Làm mới ca khúc: Con dao hai lưỡi

Thư Hoàng 05/12/2021 14:02

Câu chuyện ca sĩ trẻ Han Sara mới đây làm mới ca khúc “Cô gái mở đường” trong chương trình “The Heroes” một lần nữa đặt ra vấn đề về cách thức và giới hạn nào cho việc làm mới ca khúc đã được nhiều người yêu thích.

1. Những ngày vừa qua, cái tên ca sĩ trẻ Han Sara đột nhiên “hiển thị” nhiều trên truyền thông cũng như trên mạng xã hội. Công chúng và giới âm nhạc nhắc đến tiết mục “Cô gái gen Z” của Han Sara biểu diễn trong chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc có tên “The Heroes” (Thần tượng đối đầu thần tượng) phát rộng rãi trên sóng VTV3.

Đây là tiết mục được Han Sara sử dụng một số đoạn trong bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao vốn đã rất nổi tiếng. Han Sara cùng ê kíp của cô đã phối lại trên nền nhạc điện tử (EDM).

Ngoài ra, ê kíp còn kết hợp phần rap tôn vinh các nữ anh hùng dân tộc: “Nữ nhân hào khí ngút trời. Mẫu Âu Cơ vạn tuế. Hai Bà Trưng xưng vương một thời còn Hồ Xuân Hương lưu danh hậu thế. Đàn ông dù có là ai thì cũng được sinh ra từ một người phụ nữ. Chị em chúng tôi là một cuốn từ điển còn các anh thì luôn phải tìm từng chữ”.

Kết thúc tiết mục, cô nói chọn ca khúc và phát triển bài rap chủ đề nữ quyền, khuyến khích phụ nữ noi gương các anh hùng trong sử sách, tự tin đứng trên đôi chân của chính mình.

Ngay sau khi tiết mục được phát sóng, nhiều người cho rằng, Han Sara không hiểu thông điệp ca khúc. Ngoài ra, việc phối bài hát với nhạc EDM được cho là không phù hợp, làm mất đi tinh thần trang nghiêm của nhạc phẩm cách mạng. Trên mạng xã hội, một số khán giả còn cho rằng vũ đạo, trang phục váy ngắn của Han Sara và dàn vũ công gây phản cảm.

Làm mới các ca khúc nổi tiếng bằng việc hòa âm, phối khí mới, kết hợp một số chất liệu âm nhạc và “hòa trộn” để ra một bản mới, hướng tới một lớp khán thính giả mới là điều đã không còn quá mới lạ. Trước đó, nhiều ca sĩ tên tuổi cũng đã thực hiện điều này.

Mấy năm gần đây, những ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Phạm Thu Hà, Hà Lê… đã có những dấu ấn nhất định trong việc làm mới ca khúc. Tuy vậy, số người thành công và số người bị dư luận chỉ trích dường như “ngang ngửa” nhau.

Người ta vẫn còn nhớ gần đây, ca sĩ Tùng Dương làm mới bản “Quốc ca” của nhạc sĩ Văn Cao cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ, tuy nhiên nhiều ý kiến khác cho rằng, không nên làm mới một bản nhạc đã được xác định là Quốc ca của dân tộc!

Cũng tại chương trình “The Heroes”, bản rap “Nam quốc sơn hà” do Erik và Phương Mỹ Chi biểu diễn cũng đã tạo nên những phản ứng tái chiều. Một số người cho rằng tiết mục này còn có phần khiên cưỡng, các ca sĩ chưa thể hiện đúng chủ đề anh hùng dân tộc của ca khúc.

Trong “danh sách” những ca sĩ lao vào cuộc đua làm mới ca khúc nhưng không nhận được sự ủng hộ của khán giả và dư luận còn phải kể tới Bùi Lan Hương với ca khúc “Mưa hồng”.

Bên cạnh bản phối mới chưa thuyết phục, việc Bùi Lan Hương tự ý thay đổi phần lời ca khúc “Mưa hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng gặp nhiều phản ứng. Đại diện gia đình nhạc sĩ cũng đã lên tiếng phản đối phần thay đổi của ca sĩ Bùi Lan Hương.

Không chỉ gặp “vấn đề” với “Mưa hồng”, Bùi Lan Hương cũng không nhận được sự đồng tình của khán giả khi hát tác phẩm “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Khán giả cho rằng cô đã không giữ đúng tinh thần của các ca khúc, thậm chí “phá nát” tác phẩm.

2. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng cho rằng, để làm nên thương hiệu riêng, ca sĩ phải biết sử dụng cá tính âm nhạc riêng, tư duy trẻ trung, hiện đại để tạo sự khác biệt khi làm mới một ca khúc cũ. Trong thời buổi khan hiếm ca khúc hay như hiện nay thì tư duy đó có thể mở ra những hướng đi mới cho ca sĩ cũng như làm phong phú hơn thị trường âm nhạc.

Quả vậy, đa số các ca sĩ khi quyết định làm mới một ca khúc đều xuất phát từ mong muốn mang tới cho công chúng một sản phẩm âm nhạc mới lạ, hấp dẫn. Và họ nhận ra một “mỏ vàng” ở những ca khúc nổi tiếng. Vì thế, một số ca sĩ khi chưa tìm thấy những bài hát mới phù hợp, hoặc các nhạc sĩ đương đại chưa sáng tác kịp tác phẩm mới, thì việc quay về khac thác “mỏ vàng” ca khúc truyền thống là một lối đi, một hướng đi.

Nhưng rõ ràng, cơ hội thành công hay thất bại luôn song hành và nó thể hiện tài năng của mỗi ca sĩ cũng như ê kíp sáng tạo đồng hành với họ. Bởi mỗi bài hát đều có những “chìa khóa” riêng để mở ra những cánh cửa mới. Nhưng tài năng của mỗi người, mỗi ê kíp sẽ quyết định họ có mở trúng, mở đúng hay không, hay lại mở ra những cánh cửa lầm đường lạc lối khác.

Một nhạc sĩ lão thành từng nói rằng, lạ thì bao giờ cũng dễ hấp dẫn, nhất là với lớp trẻ. Nhưng lạ cũng đồng nghĩa với những thách thức vì khi hết lạ là sẽ chán.

Trong khi đó, theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - người đứng sau nhiều bản hit như “Bánh trôi nước”, “Tứ phủ”, khi vận dụng các chất liệu cũ đã được công nhận về giá trị văn hóa, mỗi nghệ sĩ cần có ý thức học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bản chất âm thanh và nhạc cụ của dân tộc, phân biệt chúng với nhạc cụ của các nước có nền văn hóa gần gũi.

Một số làn điệu dân ca ba miền, ca trù, bolero... là mảnh đất màu mỡ để giới làm nhạc khai thác. Khán giả vẫn mở lòng đón nhận những sản phẩm sáng tạo được thực hiện chu đáo, cẩn trọng.

Trở lại với tiết mục “Cô gái gen Z” của Han Sara. Cô ca sĩ trẻ này đã mang tới một tiết mục lạ, nhưng việc chọn ca khúc có nội dung về những cô gái thanh niên xung phong như bài “Cô gái mở đường” song phần trình diễn lại cho thấy sự thiếu nghiêm túc của Han Sara và ê kíp.

Trước phản ứng của khán giả, chương trình đã ẩn video màn trình diễn trên mạng xã hội, cắt phần hát “Cô gái mở đường”. Còn phía ca sĩ và ê kíp ngay sau đó đã xin lỗi khán giả.

Han Sara viết trên trang cá nhân: “Sau khi lên sóng, team T-Sa nhận được nhiều ý kiến cho rằng sự sáng tạo lần này chưa phù hợp với nguyên bản ca khúc “Cô gái mở đường”. Đây là một sự thiếu sót lớn của team nên rất mong quý vị thông cảm bỏ qua”.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, để xảy ra trường hợp này không thể đổ hết lên mình cô ca sĩ trẻ Han Sara. Đáng trách nhất ở đây là những nhà sản xuất âm nhạc trực tiếp phụ trách team Han Sara, giám đốc âm nhạc, những người phụ trách chương trình để xảy ra trường hợp này thay vì kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

“Câu chuyện này như một hồi chuông giúp những người sáng tạo âm nhạc, nhất là âm nhạc của thế hệ gen Z đang có rất nhiều sự phá cách, biết được đâu là điều có thể thoải mái sáng tạo, đâu là điểm dừng. Và đặc biệt, câu chuyện này cũng cho những người đang hoạt động sáng tạo nghệ thuật biết được những điều thuộc về giá trị biểu tượng của dân tộc, về tính thiêng của dân tộc, những giá trị có vị trí đặc biệt thiêng liêng trong tâm thức của người Việt hoàn toàn có thể sáng tạo. Nhưng là sáng tạo một cách nghiêm túc, cẩn trọng và phù hợp, chứ không thể khai thác một cách tùy tiện, bừa bãi”, ông Long nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm mới ca khúc: Con dao hai lưỡi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO