Việc ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM tự hạ một bậc thi đua vì tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của thành phố chỉ đạt 68% (thấp hơn chỉ tiêu 95% được giao) đã gây sự chú ý rộng rãi. Điều đó cho thấy ý thức tự giác chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ công hạn chế, không đạt yêu cầu đề ra. Từ đó hy vọng sẽ tạo tiền lệ tốt cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là với lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị.
Việc tự giác hạ bậc thi đua của Chủ tịch UBND cũng khách quan cho thấy công tác thi đua cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; việc đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải dựa trên hiệu quả công việc cụ thể, thay vì đánh giá chung chung, bỏ phiếu qua loa. Và việc xếp loại thi đua bậc cao cũng sẽ không thể tồn tại như một điều tất nhiên dành cho cán bộ có chức, có quyền.
Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 11/2022), thì về tổng thể việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nhưng chính kết quả đánh giá, xếp loại này lại là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm... đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Đó chính là sự bất cập, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cán bộ.
Trở lại với việc Chủ tịch UBND TPHCM tự hạ bậc thi đua, ông Mãi nói: “Tôi tự nhận giảm bậc. Lãnh đạo các cấp phải nghiêm túc thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, chỉ thị của UBND thành phố về giải ngân đầu tư công để năm 2023 phải tăng cường thi đua, siết kỷ cương, kỷ luật đối với hoạt động đầu tư công”. Về việc này, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM cho rằng, việc giải ngân đầu tư công thấp là do cấp dưới làm nhưng việc Chủ tịch UBND thành phố tự nhận trách nhiệm về mình vì là người đứng đầu thành phố là hành động thể hiện “một lãnh đạo biết nêu gương”.
Việc này lại càng có ý nghĩa khi mà gần đây nhiều cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, sợ sai, sợ bị kỷ luật. Không làm nhưng cũng “không đứng sang một bên” cho người khác làm. Nhưng đến khi bình xét thi đua thi lại nhận mức cao. Đó cũng chính là một biểu hiện của bệnh hình thức, háo danh, một căn bệnh khá phổ biến mà chưa gột rửa được.
Ngày 21/12/2022, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội TPHCM năm 2023, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM nói: “Một số nơi khi kiểm tra, giám sát còn tồn đọng nhiều. Tồn đọng ngay trên cái ghế của người ngồi vị trí đó, cái đó cần phải xem lại. Chúng ta có thể ngại, có thể băn khoăn, lo lắng trước khi đặt bút ký vào một nội dung nào đó. Nhưng cương vị, danh dự buộc chúng ta phải làm. Khi đã đủ hết rồi thì phải giải quyết chứ không chần chừ, do dự khiến cơ hội mất, thời gian trôi qua. Một chữ ký của mình mà nhiều người chờ đợi, đồng nghĩa đánh mất sự quan trọng thì chúng ta thật có lỗi”. Ông Nên cũng đề nghị mỗi một cán bộ lãnh đạo đều phải coi mình như là một “chỉ huy thực thụ trên chiến trường”; cần phải lấy hành động làm niềm vui, lẽ sống của mình.
Về việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, cán bộ phải “đúng vai, thuộc bài”. Nghĩa là phải làm tốt nhất công việc được giao. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu học tập quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 6/12/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng đã nhấn mạnh: “Lãnh đạo làm đúng được khen, làm không đúng bị phê bình, người nào làm không được sẽ có người khác thay thế, như vậy mới tròn vai của người quản lý”.
Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Trách nhiệm ở đây không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn là trách nhiệm nêu gương, tạo niềm tin cho cấp dưới và nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận. Vì thế, cùng với việc tự giác nhận trách nhiệm thì cũng rất cần tạo sức ép trách nhiệm, buộc cán bộ, công chức phải năng động, sáng tạo, làm hết trách nhiệm trong vị trí công việc mình đảm nhận.
Từ việc Chủ tịch UBND TPHCM nhận trách nhiệm cá nhân qua việc tự hạ bậc thi đua, dư luận xã hội chờ đợi sự chuyển biến của cả bộ máy công quyền, không chỉ của một địa phương mà là bộ máy công vụ nói chung. Và khi lãnh đạo nêu gương thì chắc chắn sự chuyển động sẽ rất tích cực.