Làm giấy từ… phân voi

ĐOÀN XÁ 14/08/2022 13:12

Tận dụng chất thải và sử dụng công nghệ thủ công để làm ra sản phẩm là những tờ giấy A4 thông thường, quy trình sản xuất giấy từ phân voi dù không quá mới mẻ trên thế giới nhưng lại khá độc đáo ở Việt Nam. Các sản phẩm thu được không chỉ là những tờ giấy được sử dụng để các em học sinh vẽ tranh, viết chữ mà còn là bài học về ý thức bảo vệ môi trường khi tới tham quan khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Quận 1, TPHCM).

Bột phân voi được dàn mỏng để làm giấy.

Quy trình độc đáo

Bắt đầu từ những ý tưởng rằng nhiều nơi trên thế giới, phân voi đã được tái tạo bằng phương pháp thủ công để sản xuất giấy, một nhóm các bạn trẻ Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã phối hợp với Thảo Cầm Viên sử dụng phân voi để nghiên cứu, tự làm ra những sản phẩm này.

Được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1865, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong mười vườn thú lâu đời nhất thế giới. Tại đây, hàng ngàn các loại thú, thực vật phong phú đến từ nhiều nước khác nhau đang cùng chung sống. Mỗi ngày luôn có hàng ngàn bạn trẻ thanh thiếu nhi tìm tới đây để tham quan và những sản phẩm tái tạo như giấy từ phân voi thực sự là điều lý thú, bổ ích với nhiều người.

Bạn Đặng Kiều Anh, sinh viên của Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết: Voi là động vật ăn rau, củ, quả nên phân của chúng chứa tỷ lệ chất xơ lớn. Từ những chất xơ này, các bạn trong nhóm đã tạo ra một quy trình với khoảng 5 công đoạn và không dùng bất cứ loại hóa chất nào để tạo thành giấy thông thường. Kiều Anh cho biết thêm: Phân voi ban đầu được rửa sạch để giữ lại chất thô, loại bỏ mùi hôi, tạp chất khác. Công đoạn này khá vất vả và thường phải rửa nhiều lần cho tới khi sạch sẽ. Ngoài ra cũng tùy vào lượng thức ăn tiêu hóa mà thành phần xơ trong phân thải ra sẽ nhiều hay ít. Sau đó chất xơ này sẽ được phơi khô rồi tiếp tục xay nhuyễn để trộn với bột giấy, bột năng tạo thành hợp chất để dát mỏng làm giấy. Những tờ giấy này thường phải tiếp tục phơi khô nữa mới có thể sử dụng được. Tổng cộng quy trình này có thể tốn tới 2-3 ngày, tùy theo thời tiết.

Cũng theo Kiều Anh, hầu hết phân voi ở đây sau khi được công nhân thu gom sẽ rửa sạch sẽ, phơi khô trước. Vào những ngày cuối tuần, các bạn sinh viên sẽ tới để bắt đầu làm các công đoạn khác và tạo ra sản phẩm. Nếu có sẵn xơ từ phân voi, công đoạn tiếp theo sẽ nhanh chóng và đỡ vất vả hơn. Được biết, do chưa có nhiều kỹ thuật vì mới tìm hiểu và nghiên cứu quy trình nên sản phẩm giấy của nhóm bạn tạo ra chưa trắng tinh như những tờ giấy công nghiệp khác. Tuy nhiên chúng khá mềm, mịn và mỏng, có thể viết chữ, vẽ tranh hay tô màu đều rất đẹp. Kiều Anh cũng chia sẻ thêm rằng tùy theo quy trình làm mà chất lượng giấy tạo ra khác nhau. Trong đó nếu sợi xơ từ phân không rửa sạch, không xay nhuyễn thì chất lượng giấy sẽ bị thô. Ngược lại, nếu rửa sạch tạp chất, xay nhuyễn mịn và khi trộn với bột cũng phải nhào cho mịn thì lúc trải ra khung, giấy sẽ mỏng, mịn màng hơn.

Phân voi được rửa sạch, làm khô.

Ông Mai Khắc Trung Trực - Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, nhiều nước trên thế giới đã sản xuất giấy từ phân voi khi mà gỗ tự nhiên giảm, voi tự nhiên cũng bị giảm. Theo ông Trực, cứ một kilôgam bột phân voi thì sản xuất ra được 70 tờ giấy kích cỡ A4 thông thường. Đây không chỉ là sản phẩm để sử dụng mà còn là thông điệp để bảo vệ môi trường, tái sử dụng những chất thải và ý nghĩa của loài voi ở Việt Nam hiện nay vì trước kia phân voi hầu hết ủ để làm phân bón. Do hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa có nhiều nhân công để làm nên các sản phẩm này chưa nhiều, mỗi ngày chỉ lấy khoảng 5 kg phân voi để sản xuất. Trong khi đó khu vực Thảo Cầm Viên nuôi 5 chú voi loại lớn, mỗi ngày những chú voi này thường thải ra khoảng 500 kg phân tươi và hầu hết được sử dụng làm ủ làm phân bón cây trồng.

Ngoài ra, ông Trực cũng cho biết, tùy theo nguồn thức ăn mà nhân viên cho voi sử dụng sẽ có chất lượng xơ khác nhau trong phân. Trong đó nếu voi ăn nhiều mía thì chất xơ nhiều, tỷ lệ làm giấy cao. Ngược lại nếu voi được ăn nhiều củ quả, rau xanh thì tỷ lệ chất xơ sẽ giảm đi đáng kể. Hiện nay ở Thảo Cầm Viên, cả 5 chú voi đều được ăn hàng ngày mía và các rau củ quả theo công thức tính toán trước với mục đích đảm bảo chúng khỏe mạnh, đầy đủ chất.

Phơi giấy - công đoạn cuối cùng.

Bài học giản dị từ loài vật to lớn

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Mai Khắc Trung Trung Trực cho biết, thực tế giấy từ phân voi không chỉ để tuyên truyền mà sau khi có các sản phẩm, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã sử dụng chúng cho các em bé thanh thiếu nhi tới tham quan vườn thú này sử dụng. Cụ thể, các em được sử dụng những tờ giấy này để vẽ tranh, viết chữ và được đem chúng về nhà làm kỷ niệm. Chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, bản thân khá bất ngờ khi biết những tờ giấy đang cầm trên tay được làm từ phân voi.

“Trước kia mình cứ nghĩ phân của các loài động vật được chôn xuống đất làm phân bón cho cây trồng hoặc tiêu hủy đi. Bữa nay đưa hai con nhỏ lên Thảo Cầm Viên chơi, cho các cháu ngồi đây tô màu, viết chữ và được mấy em sinh viên giới thiệu, giải thích mình mới biết giấy này được tạo ra từ phân voi. Mình khá bất ngờ nhưng cũng có kiến thức để hiểu thêm về loài voi, quy trình nuôi chăm sóc và cho chúng ăn. Còn cậu con trai đầu lớp 5 của mình thì vô cùng thích thú, nói sẽ đem những tờ giấy này về làm kỷ niệm đồng thời để kể với bạn bè”, chị Hoa chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực có những tờ giấy làm từ phân voi hiện đang thu hút khá đông các thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh tìm tới khi đi tham quan vườn thú. Ngoài việc sử dụng giấy, bài học từ quy trình làm ra sản phẩm này từ chất thải của động vật cũng là điều được nhiều cha mẹ dùng để chia sẻ với con cái.

Nhìn những chú voi to lớn hàng tấn lừng lững lấy vòi cuốn cây mía, rau củ, ve vẩy chiếc đuôi ngắn cũn, nhiều bạn trẻ vô cùng thích thú. Tuy nhiên làm ra những tờ giấy đẹp đẽ từ phân của chúng lại khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí cả chính những người chăm sóc voi. Anh Hoàng, một nhân viên Thảo Cầm Viên nhiều năm gắn bó với các chú voi cho biết bản thân anh cũng bất ngờ khi lấy phân để làm giấy. “Xưa tới giờ phân voi hầu hết đều ủ để làm phân bón, chăm sóc các loại cây trồng khác. Voi là loài vật to lớn, chúng thải ra hàng trăm kilôgam mỗi ngày nên việc thu dọn rất vất vả. Tuy nhiên khi nghe nói sử dụng phân voi để làm giấy thì tôi rất bất ngờ. Rồi tận tay tham gia vào quy trình làm giấy tôi mới tin đó là sự thật”, anh Hoàng chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giấy từ… phân voi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO