Ngày 3/2/1930, Ngày thành lập Đảng. Trong suốt 93 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân làm nên những kỳ tích, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử và thời đại, làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc và cuộc đời của mỗi một con người.
Nhìn lại lịch sử từ giữa thế kỷ XIX khi đất nước ta chưa có Đảng lãnh đạo, mặc dù nhân dân ta, dân tộc ta đã dũng cảm vùng lên chiến đấu, không chịu khuất phục trước sự áp bức, xâm lược của chủ nghĩa thực dân nhưng đều không thành công. Trong bối cảnh đó, ngày 3/2/1930, sau gần 20 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại, là bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và cũng là điểm mở đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của dân tộc trong các giai đoạn sau này.
Với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm sống dậy khát vọng giải phóng dân tộc trong nhân dân Việt Nam. Trong 15 năm có Đảng lãnh đạo, người dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của thực dân - phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Nhưng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta lại đối mặt với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Đảng ta đã sáng suốt định ra đường lối “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”. Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" tung bay trên hầm tướng De Castries, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Hơn 20 năm bền gan quyết chí, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông thu về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày thống nhất, đất nước bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đối diện với nhiều thách thức, khó khăn cả ở trong nước, khu vực và trên trường quốc tế. Trước tình hình đó, Đảng ta một lần nữa khẳng định trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (tại Đại hội VI của Đảng 1986).
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình. Đặc biệt, năm 2022, tăng trưởng GDP toàn quốc đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với trên 30 nước.
Trong bối cảnh mới, thuận lợi và thách thức đan xen, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ tiên phong, tiếp tục đổi mới và phát triển. Hơn 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo ngày càng quyết liệt. Cuộc chiến đấu đó được Đảng ta xác định là cuộc chiến chống giặc nội xâm. Từ đó, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiểm soát, đẩy lùi. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Riêng trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phải kể đến Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật: khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, từ những việc làm quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ những tác động mạnh mẽ trong các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành đã làm một số cán bộ tự giác nhận ra hành vi sai phạm cũng như nhận ra trách nhiệm mà mình phải gách vác.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”. Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 3/1/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, năm 2023 cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.
93 năm, chặng đường gần một thế kỷ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hôm nay, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, càng thêm tự hào về một đảng cách mạng vĩ đại, đưa đất nước ta “đến đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.