Làm thế nào để thu hút hành khách đến với vận tải công cộng?

Lê Khánh 05/10/2022 13:00

Để tìm giải pháp thu hút hành khách đến với vận tải công cộng, ngày 5/10, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải pháp để hút khách đến với vận tải công cộng”.

Vận tải công cộng mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại

Hà Nội đã trở thành một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu xe. Tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại hơn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng lưới Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Thủ đô mới đáp ứng dưới 15% nhu cầu đi lại. Sức hút của VTHKCC chưa thực sự lan toả được đến đại bộ phận Nhân dân.

Theo đó, hướng đến mục tiêu vận tải hành khách công cộng đạt 30 - 35% vào năm 2025, việc nâng cao nhận thức và sự đồng thuận trong dư luận xã hội về lợi ích của vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các loại hình giao thông, trong đó có loại hình giao thông công cộng, doanh thu của ngành vận tải công cộng bị ảnh hưởng trầm trọng, đến nay mới chỉ phục hồi được 60%.

Bên cạnh đó, chủ trương của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội là phát triển giao thông công cộng. Để góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương này, Báo đã phối hợp với các cơ quan chức năng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức tọa đàm liên quan đến giao thông công cộng.

Tại buổi tọa đàm, khách mời là những chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng như: Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Hà Nội; ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội; ông Nguyễn Văn Dư, chuyên gia giao thông; Bà Trương Thị Minh Huyền, Chủ tịch Hội sinh viên, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã cùng thảo luận, trao đổi những chủ trương, chính sách để phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường, đề xuất giải pháp phát triển vận tải hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Buổi tọa đàm nhằm thông qua các phương tiện truyền thông để truyền tải thông điệp của chuyên gia giao thông, những người trực tiếp đang làm trong ngành giao thông vận tải công cộng về thực trạng, lợi ích và những giải pháp trong thời gian tới để người dân có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông công cộng cũng như thể hiện trách nhiệm của thành phố Hà Nội trong việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông công cộng, góp phần giúp Hà Nội sớm đạt được những mục tiêu đang đặt ra về môi trường, sức khỏe, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm tiếng ồn…” – ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Cần có giải pháp căn cơ

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Hà Nội chia sẻ, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoạt động đến nay đã được gần 1 năm và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, về chất lượng phục vụ và văn hóa đi tàu của hành khách.

“Chúng tôi rút ra bài học là, để thành công trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện, cần có cách tiếp cận và giải pháp riêng, không thể áp dụng những phương thức thực hiện trước của bất cứ quốc gia nào”, ông Trường phân tích.

Tại chương trình, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết, mạng lưới vận tải công công của Hà Nội hiện nay có 154 tuyến với 132 tuyến có trợ giá… hệ thống vận tải đã phổ cập đến tất cả quận, huyện. Trong 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống xe buýt đã thu hút được 215 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng… Như vậy, có thể khẳng định, hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn TP đã cơ bản phục hồi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Vai trò của vận tải hành khách khối lượng lớn là "xương sống" của hạ tầng đô thị, chúng tôi rất vui mừng khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động. Đường sắt đô thị tăng cũng tác động giúp xe buýt phát triển hơn. Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của người dân để đưa ra những điều chỉnh, tăng tính kết nối giữa đường sắt đô thị và xe buýt” ông Phương nhấn mạnh.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, các ngành chức năng của Thủ đô cần sớm vào cuộc, chấn chỉnh tình trạng dừng đỗ xe và tham gia giao thông lộn xộn tại các trục đường. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen đi lại. Ngoài ra, các đơn vị có thể nghiên cứu thêm việc thu phí giao thông nội đô.

“Có 7 bài học chính, chúng tôi đã rút ra được, cụ thể: Luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần xuất và dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt, nhưng hạn chế tối đa ngân sách của TP.

Cùng đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Như, quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn thì trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm. Đồng thời, phải tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu. Khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập chung dịch vụ thương mại cho hành khách”, ông Trường nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp, chuyên gia giao thông, Nguyễn Văn Dư chia sẻ, TP Hà Nội cần có một trung tâm điều hành chung để kiểm soát đầy đủ các phương tiện giao thông thông công cộng. Làm thế nào cho hành khách khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận lợi nhất. Nếu làm được điều đó thì tự nhiên người dân sẽ thích và đến với vận tải công cộng thôi. Bởi sử dụng phương tiện vận tải công cộng vốn có nhiều lợi thế so với phương tiện cá nhân, mà lợi thế dễ nhận thấy nhất là giá rẻ hơn rất nhiều. Đã rẻ rồi mà còn thuận tiện nữa thì ai mà ko thích đi chứ.

“Ngoài ra, theo tôi, TP Hà Nội cũng cần có thêm giải pháp tổ chức lại giao thông, cụ thể hơn là tổ chức các bãi đỗ xe, nhất là ở khu vực trung tâm TP để thuận tiện hơn cho người đi xe công cộng. Đây là giải pháp nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm và làm rất hiệu quả”, ông Dư phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thế nào để thu hút hành khách đến với vận tải công cộng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO