Làm sao để giữ vững sân nhà?

Minh Phương 26/10/2020 07:30

Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt bứt phá, song cũng đối diện không ít thách thức, nhất là khi làn sóng ngoại nhập tràn trong nước. Vậy làm sao để giữ vững sân nhà trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay?

Am hiểu tâm lý tiêu dùng là thế mạnh trên sân nhà của doanh nghiệp nội.

Không thể phủ nhận, các Hiệp định thương mại tự do với hàng loạt các ưu đãi về thuế quan đã mở ra những cơ hội cho người tiêu dùng Việt tiếp cận với nhiều sản phẩm ngoại nhập với giá cả phải chăng.

Song, đây cũng chính là một trong những thách thức lớn cho các DN trong nước khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm hàng nhập ngoại phong phú về chủng loại cũng như chất lượng, giá cả.

Thực tế này đòi hỏi các DN trong nước cần phải nỗ lực, chủ động trong việc giữ vững vị thế của mình ngay tại sân nhà, không để hàng ngoại lấn át.

Thực tế thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến sự bứt phá của những tên tuổi thương hiệu Việt như Vinamilk, Vittel, TH Truemilk, Vinfast...

Với những nỗ lực trong việc nâng cao sức cạnh tranh, các DN Việt rất chủ động trong việc đầu tư công nghệ, nâng cao thiết bị dây chuyền sản xuất nhằm mục đích đưa đến cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm chất lượng tốt có giá thành cạnh tranh.

Đáng chú ý, sau những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN trong nước đã bắt đầu tập trung vào việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các DN đang tận dụng thế mạnh về sự am hiểu thị trường, nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người dân để có thể biến thành cơ hội nâng sức cạnh tranh trước làn sóng ngoại nhập.

Đơn cử, theo chia sẻ của các DN ngành thủy sản, mặc dù EVFTA và một số Hiệp định thương mại tự do khác có hiệu lực có thể tạo ra những áp lực mới cho hàng hóa trong nước, song với những lợi thế “sân nhà”, các DN trong nước hoàn toàn không e ngại trước những thách thức của làn sóng ngoại nhập.

Theo khẳng định của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), là một quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu thủy sản, chúng ta đang có một hệ thống nuôi trồng thủy sản tốt nên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

“Với tập quán tiêu dùng của người Việt thích hàng tươi sống hơn hàng đã qua chế biến đông lạnh cho nên những lo ngại về hàng ngoại lấn át hàng nội trong lĩnh vực này hoàn toàn khó xảy ra. Người dân Việt Nam sẽ vẫn lựa chọn các sản phẩm tươi cho bữa ăn của mình thay vì sử dụng các sản phẩm nhập ngoại đông lạnh”, ông Hòe nhấn mạnh.

Điều này cũng tương tự với những sản phẩm nông sản khác, theo giới chuyên gia kinh tế, với thói quen tiêu dùng của phần lớn người Việt, thích sử dụng đồ tươi mới, các món đồ thực phẩm nhập khẩu chắc chắn sẽ không thu hút được người tiêu dùng bằng những sản phẩm “nóng hổi”, tươi mới. Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã tác động rất mạnh mẽ đến tâm lý người tiêu dùng trong nước, bởi vậy, hàng hóa nội địa cũng không quá đáng lo ngại khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng lên về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, giới chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng DN cần quan tâm là phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ.

Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng đã được nâng cao hơn bao gồm cả an toàn, do đó, DN cần kiểm soát được cả một chuỗi sản xuất, như vấn đề truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, quản lý chất lượng theo chuỗi cung ứng... cần phải đặc biệt quan tâm.

Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quy định về “an toàn thực phẩm” DN có thể đánh mất cơ hội, thậm chí mất thương hiệu và nhường sân chơi cho đối thủ mạnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao để giữ vững sân nhà?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO