Lạm phát chưa chịu 'quay đầu'

Thanh Đức 01/11/2022 07:04

Vào thời điểm kết thúc tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo năm nay tình hình có thể sẽ khó khăn hơn, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển, nơi lạm phát được dự báo bình quân là 9,9%. Còn ở các nước phát triển, con số này là 7,2%.

Một cụ bà mua sắm trong siêu thị ở thành phố Nice (Pháp). Ảnh: REUTERS.

Dự báo lạm phát bình quân toàn cầu 8,8% trong năm 2022

Lạm phát đã lan rộng trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khiến IMF đã phải 3 lần thay đổi dự báo hạ mức tăng trưởng trong năm 2022 kể từ đầu năm đến nay. Theo IMF, lạm phát đã ở mức cao chưa từng thấy kể từ sau cuộc suy thoái vào những năm 2008-2009.

Các nhà phân tích của IMF cho rằng, với những quốc gia đang trải qua xung đột, biến động hoặc gặp các vấn đề kinh tế từ trước thì lạm phát năm 2022 được dự báo sẽ ở mức cao hơn nhiều so với bình quân 8,8% toàn cầu trong năm nay. Các nước này bao gồm Venezuela, Sudan, Zimbabwe, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Còn 95 quốc gia, gồm cả nước phát triển và đang phát triển, được dự báo sẽ có mức lạm phát từ 7-10%. Trong khi đó, khoảng 80 nước được dự báo có lạm phát ở mức 6,5% trở xuống. Tình trạng này có thể còn kéo dài đến năm 2024 mới chấm dứt.

Vào tháng 10/2020, chỉ có khoảng 8% người tham gia khảo sát nói rằng lạm phát là mối lo lớn nhất của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên tới 40% sau 2 năm, vào tháng 10/2022. Tới nay, đại dịch Covid-19 đã không còn là mối lo hàng đầu của nhiều chính phủ, thay vào đó là mối lo về những cuộc khủng hoảng mới đang gia tăng sau khi chứng kiến hạn hán, nạn đói, xung đột ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát.

Theo một khảo sát với gần 20.000 người trưởng thành của Ipsos, có tới 50% người được hỏi nói rằng đại dịch là mối lo lớn nhất của họ hồi tháng 1/2021. Tuy nhiên, giờ đây, đại dịch chỉ là mối lo chính của khoảng 12% số người tham gia khảo sát. Đây là mức “tồi tệ” nhất kể từ khi đại dịch được đưa vào cuộc khảo sát theo tháng 10/2022 của Ipsos. Những quốc gia có nhiều người xem lạm phát là mối lo lớn nhất bao gồm Ba Lan (67%), Argentina (65%), Thổ Nhĩ Kỳ (56%) và Anh (56%).

Đi cùng mối lo lạm phát thì khảo sát cũng cho thấy nghèo đói và bất bình đẳng xã hội đứng thứ 2 trong danh sách các mối quan tâm, tính tới tháng 10/2022 với tỷ lệ gần 35% người được hỏi trên khắp thế giới lựa chọn. Hungary (46%), Hà Lan (46%), Brazil (42%), Indonesia (40%) và Thái Lan (40%) là những nơi ghi nhận tỷ lệ người dân nói rằng đây là mối lo lớn nhất.

Eurozone trong tình thế tiến thoái lưỡng nan

Tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone), mới đây Cơ quan Thống kê châu Âu đã công bố dữ liệu cho thấy lạm phát của khu vực này đã lên mức cao kỷ lục gần 10% trong tháng 10, kể từ mức 9,1% của tháng 8. Con số gần 10% cao gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là 2%. Từ thực phẩm cho tới năng lượng, giá cả một loạt mặt hàng tại hầu hết 19/27 nền kinh tế thành viên EU. Trong đó, giá năng lượng tăng 40,8% so với cùng kỳ tháng 10 năm ngoái, và so với mức 38,6% của tháng 8. Đáng kể nhất là nền kinh tế dẫn đầu châu Âu, nước Đức, có mức lạm phát 10,9% cao nhất kể từ năm 1951. Còn Estonia, Lithuania và Latvia đều có tỷ lệ lạm phát trên 22%.

Bà Seema Shah - chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Principal Global Investors, nhận định: "Eurozone đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt khó khăn. Không chỉ vì việc kiềm chế lạm phát phần lớn vẫn nằm ngoài khả năng, mà việc tăng lãi suất cũng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm đà suy yếu kinh tế vốn đang nhấn chìm khu vực này".

Sau nhiều tháng chịu đựng, lạm phát đang khiến người châu Âu mệt mỏi. Người dân Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch... đều đang phải chống chọi với giá sinh hoạt tăng mỗi ngày trước viễn cảnh một mùa đông giá buốt vì thiếu hụt năng lượng.

Một thống kê của Chính phủ Đan Mạch cho biết, kể từ đầu năm tới nay, 1/3 các doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia này đã và đang chịu những tác động tiêu cực. Trước tình thế đó, Giáo sư Brian Vad Mathielsen (Đại học Aalborg, Đan Mạch) cho rằng người dân phải giảm mức tiêu thụ 20% để tránh những tình huống xấu nhất.

Tuy nhiên, dù phần lớn số người châu Âu lo lắng nhưng tỏ ra khá bình tĩnh trước tình hình hiện nay, chỉ lo tiết kiệm mọi chi phí có thể tiết kiệm được. Trang tin Euronews dẫn lời cô Sara Moghal, 20 tuổi, ở London (Anh) thì “bất kể bạn có thu nhập bao nhiêu thì khủng hoảng cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Vì thế hãy sẵn sàng tâm thế chấp nhận và vượt qua nó". Còn ông Igor Moresi - người đã làm việc 22 năm tại Nhà máy thép Acciai Speciali Terni của Italy nói: "Chúng tôi đã gặp vấn đề với các hóa đơn điện và khí đốt, và còn có thể gặp khủng hoảng việc làm. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn".

Tuần trước, nhà máy nơi ông Moresi đã cho 400 trong số 2.278 công nhân tạm nghỉ do lạm phát tăng vọt, kéo dài.

Theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, giá tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục tăng, cao hơn so với mức dự báo của các chuyên gia kinh tế. Theo đó, giá thuê nhà, thực phẩm và các dịch vụ chăm sóc y tế cùng tăng. Như vậy, kết thúc tháng 10/2022, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức được coi là cao nhất trong vòng 40 năm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hồi đầu tháng đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Mức tăng này cũng là đợt tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm 2022. Tuy nhiên, loại bỏ một số yếu tố như giá năng lượng, lương thực thực phẩm thì điêu đó vẫn chưa đủ để giảm áp lực lạm phát tại nền kinh tế có quy mô lớn nhât thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạm phát chưa chịu 'quay đầu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO