Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hạnh Nguyên 21/02/2016 18:32

Ngày 21/2, tại huyện Hương Sơn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Đình Sơn trao
Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
cho Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên, cùng đông đảo y, bác sỹ, thầy thuốc trong cả nước và nhân dân huyện Hương Sơn về dự lễ.

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12/11 năm Canh Tý (tức ngày 11/12/1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên ông sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời tại đây vào ngày rằm tháng Giêng năm 1791, thọ 71 tuổi.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 1

Đại biểu đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm
tại Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông.

Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ, quý giá là “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” với hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện, bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.

Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Chín điều “Y huấn cách ngôn” của ông để lại là khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề y dược, mãi mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.

Để ghi nhớ công ơn của đại danh y, nhân dân huyện Hương Sơn đã tổ chức các hoạt động tế lễ như: dâng hương tại mộ, lễ cúng tại nhà thờ, cầu siêu tại chùa Tượng Sơn. Từ đó, cứ mỗi dịp rằm tháng Giêng, nhân dân khắp nơi lại về Hương Sơn thắp hương tưởng nhớ Đại danh y Lê Hữu Trác.

Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe. Đặc biệt, từ sau khi quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1985 thì Lễ hội này ngày càng được phát triển cả về quy mô, nội dung và hình thức.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 2

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
trồng cây lưu niệm tại Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông
tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên, cùng đông đảo y, bác sỹ, thầy thuốc trong cả nước đã đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và dâng hương tại Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông (thôn Bàu Thượng, xã Sơn Quang).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO