Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, một câu hỏi rất đáng quan tâm của phóng viên đặt ra: Khi nào hoàn thành Nghị định về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung? Đây chính là việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về vấn đề này.
Trả lời, ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Nghị định này, vào tháng 12/2022 Bộ Nội vụ đã phối hợp cùng Bộ Tư pháp thống nhất quy trình xây dựng Nghị định. Cuối tháng 12, Bộ Tư pháp đã đồng tình với Bộ Nội vụ xây dựng theo thủ tục rút gọn và đã báo cáo Thủ tướng, được Thủ tướng đồng ý.
"Hiện Bộ Nội vụ đang thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo theo quy định. Đây là Nghị định rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên rất khó. Do vậy, Bộ Nội vụ trên tinh thần tập hợp ý kiến từ các bộ, ngành địa phương, Ban Tổ chức Trung ương để làm sao xây dựng Nghị định thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đảm bảo tính khả thi" - ông Thăng nói và nêu lên 4 vấn đề liên quan. Thứ nhất là các nguyên tắc, điều kiện, quy trình thủ tục. Thứ hai là đối tượng áp dụng. Thứ ba là làm rõ quy trình thủ tục thực hiện bảo vệ, khuyến khích. Thứ tư là làm rõ điều kiện khuyến khích, hình thức khuyến khích, bảo vệ ra sao. Cố gắng trong quý 2 trình Chính phủ.
Tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Điểm đáng lưu ý trong kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây là điểm đột phá trong công tác cán bộ, nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất nhiều lần nói về công tác cán bộ trong tình hình mới, khẳng định đó là vấn đề “then chốt của then chốt”. Ngày 12/6/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khi nói tới phẩm chất của cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin".
Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực rất quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng, nhiều đối tượng tham ô tham nhũng, nhóm lợi ích bị xử lý nghiêm. Điều đó ít nhiều tác động đến tâm lý những cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu năng lực, sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm. Sợ tới mức không dám làm và không biết làm như thế là đúng hay sai thì không thể chấp nhận.
Bên cạnh việc thiếu bản lĩnh, một vấn đề khác nổi lên là những vị “cán bộ sợ sai” ấy không đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ nhưng vì ham quyền lực, háo danh đến mức tìm mọi cách để có được chức danh đó, cho nên khi được bổ nhiệm thì không biết làm gì, bị cấp dưới thao túng, dẫn tới vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Cán bộ lãnh đạo sợ sai không dám làm sẽ làm mất đi động lực, cơ hội làm ăn, kìm hãm sự phát triển.
Chúng ta hay nói cán bộ đảng viên phải dám nói, dám làm. “Dám nói” chính là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, suy thoái về chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Dám làm” chính là thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, dám chịu trách nhiệm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người sợ sai, sợ chịu trách nhiệm thì rất cần ủng hộ, tạo điều kiện, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Quan điểm chỉ đạo của Đảng rất nhất quán. Vấn đề còn lại là nhanh chóng thể chế hóa quan điểm đó, mà cụ thể là cần sớm có Nghị định về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bởi đó chính là hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng, khơi dậy ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới của đội ngũ cán bộ.