khoa Medlatec khám. Tại đây, bé H. được BS Dương Thị Thủy - chuyên khoa Nhi khám trực tiếp.

Thăm khám ban đầu và qua các xét nghiệm đo x-quang tuổi xương, cũng như bộ xét nghiệm nội tiết sinh dục và hình ảnh siêu âm tử cung buồng trứng theo độ tuổi của trẻ, bác sĩ kết luận chẩn đoán, bé H. có tuyến vú phát triển sớm đơn thuần, rối loạn mỡ máu, còi xương thiếu vitamin D và thừa cân.

Một trường hợp khác là bé gái N.H.M. (6 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) đi cùng bố mẹ tới viện khám với lý do khoảng hơn một năm nay gia đình thấy trẻ có biểu hiện phần ngực hai bên to bất thường. So với bạn bè đồng trang lứa, bé M. cao vượt trội hơn và đặc biệt trong vòng 6 tháng bé cao thêm 8 cm, ngoài ra chưa có thêm dấu hiệu bất thường nào. Qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận trẻ dậy thì sớm hơn các bạn đồng trang lứa.

BS Dương Thị Thủy cho biết: “Dậy thì sớm là dấu hiệu trẻ phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường, ở bé gái phát triển ngực trước 8 tuổi, có kinh trước 9,5 tuổi; bé trai tăng kích thước của tinh hoàn và dương vật trước 9 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai”.

BS Thủy cho hay, nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ gái vẫn chưa được biết rõ. Một số yếu tố cá nhân, môi trường, gia đình có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này như trẻ mắc bệnh lý bất thường của cơ thể, u ở vùng dưới đồi hoặc ở tuyến yên nằm ở não bộ… Hay các trường hợp có u nang buồng trứng, u thượng thận, các bệnh tuyến giáp…

Mặt khác, hiện nay, ngành chăn nuôi công nghiệp với các dây chuyền sản xuất sữa bò, thịt lợn, gà... thường lạm dụng các hormon tăng trưởng, trẻ sử dụng thực phẩm chứa hormon này có thể khiến dậy thì sớm. Ngoài ra, các dẫn chất Phthalate thường thấy trong đồ dùng bằng nhựa như chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, đồ chơi trẻ em... khi sử dụng dẫn chất Phthalate bị trôi ra và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể. Các bé gái bị nhiễm Phthalate bị rối loạn nội tiết và dậy thì sớm. Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, dậy thì sớm ở trẻ chia ra làm hai loại là dậy thì giả và dậy thì thật.

Trẻ dậy thì giả sẽ có những biểu hiện bên ngoài như đang dậy thì thật, đối với bé gái thì ngực phát triển to, có lông vùng kín nhưng tử cung lại không phát triển, không rụng trứng và không có kinh; đối với bé trai thì mọc lông bộ phận sinh dục, tinh hoàn phát triển nhưng không sản xuất được tinh trùng. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng dậy thì giả ở trẻ như bệnh về não như u não, viêm não gây nên những tác động từ não xuống các vùng tiết ra hormon kích thích sự phát triển của các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn. Một loại nữa là các bệnh ở thận, thượng thận cũng tiết ra các hormon nên cũng có thể sinh ra biểu hiện dậy thì.

Cần cho trẻ đi khám để tìm nguyên nhân

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng đưa ra lời khuyên, nếu trẻ có biểu hiện dậy thì sớm thì nên đưa đi khám để biết được nguyên nhân. Nếu là dậy thì giả từ những bệnh lý như u não, u thượng thận thì phải chữa trị ngay. Đối với trẻ dậy thì sớm thì chỉ ảnh hưởng đến tâm lý là chính nên cha mẹ cần có sự hướng dẫn và dạy dỗ để trẻ hiểu rõ. Ngoài ra, dậy thì sớm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể vì có thể hormon tăng trưởng sản xuất không kịp, làm trẻ lùn vì các đầu xương đã đóng kín sớm, nếu vào bệnh viện thì sẽ có thuốc can thiệp để giảm quá trình dậy thì, giúp trẻ lớn đạt mức.

Một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia khuyến cáo để tránh nguy cơ trẻ dậy thì sớm là chế độ dinh dưỡng.

BS Dương Thị Thủy nhấn mạnh, không nên cho trẻ ăn những thực phẩm quá bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, sữa ong chúa; Trái cây và rau củ quả trái mùa, do trái cây và rau trái trái vụ hầu hết đều có sử dụng chất bảo vệ thực vật, thúc đẩy sinh trưởng. Đồng thời cần hạn chế cho trẻ ăn thịt từ gia súc, gia cầm, hải sản có sử dụng chất tăng trọng.

Tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao như sôcôla, các loại bánh, đồ uống ngọt, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ vì nếu sử dụng quá thường xuyên sẽ làm cho trẻ hấp thụ nhiều chất béo dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, rối loạn nội tiết làm tăng nguy cơ dậy thì sớm lên tới 2,5 lần so với trẻ bình thường.

Phụ huynh cần cho trẻ tăng cường vận động, thể dục thể thao để tránh nguy cơ dậy thì sớm. Mỗi ngày nên cho trẻ hoạt động thể dục từ 20-30 phút. Các bài tập có lợi cho sự phát triển lâu dài của trẻ bao gồm chạy, nhảy cao, nhảy dây, bơi lội, đá cầu…

Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc cho con, nhất là thuốc nội tiết có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ. Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở trẻ có dấu hiệu thừa cân, béo phì, tuyến vú phát triển sớm để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì khi trẻ dậy thì sớm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO