Lễ hội đền Trần 2017: Vẫn lo ngại ý thức của người tham gia

Trần Duy 08/02/2017 09:35

Đến thời điểm này, tại các địa phương có di tích gắn liền với lịch sử, văn hóa thời Trần như Nam Định, Thái Bình... đã bắt đầu những nội dung của lễ hội đầu Xuân. Như đã biết, đây là những lễ hội thu hút rất đông người tham gia. Dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tuy nhiên, như những gì đã từng diễn ra tại đây thì vẫn còn nguyên đó nỗi lo...

Khách hành hương về đền Trần Nam Định trước ngày khai Ấn.

Lễ hội khai Ấn đền Trần Nam Định phát trên 1.200 giấy mời

Ai đã từng tham dự Lễ hội khai Ấn đền Trần Nam Định đều biết lễ hội này có nhiều nội dung nhưng tâm điểm chính của lễ hội vẫn là đêm diễn ra nghi lễ Dâng hương (do chính quyền địa phương tổ chức) và nghi lễ Khai Ấn (do nhân dân địa phương tổ chức) tại sân đền Thiên Trường trong đêm 14 tháng Giêng...

Theo bà Phạm Thị Oanh- Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, như mọi năm, năm nay Ban tổ chức vẫn sẽ phát ra trên 1.200 giấy mời, mời các đại biểu ở Trung ương và địa phương tới tham dự hai nghi lễ này. Tuy nhiên, có một thực tế là, rất đông trong số những người có mặt đã bằng mọi cách, “xông” bằng được vào phía trong đền Thiên Trường để “cướp” lộc trên các ban thờ, bất chấp việc Ban tổ chức đã thiết lập tại cửa đền một hàng rào barie, liên tục nhắc nhở trên loa, phô diễn những hành vi đầy tính phàm tục ngay tại chốn linh thiêng. Trước đó, vào thời điểm kiệu Ấn được rước vào sân đền, nhiều người đã vo tròn những đồng tiền gồm nhiều mệnh giá rồi “ném” lên kiệu Ấn, tạo nên hình ảnh phản cảm không kém.

Liên quan đến “vấn nạn” này, tại cuộc họp báo thông tin về việc tổ chức lễ hội năm nay, do chính quyền TP Nam Định tổ chức mới đây, PV Báo Đại Đoàn Kết đã đặt câu hỏi về việc trước lễ hội, cấp ủy, chính quyền địa phương có “biện pháp mạnh” nào để chấn chỉnh? Tuy nhiên, thay bằng trả lời trực tiếp câu hỏi, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Phạm Thị Oanh cũng chỉ biết than: “Là nhà quản lý chúng tôi không hề mong muốn có điều này, những ai có ý thức có mặt tại đây cũng rất bức xúc, lên án”. Một vài biện pháp ngăn chặn đại điện chính quyền thành phố Nam Định đưa ra sau đó, như tăng cường tuyên truyền; bố trí thêm lực lượng an ninh làm nhiệm vụ rà soát; cho kê hàng rào barie cách xa hơn đường đi của Kiệu Ấn nhằm tạo thêm khoảng cách để “ai muốn ném tiền cũng không ném trúng được”... được cho là không thực sự đủ mạnh.

Chính vì vậy, trước thời điểm diễn ra nghi lễ Khai Ấn năm nay, những ai quan tâm vẫn đang phải hồi hộp, chờ xem những người có mặt tại đây sẽ thể hiện ý thức văn minh khi tham gia lễ hội của mình như thế nào, có tiếp tục tái diễn những hành vi phản cảm?

Tăng cường vai trò chủ thể lễ hội của người dân

Theo ông Đỗ Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đền Trần Thái Bình, Lễ hội đền Trần Thái Bình năm nay (khai mạc vào đêm 13 tháng Giêng) vẫn có nhiều nghi lễ, hoạt động mang tính truyền thống như lễ tế mở cửa đền; lễ rước nước (thủy và bộ); thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi vật cầu, thi kéo lửa nấu cơm cần, thi kéo co. Trong đêm khai mạc, sẽ trình diễn vở chèo “Đời luận anh hùng” (dài 120 phút, do Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn), tái hiện thân thế, sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ.

Đáng chú ý, theo ông Bình, năm nay huyện thực hiện tăng cường xã hội hóa trong công tác tổ chức, với sự tham gia tổ chức lần đầu của dòng họ Trần Việt Nam, thiết thực tăng cường vai trò chủ thể lễ hội của nhân dân địa phương. Huyện không phát hành giấy mời đại biểu tới dự lễ hội; tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động của lễ hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội đền Trần 2017: Vẫn lo ngại ý thức của người tham gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO