Lật lại hồ sơ vụ MH370 mất tích

Thanh Đức 16/11/2021 07:11

Ngày 15/11, Richard Godfrey - kỹ sư hàng không vũ trụ nổi tiếng người Anh cho hay, bằng công nghệ mới có thể xác định vị trí máy bay MH370 mất tích vào cuối tháng 11. Thông tin này đang gây chấn động dư luận vì vụ máy bay MH370 mất tích vẫn được coi là bí ẩn nhất từ trước tới nay.

Theo ông Godfrey, rất có thể chiếc MH370 đã đặt chế độ “giữ trên không” (holding) khoảng 22 phút khi ở cách bờ biển của đảo Sumatra (Malaysia) khoảng 277 km, cũng có nghĩa là nó đã mất hoàn toàn liên lạc kể từ khi “biến mất” không một chút dấu vết.

Chiếc máy bay MH370 mất tích cùng 239 hành khách trên quãng đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh năm 2014 đến nay vẫn là một trong những bí ẩn tai nạn hàng không lớn nhất thế giới. Đã có rất nhiều nhóm tìm kiếm của nhiều quốc gia nỗ lực tìm xem chiếc máy bay này bị rơi ở đâu, nhưng 7 năm trôi qua, tất cả đều trở nên vô vọng. Thậm chí, người ta đã khép lại hồ sơ vụ này kể từ năm 2018.

Trở lại với viên kỹ sư người Anh - Godfrey, ông này nói cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng, MH370 không chỉ được đặt trong chế độ “giữ trên không” mà còn duy trì chế độ này suốt 22 phút”. Godfrey cho rằng, những phát hiện mới của ông mang “tính đột phá” và có thể giúp xác định vị trí của MH370 vào cuối tháng 11.

Tuyên bố đó lại làm sống dậy những nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay MH370. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Zaharie Shah - cơ trưởng của MH370, lại đặt máy bay vào chế độ “giữ trên không”? Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, là một trong những phi công kỳ cựu nhất của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Đã có ý kiến nghi ngờ Ahmad Shah muốn “tự sát tập thể” và cố tình gây ra vụ tai nạn của MH370, nên việc Godfrey cho rằng chiếc máy bay đã ở vào tình trạng “giữ chế độ trên không” tới 22 phút đã lại khiến người ta trở lại với giả thiết này. Vì thế, Ocean Infinity cho biết, Công ty sẵn sàng tài trợ một cuộc tìm kiếm mới, cho dù không thể nói trước có thu được kết quả gì không.

“Chúng tôi luôn ủng hộ tìm kiếm MH370, bất cứ khi nào có thông tin mới hoặc công nghệ mới giúp xác định vị trí của chiếc máy bay” - đại diện Ocean Infinity nói.

Cũng cần nhắc lại, năm 2018, Công ty robot Ocean Infinity (Mỹ) đã tổ chức cuộc tìm kiếm MH370 quy mô lớn cuối cùng với số thiết bị không người lái bao phủ hơn 100.000 km2 quanh vùng biển nghi là nơi máy bay rơi. Tuy nhiên, họ không thu được kết quả gì. 7 năm đã trôi qua kể từ khi chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 mất tích, mọi nỗ lực tìm kiếm đã thất bại thì người thân của các nạn nhân ngày ngày vẫn phải chịu đựng nỗi đau không thể nguôi ngoai.

Grace Nathan, 31 tuổi, có mẹ là Anne Daisy đã mất tích trên chuyến bay định mệnh khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014 nói rằng, nhiều người vẫn chờ đợi, một số người không tin rằng người thân của họ vĩnh viễn không bao giờ trở về. “Tất cả đều mong muốn có câu trả lời thỏa đáng. Chúng tôi đều muốn biết chuyện gì đã xảy ra với 239 người trên máy bay, vì sao họ lại biến mất” - Grace nói.

Trong khi đó, Wee Ka Siong, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia nói rằng, chính phủ nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm máy bay MH370. “Chúng tôi cũng rất mong tìm ra máy bay mất tích, giống như gia đình và bạn bè của các nạn nhân. Trong vấn đề tìm kiếm MH370, Chính phủ không hề tiếc tiền của và nguồn lực để tìm ra máy bay”.

Trở lại với Richard Godfrey, trong nghiên cứu mới dài 126 trang, viên kỹ sư hàng không vũ trụ từng giúp thiết kế Trạm vũ trụ quốc tế, tuyên bố rằng vị trí mà ông tin là nơi xác máy bay MH370 nằm dưới đáy biển. Trả lời trên trang Airlineratings.com, ông Godfrey nói: “Tôi tin kết quả phân tích của mình có thể được coi là bằng chứng mới đáng tin cậy”.

Godfrey đưa ra kết quả sau khi phân tích đường bay và đánh giá những mảnh vỡ trôi dạt nghi của MH370. Gần một nửa số mảnh vỡ được thợ săn MH370, Blaine Gibson tìm thấy thông qua tập hợp những kết quả tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau.

“Blaine đã rất nỗ lực và tất cả những phân tích này sẽ không thể thực hiện được nếu không có đóng góp của ông ấy” - kỹ sư Godfrey nói và giải thích, trong số 33 mảnh vỡ được tìm thấy và được xác nhận hoặc có khả năng là từ MH370, 18 mảnh vỡ có liên quan về mặt thống kê theo mô hình trôi dạt của David Griffin. Những mảnh vỡ này được xác nhận có điểm chung về nguồn gốc ở vị trí có tọa độ 34.13°Nam ± 1.06° gần vòng cung thứ 7.

Giải thích lý do cuộc tìm kiếm diễn ra 7 năm qua nhưng không phát hiện được máy bay ở những nơi nghi vấn, ông Godfrey nói, vấn đề nằm ở yếu tố thời tiết và công nghệ tìm kiếm. Vì thế Godfrey cho rằng cần phải tìm kiếm lại một lần nữa, và khu vực cần tìm kiếm sẽ có diện tích khoảng 200.000 km2. “Với công nghệ hiện đại, chúng ta không thể dễ dàng để một chiếc máy bay với 239 người bị mất tích, cho dù nó có bị người ngoài hành tinh bắt đi chăng nữa” - Godfrey nói.

Chiếc máy bay mang số hiệu MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người trên khoang đã mất tích khỏi màn hình radar vào sáng sớm ngày 8/3/2014. Các nhà điều tra tin rằng, máy bay đã đổi hướng, bay xa so với quãng đường đã định hàng ngàn km, rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương. Theo kết quả phân tích mới nhất, khu vực nhiều khả năng tìm thấy máy bay rơi cách Cape Leeuwin, Tây Úc khoảng 1.960 km. Khu vực này từng được tìm kiếm trước đây nhưng địa hình phức tạp, đáy biển sâu 5.000 mét có núi cao, khe núi sâu và nhiều núi lửa, có thể là nguyên nhân đội tìm kiếm đã bỏ sót manh mối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lật lại hồ sơ vụ MH370 mất tích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO