Lên tiếng vì mình mà cũng vì cộng đồng

Bắc Phong 26/12/2022 07:00

Ngày 24/12, thông tin từ UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, Hợp tác xã vận tải Hòa Bình (Đà Lạt) đã ra quyết định chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã đối với chủ xe P.T.T.L (phường 11, Đà Lạt). Đồng thời, khai trừ tài xế taxi Phạm Văn Công (phường 11, Đà Lạt). Ông Công là nhân vật trong đoạn video liên tục chửi mắng nữ du khách bằng nhiều lời lẽ thiếu văn hóa.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tài xế Công sử dụng xe của bà P.T.T.L. để chở khách theo thỏa thuận. Trong lúc chở khách, phát sinh mâu thuẫn liên quan đến việc bồi thường do làm trễ chuyến bay của du khách nên tài xế Công đã liên tục chửi khách; quăng hành lý xuống đường, dùng chân đá hành lý của khách (vào ngày 22/12).

Tiếc thay, hành động của người tài xế taxi kể trên không phải là hiếm và cũng không chỉ xảy ra ở Đà Lạt. Lâu nay, khách đi taxi nhiều lúc phải nhịn tài xế như “nhịn cơm sống”, vì rằng đã ngồi lên xe rồi thì cũng khó có thể làm khác. Nhiều tài xế taxi khiến khách hết hồn khi phóng nhanh vượt ẩu, đánh võng, lạng lách. Nhiều tài xế taxi nhận với khách rồi nhưng nếu có mối mới hời hơn thì lập tức “bỏ bom”, “bán khách” cho xe khác, làm trễ giờ. Đặc biệt, tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Lạt thì việc ấy diễn ra “như cơm bữa” mà khách đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Việc xử lý nhanh, dứt khoát kể trên của cơ quan chức năng Đà Lạt đáng được hoan nghênh, tuy rằng “bát nước đổ đi” thì cũng khó mà lấy lại được.

Nhân đây, cũng xin được nói chút ít về du lịch Việt Nam. Năm 2022, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu thu hút 5 triệu du khách nước ngoài, nhưng cuối cùng chỉ đạt được khoảng 3 triệu khách. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á mở cửa sớm nhất sau khi đã khống chế, kiểm soát được dịch Covid-19. Chính xác là từ ngày 15/3/2022. Ngay bên cạnh, nước láng giềng Thái Lan mở cửa sau ta khá lâu (bắt đầu từ ngày 1/10/2022) lại thu hút được 10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2022.

Chúng ta vẫn nói đến “vẻ đẹp tiềm ẩn”, “điểm đến hàng đầu thế giới” của du lịch Việt Nam, nhưng có lẽ điều đó vẫn xa vời. Nhiều du khách nước ngoài “một đi không trở lại”, có nghĩa là họ chỉ đến 1 lần rồi không trở lại lần sau. Không phải thiên nhiên Việt Nam không hấp dẫn, không phải con người Việt Nam không thân thiện, không phải tập tục Việt Nam khác biệt khiến họ khó hòa nhập... mà trong số các nguyên nhân có sự phục vụ của những người làm du lịch chưa tốt.

Nhiều khách nước ngoài cho biết, họ bị nhân viên hướng dẫn đưa vào những quán ăn họ không thích, đưa vào những cửa hàng bán đồ lưu niệm quen để có được hoa hồng của cửa hàng, khiến họ bị “chặt chém”. Mà điều đó là tối kỵ đối với người Âu - Mỹ, do họ không muốn, không chấp nhận bị lừa dối dù là nhỏ nhất.

Hầu như mùa du lịch nào các địa phương là điểm du lịch tập trung cũng phải ra văn bản yêu cầu các nhà hàng, khách sạn taxi... không được chèo kéo khách, không được nâng giá đồ ăn, phòng nghỉ. Nhưng cũng không khiến tình hình yên ả hơn.

Đó chính là hành vi gian lận thương mại cần phải được loại bỏ. Điều đó có được không chỉ từ sự tự giác, vận động tuyên truyền mà cần phải có chế tài xử phạt nghiêm. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng chức năng địa phương. Bảo vệ du khách cũng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của du lịch địa phương mình.

Một điều nữa cũng rất cần phát huy, đó là du khách mạnh dạn tố cáo những hành vi sai trái của nhân viên du lịch, tour du lịch, những người “ăn theo” dịch vụ du lịch. Biết mình bị “chặt chém”, bị đối xử thiếu văn hóa những vẫn im lặng cho qua, không tố cáo đến chính quyền sở tại. Nếu chỉ phàn nàn thì những hành vi đáng phê phán ấy vẫn sẽ tiếp tục, không rơi vào mình thì cũng giáng xuống người khác.

Phát huy ưu thế của mạng xã hội, âm thanh hình ảnh được ghi lại, đưa lên mạng là điều cần thiết. Nhưng như thế vẫn chưa đủ vì không phải người có trách nhiệm nào cũng vào mạng. Rồi các sự kiện dồn dập, cuốn trôi đi. Vì vậy, việc trực tiếp phản ánh, tố cáo là rất quan trọng. Có thể mình mất thêm thời gian nhưng dần dần mới triệt tiêu được những hành vi xấu, từ đó xây dựng văn minh thương mại. Và đó cũng là hành động vì cộng đồng rất nên làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lên tiếng vì mình mà cũng vì cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO