Lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc giảm

Lê Bảo 29/10/2019 08:00

Đây là thông tin vừa được Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐTB&XH cho biết. Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc ngày càng tăng, đặc biệt là kể từ khi chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) bắt đầu được triển khai vào năm 2004 theo Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.

Lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc giảm

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc là thị trường XKLĐ chủ lực và nhiều tiềm năng.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH đến nay Chương trình EPS đã đưa được 101.834 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Người lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc chủ yếu trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, được trả lương và các chế độ phúc lợi bình đẳng như lao động bản địa, hàng tháng được hưởng mức lương cơ bản từ 1.600 - 1.800 USD, chưa bao gồm làm thêm.

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, người lao động được làm việc với thời gian hợp đồng tối đa là 4 năm 10 tháng, có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc lần thứ 2. Tuy nhiên theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc có những giai đoạn tăng cao dẫn đến việc Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, không tiếp tục tái ký Bản ghi nhớ vào năm 2012.

Để giải quyết tình trạng trên, trong những năm vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở LĐTB&XH các địa phương và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp như thông tin truyền thông; tuyên truyền, vận động; tạm dừng tuyển chọn ở những địa phương có tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Ngoài ra, Chương trình EPS còn hạn chế đăng ký dự thi tiếng Hàn đối với những người lao động có thân nhân đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh; phối hợp tổ chức hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước; tổ chức các cuộc thi người lao động hồi hương thành công để biểu dương các cá nhân điển hình, thành công trong việc khởi nghiệp sau khi về nước. Nhờ đó tỷ lệ lao động bất hợp pháp đã giảm mạnh. Cụ thể, vào giai đoạn năm 2012-2013, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước lên đến 57%, đến nay tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp giảm còn khoảng 32%.

Cùng với các giải pháp trên trong nước Bộ LĐTB&XH cũng siết chặt công tác quản lý các doanh nghiệp đưa lao động đi XKLĐ. Theo đó mới đây Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã có quyết định xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp vi phạm quy định trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Trong số 6 doanh nghiệp bị phạt, Công ty Cổ phần Tư vấn du học và Thương mại Giang Anh Group bị phạt cao nhất với 180 triệu đồng. Doanh nghiệp này bị phạt với mức cao như vậy do đã vi phạm nhiều quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO