Lễ bỏ mả của đồng bào Gia Rai

PV 15/05/2021 19:00

Bỏ mả là một nghi thức đặc biệt của bà con dân tộc Gia Rai, được tổ chức với mục đích đưa tiễn các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết.

Trong khuôn khổ các hoạt động sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Gia Rai đến từ tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc Đam San tái hiện lại Lễ bỏ mả (Pơ thi).

Bỏ mả là một nghi thức đặc biệt của bà con dân tộc Gia Rai, được tổ chức với mục đích đưa tiễn các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết. Những dịp diễn ra Lễ bỏ mả, những người con trong buôn làng sẽ ngồi lại với nhau, dâng lên tổ tiên những thứ đã thu hoạch trong năm qua hay những ghè rượu cần quý được ủ lâu năm.

Những người lớn tuổi tham dự Lễ bỏ mả cho biết: Người Gia Rai thường có câu nói “Bơ lan ninh nông thâu a tâu”, có nghĩa là “tháng nghỉ đi chơi Lễ Bỏ mả”, nhắc nhở con cháu phải nhớ mà về với Lễ bỏ mả. Những đồ chuẩn bị cho Lễ bỏ mả tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình hay dòng họ để chọn thời gian và quy mô tổ chức. Hoặc cũng có thể tổ chức cùng với cả làng. Ở dịp lễ này không chỉ có sự tham gia của thân nhân người mất mà còn có sự góp mặt của cả buôn làng, thậm chí có thể tổ chức mời các làng bên.

Điều đặc biệt nữa ở Lễ bỏ mả của người dân tộc Gia Rai đó là nam nữ trong làng cùng nhau đi làm nhà mả cho người đã khuất và điêu khắc tượng nhà mồ. Tối đến các nam nữ trong làng cùng nắm tay vui trong điệu xoang. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm kiếm một nửa cho mình.

Theo lời kể của bà con dân tộc Gia Rai, khi một người chết đi vẫn để lại hồn ma luôn ở bên gia đình. Người sống đi đâu, hồn ma sẽ theo đến đó, người sống ăn gì hồn ma ăn đó. Vì vậy, trong những bữa cơm, các gia đình người Gia Rai vẫn chuẩn bị sẵn một phần thức ăn cho người đã khuất.

Kể về phong tục Lễ bỏ mả của dân tộc mình, già làng AK dân tộc Gia Rai chia sẻ: “Người chết chôn buồn lắm. Lê bỏ mả đặc biệt ở chỗ là khi người chết đi, người sống phải giữ gìn không mặc áo tốt hay hớt tóc, vì họ hàng ở đó không cho phép. Sau 3 năm thì mới cho tự do. Lễ bỏ mả có sự tham gia của cư dân làng và diễn ra trong 3 ngày, 2 ngày ở nhà còn 1 ngày diễn ra ở mả. Một cái nhà mả có thể có 5 hòm hoặc 6 hòm. Người ta sẽ giữ nhà mồ này 3 năm, không đi chơi, không mặc quần áo tốt... Nếu không làm được thì già làng sẽ phạt. Đồ lễ của Lễ bỏ mả có trâu thịt trâu, có gà thịt gà...”.

Cũng theo già làng AK: “Những bức tượng xung quanh nhà mồ có ý nghĩa nếu chồng chết thì vợ ở nhà khóc suốt, vợ chết thì chồng ở nhà lại khóc miết… Nghĩa là những bức tượng đặt ngoài mả tượng trưng cho người còn sống. Chất liệu làm những tượng gỗ được sử dụng những loại gỗ dễ mục, nếu làm gỗ tốt sau 3 năm không mục được. Nhà nào có Lễ bỏ mả sẽ được người trong làng làm giúp. Khi làm lễ, người nhà sẽ tự cúng”…

Để tổ chức một Lễ bỏ mả sẽ rất tốn kém nhưng với người dân tộc Gia Rai thì việc thực hiện nghi lễ này lại như một phần tài sản trong nhà để chia cho người đã khuất. Vì sau Lễ bỏ mả thì mối quan hệ của người sống và người chết kết thúc. Người chết sẽ trở về với Atâu, về với Yàng và được các Pram bao bọc, chở che. Vì thế đây được coi như là nghi lễ cho một sự khởi đầu của vòng luân hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ bỏ mả của đồng bào Gia Rai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO