Từ lâu câu chuyện ly nông và ly hương đã trở thành một vấn đề xã hội, khi mà nhiều thanh niên và những người trong độ tuổi lao động rời làng quê tìm tới các thành phố lớn, khu công nghiệp. Không ít làng chỉ còn người già và trẻ em. Thực tế ấy cho thấy nông thôn đã mất sức hấp dẫn trong khi hấp lực từ các đô thị, khu công nghiệp ngày một lớn.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội, nhà kinh tế đặt vấn đề làm sao để thanh niên và người trong độ tuổi lao động ở nông thôn ly nông nhưng không cần phải ly hương. Nhiều hội thảo mở ra bàn bạc, tìm giải pháp nhưng làn sóng di cư ra thành thị không giảm. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân vẫn là vấn đề trăn trở.
Một điều rõ nhất là khi thanh niên, người trong độ tuổi lao động - có nghĩa là lao động chính, bỏ làng thì việc đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, tăng năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp không thể bảo đảm. Đó là góc độ kinh tế, còn góc độ xã hội thì việc làng quê chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ sẽ tạo ra nhiều biến động theo chiều sâu. Người già thiếu người chăm sóc lúc trái gió trở trời, trẻ em không được sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm bẵm của cha mẹ. Những đồng tiền người đi làm xa dành dụm gửi về quê không thể bù lại sự hiện diện của chính họ trong làng, trong nhà.
Cũng vì lực lượng lao động chủ chốt đã rời làng ra đi nên người cao tuổi ở nông thôn lẽ ra đã được “lui về tuyến sau” thì vẫn phải “đứng trên tuyến đầu”. Rồi thì không ít vùng quê người ta không cấy lúa, trồng ngô nữa, ruộng vườn để người khác làm, kể cả bỏ hoang.
Thực tế nhiều chục năm qua cho thấy, do người trẻ rời làng quá nhiều nên làng quê ngày thêm vắng vẻ. Có chăng chỉ đông vui khi hội làng, khi nghỉ Tết. Mấu chốt vẫn là do thu nhập ở nông thôn quá thấp so với thành thị, khoảng cách nông thôn - thành thị ngày một giãn rộng. Làm nông hay làm nghề ở làng thì thu nhập đều thấp, trong khi thương mại phát triển chậm.
Còn nhớ, ngày 29/5/2022 tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức; ông Võ Viết Minh Châu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã hỏi và kiến nghị với Thủ tướng, với Chính phủ những giải pháp, chính sách nào để giúp người nông dân lên thành phố ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt là có giải pháp để chuyển đổi lao động, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương. Còn bà Lại Thị Loan - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk có những vùng đất màu mỡ, nhưng cũng có những vùng đất cằn cỗi, chỉ thích hợp với một số loại cây trồng nhất định. Dân số ngày càng tăng, đất đai thì hữu hạn. Các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh không giải quyết hết nguồn lao động tại tỉnh. Vì vậy, nhiều người phải ly hương, tìm việc ở những tỉnh, thành lớn. Ông Hồ Ngọc Đại - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Đối với nông dân nghèo, khi chấp nhận tha hương cầu thực, cuộc sống của họ khi hồi hương vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình có thể vẫn có ruộng vườn, đất đai nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, hầu hết nông dân muốn có vốn sản xuất đều đã cầm cố đất đai để vay mượn ngân hàng.
Việc làm và thu nhập ngay tại làng quê, đó là hai vấn đề chính với người nông dân để họ vừa không ly nông vừa không phải ly hương. Nhất là với thanh niên, nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới sản xuất nông nghiệp thì việc giữ chân họ không phải từ những lời kêu gọi chung chung mà phải cho họ thấy tương lai khi ở lại làng, cụ thể là có thu nhập “bằng chị bằng em” không quá thấp so với những người vào làm trong khu công nghiệp.
Muốn vậy, tập trung đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề mang tính quyết định. Chúng ta hay nói nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tăng giá trị kinh tế trong sản phẩm nông nghiệp như một xu hướng, nhưng muốn có được điều đó thì phải đầu tư lớn, đầu tư bền bỉ. Những năm qua, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp nhưng con số không nhiều. Nguyên nhân chính là gì?
Kiếm lời từ nông nghiệp cần nhiều thời gian, trong khi sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết nên tiếng gọi từ làng quê chưa hấp dẫn với các doanh nhân cho dù họ xuất thân từ làng, ra đi từ làng và rất nặng lòng với cây đa, giếng nước, sân đình. Muốn làm ăn lớn thì phải có diện tích đất lớn nhưng việc tích tụ ruộng đất lại vướng những quy định Luật Đất đai. Vì thế, dẫu có muốn đầu tư vào nông nghiệp cũng không dễ dàng gì.
Vậy thì trước mắt phải phát triển thị trường lao động nông thôn để giữ chân người trẻ ở lại với làng, để khi cơ hội đầu tư đến thì mới có thể bắt nhịp rồi từ đó đi lên.