Làng nghề gỗ ‘thoi thóp’

Lan Hương – Thúy Hằng 29/09/2021 06:45

Khảo sát tại 6 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng mới đây của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) đã cho con số giật mình về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sự phát triển của làng nghề gỗ. Sản phẩm bán ra giảm từ 80- 90%, thu nhập hộ gia đình giảm 90%...

Làng gỗ khủng hoảng

Để đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới các hộ làng nghề, mới đây Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) và Tổ chức Forest Trend đã tiến hành khảo sát tại 6 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm). Kết quả cho thấy, dù đã có khoảng 46% số hộ tại các làng nghề gỗ đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất cầm chừng.

Chia sẻ về kết quả khảo sát, TS. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, lực lượng lao động tại các làng nghề suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là nhóm lao động tự do từ các nơi khác tới làm thuê. So với trước khi thực hiện giãn cách, lượng lao động làm thuê tại các làng nghề giảm 73%. Đáng chú ý, đầu ra sản phẩm của các hộ giảm khoảng 76%, thu nhập của hộ giảm gần 90%; thậm chí một số nơi như Đồng Kỵ, Liên Hà, La Xuyên lượng sản phẩm bán ra giảm 80-90%.

“Hiện có trên 70% số hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất đình trệ, nguồn thu bị mất hoặc sụt giảm tạo ra sức ép về các khoản vay rất lớn cho các hộ. Trước áp lực về trả nợ, nhiều hộ đã phải vay tín dụng đen để cầm cự” – ông Phúc nói.

Theo kết quả khảo sát, nguyên nhân của thực trạng trên do chi phí nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất tăng. Giãn cách làm cước vận chuyển và giá phụ liệu tăng bình quân khoảng 20-25%, trong khi chi phí gỗ nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5-10% đã đẩy ngành gỗ rơi vào khủng hoảng.

Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu mặc dù từ tháng 7 đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021) nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tuy nhiên, các hộ sản xuất tại các làng nghề lại không tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này. Nguyên nhân chính là do các hộ không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế vì vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh không được các cơ quan quản lý công nhận.

Khó tiếp cận nguồn hỗ trợ

Tại hội thảo trực tuyến “Đại dịch Covid-19 và làng nghề gỗ” vừa được Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, tổ chức mới đây nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, với trên 300 làng nghề gỗ trong cả nước và hàng chục nghìn hộ gia đình, hàng trăm nghìn lao động tham gia sản xuất kinh doanh, các làng nghề gỗ hiện nay đóng vai trò quan trọng về kinh tế-xã hội. Đây cũng là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, còn thiếu các tổ chức đại diện hiệu quả cho các hộ tại các làng nghề. Điều này làm cho giữa làng nghề và các cơ quan liên quan thiếu sự liên kết, dẫn đến làng nghề gỗ mất cơ hội tiếp cận với các nguồn lực phát triển.

Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết, sản phẩm của làng Đồng Kỵ chủ yếu xuất sang Trung Quốc nhưng hơn một năm nay Trung Quốc đóng cửa không nhập đồ gỗ của Việt Nam khiến cho sản phẩm của làng không tiêu thụ được, dẫn đến hàng tồn kho lớn. Trong khi đó, 100% số hộ làng nghề vay vốn để sản xuất. “Sản phẩm không tiêu thụ được, rất nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh không thể trả các khoản vay đúng hạn. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, thay vì mức 8 đến 10.5% như các ngân hàng thương mại đang áp dụng” – ông Vũ Quốc Vương kiến nghị.

Bình Định được xem thủ phủ xuất khẩu gỗ miền Trung, tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chỉ trong tháng 8/2021, toàn tỉnh có 20 nhà máy xuất khẩu gỗ phải giảm 50% công suất, 6 nhà máy phải đóng cửa. Đáng ngại hơn, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài cung ứng hàng hóa đến hết năm nhưng hiện không thể đáp ứng kịp hàng do khan hiếm lao động, nguyên liệu.

Đồng tình với quan điểm Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để làng nghề gỗ vượt khó khăn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với vai trò quan trọng của các hộ tại các làng nghề hiện nay, Chính phủ nên điều chỉnh lại các tiêu chí hỗ trợ theo hình thức bao trùm hơn, đảm bảo các hộ tại làng nghề có thể tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ này.

7 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ tăng trưởng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng sang tháng 8 đã đột ngột giảm mạnh. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng chỉ ra nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ đang trên đà tăng trưởng mạnh nhưng bất ngờ lao dốc, sụt giảm mạnh là do tác động của việc nhiều địa phương, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nghề gỗ ‘thoi thóp’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO