Lần theo 'hành trình xả thải' của Formosa

Hạnh Nguyên 17/07/2016 07:10

“Đường đi” của chất thải do Formosa trong lúc vận hành thử nghiệm thải ra vấn còn dài với nhiều uẩn khúc. Mà điều đó càng cần sớm được làm rõ bởi môi trường sống của con người là vô cùng hệ trọng.

Người dân phát hiện thêm đường ống xả thải ở mương thoát nước phường Kỳ Phương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Năm 2008, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) bắt đầu gây dựng sự nghiệp tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (giai đoạn 1 sau đó tăng 28 tỷ USD). Đến nay, FHS vẫn đang trong quá trình vận hành thử nhưng lại “dính phốt” xả thải đầu độc biển miền Trung, sau đó trên rừng rồi đến khu dân cư. Dưới biển Formosa đã thừa nhận sai phạm nhưng trên rừng thì doanh nghiệp này “phủi” trách nhiệm và xung quanh vấn đề xả thải của Formosa vẫn còn nhiều “lùm xùm”.

Nhận dưới biển...

Không phủ nhận việc Formosa đầu tư vào KKT Vũng Ánh đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu ngân sách, hứa hẹn sẽ làm “đầu kéo” cho nhiều ngành kinh tế…Tuy nhiên, dự án này lại gây ra thảm họa môi trường cực kỳ nghiêm trọng.

Ngày 6/4/2016, người dân nuôi cá lồng bè ở vùng biển xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu thấy hiện tượng cá chết, rồi tới cá biển cũng chết dạt vào bờ, sau đó lan dần sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Tiếp nhận phản ánh của người dân, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đặc biệt là Chính phủ đã vào cuộc. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) chứa độc tố.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện FHS là tác nhân gây ra sự cố.

Cho tới ngày 28/6, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD)...

Sự việc tưởng chừng sẽ đến hồi kết, tuy nhiên Công ty này ký biên bản thừa nhận trách nhiệm sự cố môi trường biển chưa ráo mực thì ngày 11/7, người dân phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) lại phát hiện hàng trăm tấn chất thải của công ty này chôn lấp trái phép tại trang trại ông Lê Quang Hòa- Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng môi trường đô thị Kỳ Anh (gọi tắt là Cty môi trường Kỳ Anh). Ngay hôm đó, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã đến hiện trường kiểm tra sự việc.

...“Phủi” trên bờ

Ngày 13/7, trả lời PV Đại Đoàn Kết, ông Võ Tá Đinh- Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về việc chôn lấp chất thải của Formosa tại trang trại ông Lê Quang Hòa, sở đã huy động lực lượng vào cuộc kiểm tra, xác định vị trí, phạm vi, tính toán khối lượng đồng thời lấy mẫu gửi ra Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để phân tích và lập biên bản vi phạm của Cty môi trường Kỳ Anh.

Ông Đinh cũng cho biết: Trong buổi làm việc ngày 12/7 giữa đại diện Sở TNMT Hà Tĩnh, BQL KKT Hà Tĩnh, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh, phường Kỳ Trinh với Formosa, ông đã chỉ ra những sai phạm của Formosa khi ký hợp đồng với Cty môi trường Kỳ Anh: việc Formosa ký hợp đồng với Cty môi trường Kỳ Anh là vi phạm Luật Môi trường vì Cty môi trường Kỳ Anh không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp mà chỉ được cấp phép xử lý chất thải sinh hoạt và xử lý hầm cầu.

Trong hợp đồng giữa hai đơn vị này ký kết với nhau có điều khoản ghi rõ: “Bên A (Formosa) phải đến nơi xử lý chất thải của B (Công ty CP tư vấn xây dựng môi trường đô thị Kỳ Anh) để tìm hiểu, kiểm tra, ghi chép tình hình để xử lý chất phế thải thực tế, bên B phải phối hợp tiến hành và tạo điều kiện để bên A chụp ảnh hiện trường”. Nghĩa là Formosa có trách nhiệm giám sát bên B vận chuyển, xử lý chất thải theo đúng quy định nhưng Formosa lại không làm.

Vẫn theo ông Đinh, giữa tháng 6/2016, Sở TNMT Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Formosa nêu rõ, Cty môi trường Kỳ Anh không đủ điều kiện xử lý chất thải công nghiệp, nhưng Formosa vẫn tiếp tục để đơn vị này vận chuyển. Biên bản buổi làm việc ngày 12/7 đã được tất cả các thành phần tham gia ký, nghĩa là Formosa thừa nhận sai phạm.

Thế nhưng, ngày 15/7, trong công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành, Formosa đã “phủi” hoàn toàn trách nhiệm của mình về số chất thải chôn trái phép tại trang trại ông Lê Quang Hòa. Trong văn bản này, Formosa viện dẫn một số điểm trong hợp đồng “thu gom, vận chuyển và xử lý bùn bánh của tổ xử lý nước thải công nghiệp Formosa Hà Tĩnh” giữa Formosa và Cty ông Lê Quang Hòa ký kết với nhau để chứng minh mình vô can.

Thứ nhất, tại điểm 6, điều 11 trong hợp đồng: “Bên B phải đưa bùn bánh đến xử lý ở nơi khu xử lý chất thải trên địa bàn Hà Tĩnh đã được Sở TNMT Hà Tĩnh cung cấp. Nghiêm cấm tự ý vứt bỏ, hoặc xử lý không đúng trong hợp đồng”; thứ hai, điều 6: “Bùn bánh khi ra khỏi xưởng thì sẽ do bên công ty môi trường chịu trách nhiệm. Nên để xảy ra điều gì sẽ do bên B chịu trách nhiệm”; điều 9 về xử lý vi phạm hợp đồng: “Bùn bánh đã đưa ra khỏi nhà máy của Formosa, nếu phát hiện vi phạm ô nhiễm môi trường thì sẽ do bên B chịu toàn bộ trách nhiệm. Trong hợp đồng cũng viết rõ: “Giấy chứng nhận bùn bánh của xưởng xử lý nước thải công nghiệp Công ty Formosa là chất thải công nghiệp thông thường do Sở TNMT Hà Tĩnh cấp”.

Dựa vào những căn cứ này, Formosa đổ hết lỗi cho Cty môi trường Kỳ Anh, còn mình không liên quan. Điều đáng chú ý là, Formosa đã giao Cty môi trường Kỳ Anh hợp đồng vận chuyển, xử lý 267 tấn chất thải. Trong khi đó, theo ông Lê Quang Hòa, số chất thải chôn lấp ở trang trại này khoảng 10 xe, tương đương 100 tấn. Vậy số còn lại đang ở đâu?

Mặt khác, Formosa còn ký hợp đồng với Nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH môi trường Phú Hà (đóng tại xã Trạm Thản, H.Phú Ninh, Phú Thọ) vận chuyển xử lý từ tháng 8/2015 đến nay với khối lượng 145,4 tấn. Phía cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và Phú Thọ đang “truy” hơn 145 tấn chất thải này đã ở đâu?

Ngày 16/7, ông Nguyễn Chí Thức- Giám đốc Công ty TNHH môi trường Phú Hà (đóng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khẳng định: 145 tấn đó không có bùn thải, không có dịch thải lỏng, mà chỉ là vỏ thùng phuy trước đó đựng hóa chất. Mà theo quy định của pháp luật, vỏ thùng phuy đó là chất thải nguy hại. Nhưng tỉ lệ nguy hại trong đó chỉ 3%.

Liệu còn “vương” chất thải độc ở đâu?

Ngày 14/7, PV Đại Đoàn Kết cùng một số đồng nghiệp được người dân phường Kỳ Trinh đưa đi “mục sở thị” những núi rác khổng lồ nằm trên núi, cách trang trại ông Hòa không xa. Lùi thời gian xa hơn, hơn một năm trước (tháng 4/2015) người dân thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cũng phát hiện nhiều xe tải chở chất thải của Formosa về tập kết tại bãi rác của thị trấn. Tuy nhiên, đến nay số chất thải này vẫn đang chiễm trệ ở bãi rác, chưa được cơ quan chức năng “đo đếm” và kiểm nghiệm xem có độc hại hay không.

Một sự việc khác cũng liên quan đến chất thải của Formosa đó là trưa 15/7, Formosa phải đưa máy móc, nhân lực ra khu vực ống xả thải ngầm nằm bên ngoài khuôn viên nhà máy đoạn thuộc địa phận phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) để cắt bỏ đoạn đường ống xả nước thải trái phép ra môi trường.

Đường ống ngầm này có đường kính khoảng 40cm, cấu tạo bằng thép. Một đầu của đường ống bắt nguồn từ các nhà máy của khu công nghiệp Formosa nối ra ngoài hàng rào và thông với mương nước của người dân phường Kỳ Phương. Các công nhân phải dùng máy cắt đường ống sát với hàng rào, đồng thời bịt kín phần đường ống bị cắt bằng xi măng. Toàn bộ phần đường ống nối vào bờ mương được đào dỡ di dời khỏi phần đất của phường Kỳ Phương.

Ông Lê Văn Chương- Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương cho biết: Đường ống ngầm này được người dân sống trên địa bàn phát hiện vào ngày 10/7, thấy khả nghi, người dân đã báo với chính quyền. “Từ nguồn tin báo của người dân, chúng tôi đã cho người xuống kiểm tra. Sau khi xác minh, chính quyền địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý”- ông Chương nói.

Nhận được báo cáo, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Formosa phải cắt bỏ đường ống này vì lắp đặt trái phép, không có trong thiết kế ban đầu, dù phía Công ty cho biết đây chỉ là đường ống để xả nước thải sinh hoạt. Ngoài ra, người dân còn phát hiện thêm một đường ống chạy song song và nằm bên ngoài hàng rào của Formosa cũng thuộc địa phận phường Kỳ Phương. Đường ống này chạy theo hướng ra biển Kỳ Phương.

Thông tin mới nhất, ngày 16/7, người dân ở tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh lại phát hiện thêm một hố chôn chất thải ở khu công viên của Cty môi trường Kỳ Anh.

Thông tin này được ông Phạm Văn Hùng- Trưởng phòng TNMT thị xã Kỳ Anh xác nhận: “Chúng tôi đã đến hiện trường lập biên bản, nghi vấn ban đầu là số chất thải này cũng thuộc chất thải Formosa. Tuy nhiên, đang tiến hành xác minh, mới biết được chính xác khối lượng chất thải đổ về đây là bao nhiêu”.

Ông Lê Quang Hòa cũng thừa nhận: Số chất thải này đổ ở công viên cùng thời điểm với số chất thải Formosa đổ ở trang trại. Chôn chất thải ở công viên để trồng cây chứ không vì mục đích gì khác…Tuy nhiên, ông Hòa lại phân trần là bản thân ông không biết có chất thải chôn lấp ở đây mà do ông Tài (Phó Giám đốc) phụ trách (!)

Như vậy, “đường đi” của chất thải do Formosa trong lúc vận hành thử nghiệm thải ra vấn còn dài với nhiều uẩn khúc. Mà điều đó càng cần sớm được làm rõ bởi môi trường sống của con người là vô cùng hệ trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lần theo 'hành trình xả thải' của Formosa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO