Lấy phiếu tín nhiệm

Nam Việt 09/02/2023 06:50

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Theo đó, cán bộ tín nhiệm thấp trên 50% sẽ phải từ chức; trên 2/3 sẽ bị miễn nhiệm. Quy định 96 thay thế cho Quy định 262 ban hành năm 2014 cùng về nội dung này.

Theo Quy định 96, dùng kết quả phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ sẽ không còn để tham khảo. Như vậy, so với quy định trước đó (Quy định 262), Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm có sự thay đổi trong quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Theo quy định cũ (Quy định 262), người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".

Tuy nhiên, đáng chú ý, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn", Quy định 96 nêu rõ: Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Đây chính là những quy định chặt chẽ trong công tác cán bộ, vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định “là then chốt của then chốt”.

Tại Quy định 96, phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, tương tự Quy định 262 trước đó. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Cần lưu ý, Quy định 96 với 2 "tiêu chí" lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong khi Quy định 262 (năm 2014) quy định 2 "nội dung", gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; và năng lực thực tiễn.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt. Vì vậy, càng đòi hỏi phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải được trui rèn nhiều hơn nữa. Những quy định của Đảng suốt thời gian qua cũng chính là để chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ngày một trong sạch, vững mạnh.

Nhân đây, cũng cần nhắc lại Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).

Quy định 37 rất chi tiết, cụ thể những điều đảng viên không được làm nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đáng chú ý, Quy định 37 không chỉ “áp” cho từng cá nhân đảng viên, mà tại Điều 11, nêu rõ vi phạm khi “can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi”. Còn tại Điều 17, nêu rõ vi phạm khi “can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý”.

Như vậy, cùng với việc chịu trách nhiệm về chính mình, thì đảng viên còn phải chịu trách nhiệm khi để người thân lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi.

Từ đó có thể thấy, trách nhiệm của đảng viên ngày một cao hơn.

Sáng 6/2 mới đây, tại buổi gặp mặt các vị nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước do Bộ Chính trị tổ chức, các vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã có những ý kiến, đề xuất, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn rằng, năm 2023 dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước sẽ vững vàng tiến về phía trước; đặc biệt khi Đảng xây dựng được một đội ngũ cán bộ xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy phiếu tín nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO