Lan tỏa văn hóa đọc

Nguyệt Anh 07/01/2018 06:00

Thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2017, Cục đã xác nhận 4.190 giấy đăng ký xuất bản với 58.029 xuất bản phẩm, 1.145.819.782 bản sách; tổng số sách xuất bản trong năm 2017 đạt khoảng 30.000 tựa sách (với 300 triệu bản). Những con số lạc quan. Tuy nhiên, bên cạnh những con số, vẫn còn những câu chuyện đáng bàn.

Lan tỏa văn hóa đọc

1. Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành xuất bản cũng như ý thức của các tỉnh, thành phố trong việc đưa văn hóa đọc lan sâu, tỏa rộng vào đời sống. Bằng việc mở ra những không gian văn hóa đọc khác nhau đã giúp cho sách đến gần với công chúng.

Tiếp sau TP Hồ Chí Minh, năm 2017 vừa qua Hà Nội cũng đã hình thành Phố Sách (Phố 19/12). Mô hình này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tỉnh, thành phố, như Đà Nẵng, Vũng Tàu… Theo đó, đường sách TP Vũng Tàu dự kiến sẽ được đặt tại công viên Quang Trung, đường Ba Cu thuộc phường 1, TP Vũng Tàu với tổng diện tích khoảng 1.903m².

Để chuẩn bị cho đường sách, dịp Tết Mậu Tuất 2018, TP Vũng Tàu sẽ tổ chức Hội sách Xuân tại chính địa điểm trên. Hội sách sẽ chính thức khai trương từ ngày 12/2 (27 tháng Chạp) cho đến hết ngày 25/2 (mùng 10 Tết).

Vào đầu tháng 12, mô hình thành phố sách (Book City) cũng đã được khai trương tại TPHCM tạo nên một điểm đến mới cho những người yêu thích sách. Tại đây trưng bày hơn 50.000 tựa sách và 1 triệu bản sách các thể loại trong và ngoài nước với diện tích gần 3.000m².

Bên cạnh những phố sách, thành phố sách thì một trong những điểm sáng của ngành xuất bản năm 2017 đó là việc… có nhiều hội sách được mở ra. Đặc biệt tại Hà Nội, dường như tháng nào cũng có hội sách, thậm chí dồn dập có tháng tới 2 hội sách. Ngoài những hội sách quy mô tổ chức ở Công viên Thống nhất hay Hoàng thành Thăng Long thì có nhiều hội sách cũ được tổ chức tại Hồ Văn (Văn Miếu – Quốc Tử Giám), và chuỗi hội sách mùa xuân, mùa thu… tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Có thể nói, sự nở rộ của các hội sách, phố sách… đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều đối tượng, góp phẩn cổ vũ, thúc đẩy văn hóa đọc…

Lan tỏa văn hóa đọc - 1

Sách kinh điển được nhiều đơn vị đua nhau tái bản.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, người ta cũng dễ nhận thấy trong quá trình tổ chức, vận hành các sự kiện vẫn còn nhiều điều đáng phải trao đổi, góp ý.

Ví như việc các hội sách được tổ chức liên tục, có khi chỉ cách nhau 1 tuần, khiến sự khan hiếm các đầu sách mới là có thật. Ngoài ra, sự trùng lặp các nhân vật giao lưu trong các sự kiện, lẫn thiếu những người dẫn chương trình (MC) mới khiến cho các sự kiện chưa thực sự hấp dẫn. Vẫn biết, đa số các hội sách được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, và thêm nhiều hội sách là thêm những cơ hội cho độc giả đến với sách, nhưng thiết nghĩ, các hội sách phải có nét mới thì mới hấp dẫn được.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chúng ta mới tập trung tổ chức hội sách ở các đô thị lớn mà chưa quan tâm tới việc đưa các hội sách về với các địa phương… Bên cạnh đó, theo nhà văn Lê Phương Liên, cần tổ chức tốt hơn nữa việc thảo luận sách, hướng dẫn đọc sách. Cần có sự góp sức của các thư viện cộng đồng để giúp việc truyền bá các tác phẩm có giá trị tới những vùng sâu vùng xa chưa có cơ hội tổ chức hội sách và nhân dân chưa có tiền mua sách.

Hay như câu chuyện duy trì Phố Sách Hà Nội cũng để lại nhiều điều đáng bàn. Nếu doanh thu đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM) năm qua đạt 50 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016, thì Phố sách Hà Nội lại đang có chiều hướng đi xuống, trở thành điểm để cho giới trẻ đến chụp ảnh là chính. Mới đây, một số đơn vị đã buộc lòng làm đơn kiến nghị đến ban quản lý phố sách Hà Nội, đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí chăm sóc cây xanh, thảm cỏ vì đây là cảnh quan chung của thành phố; cắt giảm các lực lượng như vệ sĩ, vệ sinh... để đảm bảo mức thu phí mặt bằng không quá 200.000 đồng/m².

Thành phố cần hỗ trợ phố sách hệ thống âm thanh, loa đài và sân khấu tại quảng trường trung tâm để làm tốt hơn công tác truyền thông và tổ chức sự kiện của phố sách. Mùi hôi thối từ cống thoát nước và các hộ dân xả thải sang phố sách cần được khắc phục... Một số hiến kế cứu phố sách Hà Nội cũng được gửi đến các cấp quản lý…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng để văn hóa đọc phát triển thì những hoạt động mang tính bề nổi, hình thức thôi chưa đủ. Cần quan tâm sâu đến chất lượng các xuất bản phẩm. Bởi lẽ, số liệu từ Cục Xuất bản, in và phát hành cho thấy, năm qua đơn vị này cũng đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm (trong đó: 96 xuất bản phẩm vi phạm nội dung; 33 xuất bản phẩm vi phạm khác). Đáng chú ý là việc thu hồi ấn bản “Miếng ngon Hà Nội”.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Chu Văn Hòa, cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng được NXB Dân Trí liên kết với Công ty TNHH Văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng in tái bản vào tháng 3-2017, phần cuối trang 210 của cuốn sách này có nội dung vi phạm về chính trị nghiêm trọng. Hay cuốn “Một cơn gió bụi” (Kiến văn lục) của tác giả Trần Trọng Kim (NXB Hội Nhà văn & Phương Nam Books phát hành) cũng phải thu hồi vì “nội dung cuốn sách khi xuất bản không đúng thể loại và tóm tắt nội dung như đăng ký”. Cũng với lý do “không đúng với đăng ký”, Cục còn thu hồi cuốn “Đi tìm sự thật” của tác giả Trần Nhuận Minh…

3. Cùng với tình trạng sách lậu vẫn còn khá phổ biến, một câu chuyện khác cũng quan trọng, đó là tình trạng “sách mới thì ít, sách cũ thì nhiều”. Nhiều biên tập viên của các đơn vị xuất bản thừa nhận, trong đăng ký kế hoạch xuất bản, tỉ lệ xin cấp phép sách tái bản luôn nhỉnh hơn những tựa sách mới.

Thực tế trên thị trường cũng đã chứng minh điều này. Ra hiệu sách hoặc tới hội sách, độc giả dễ dàng “va” phải các đầu sách kinh điển được nhiều NXB cùng in. Có những tựa sách như “Hội chợ phù hoa”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Hồng lâu mộng”, “Trà hoa nữ”… cùng lúc được 4-5 đơn vị ấn hành với các bản bìa khác nhau.

Thị trường xuất bản cũng còn ghi nhận nhiều đầu sách của các học giả Việt Nam được tái bản, như “Việt Nam sử lược” (Trần Trọng Kim), “Cổ học tinh hoa” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân), “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính)…

Lý giải hiện tượng này, nhà văn Nguyễn Trương Quý - biên tập viên NXB Trẻ cho rằng, sở dĩ năm qua rộ lên hiện tượng sách tái bản một phần do nhiều cuốn trong số sách này đã hết thời hạn bảo hộ tác quyền, nên được in tự do, và chi phí được giảm. Phần nữa là xu hướng muốn khảo lại các thành tựu được định hình.

Một số đơn vị cho dịch lại các tác phẩm kinh điển thế giới cũng phản ánh sự thay đổi quan niệm về việc dịch thuật, kèm theo là số người biết ngoại ngữ ngày càng nhiều, họ đòi hỏi một bản dịch sát bản gốc nhất, chẳng hạn vậy. Điều quan trọng nữa là các thủ tục cấp phép và duyệt tái bản danh tác đã quen thuộc sẽ dễ hơn là thẩm định bản thảo mới.

Xuất bản năm qua cũng còn cho thấy sách dịch áp đảo. Bên cạnh đó, dòng sách hồi ký, tự truyện của các nghệ sĩ vẫn… “ăn khách”. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã ra mắt tự truyện như Sơn Tùng M.TP ra cuốn “Chạm tới ước mơ”, Hari Won ra “Cỏ hạnh phúc”, Lâm Chí Khanh ra “Lột xác”, Hoàng Thùy Linh cũng chuẩn bị phát hành “Vàng Anh và Phượng Hoàng”…

Trong khi đó, xu hướng sách điện tử (ebook) được nhiều đơn vị xuất bản đầu tư và kỳ vọng nhưng lại chưa mấy khả quan. Điều đáng băn khoăn, trong số 26.333 xuất bản phẩm mà các nhà xuất bản đã nộp lưu chiểu sách in có 25.431 cuốn, với 293.191.225 bản... còn sách điện tử chỉ có 137 xuất bản phẩm! Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, xu hướng ebook sẽ có những bước phát triển trong thời gian tới.

Đa số hội sách được tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Thêm hội sách là thêm những cơ hội cho độc giả đến với sách, nhưng thiết nghĩ, các hội sách phải có nét riêng thì mới hấp dẫn được...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa văn hóa đọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO