Làm sạch không gian mạng

Thế Tuấn 15/09/2022 07:14

Nghị định số 53/2022 của Chính phủ quyđịnh chi tiết một số điều của Luật Anninh mạng nêu rõ: Từ ngày 1/10 yêu cầu xóa bỏ thông tin khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin đó có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội. Quyết định này nhằm làm sạch không gian mạng, được dư luận đồng tình.

Nghị định số 53 quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp buộc phải xóa bỏ thông tin; đồng thời quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, không gian mạng ngày càng được mở rộng, số người tham gia mạng xã hội cũng ngày một nhiều lên. Với mục đích phát triển mạng xã hội văn minh tại Việt Nam, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho mọi người khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; với các quy tắc ứng xử chung bao gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật, lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm.

Pháp luật cũng quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật theo quy định.

Những quy định là rất rõ ràng, tuy nhiên thời gian qua vẫn diễn ra nhiều vi phạm trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng rất xấu về nhiều mặt. Trong đó, không chỉ bí mật đời tư cá nhân bị xâm phạm mà còn bị vu khống, làm nhục. Nhiều clip phát tán những hành vi độc hại, trái thuần phong mỹ tục bị phát tán. Một số vụ việc tiêu cực đơn lẻ đã bị nâng lên thành bản chất xã hội, dưới dạng quy chụp. Hoạt động của nhiều tổ chức bị xuyên tạc. Nấp dưới dạng bình luận, phản biện, không ít chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước bị xuyên tạc, bóp méo; trong đó có cả những video chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi đa nguyên, đa đảng...

Những thông tin xấu độc dù đã bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng tiếc thay vẫn tồn tại, làm vẩn đục đời sống xã hội. Đáng tiếc có những thông tin xấu độc tồn tại trên mạng xã hội trong một thời gian dài, độ phát tán rộng càng làm tăng thêm mức độ gây hại. Có thể nêu dẫn chứng về hai vụ vẫn đang nóng dư luận. Một là vụ bà Nguyễn Phương Hằng, dưới hình thức “bóc phốt” trong nhiều tháng đã liên tục tung ra hàng loạt livestream xúc phạm, bôi nhọ, vu khống nhiều người “có danh phận”, bằng những ngôn từ không thể chấp nhận. Hai là vụ Phan Sơn Tùng ngang nhiên kêu gọi thành lập đảng “Việt Nam thịnh vượng” nhằm “đối trọng” với Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước, gây rối xã hội. Cả hai đều đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Tuy nhiên, dư luận xã hội cho rằng đối với hai trường hợp này, việc xử lý của cơ quan chức năng là chậm.

Với Nghị định số 53 của Chính phủ, hy vọng rằng tiến độ xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng sẽ được đẩy nhanh, nhằm sớm ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc không đủ thời gian để phát tán, lây lan.

Ở đây cũng cần lưu ý, không chỉ những đối tượng cố tình đưa lên mạng thông tin xấu độc, mà cả những người “ngây thơ”, chia sẻ đường dẫn, phát tán những thông tin ấy cũng sẽ bị xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sạch không gian mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO