Lịch sử xung đột và chảo lửa Gaza

Phan Quang Vũ 14/06/2021 19:00

Nội các Israel tối 20/5/2021 (giờ địa phương) đã nhất trí thông qua lệnh ngừng bắn đơn phương tại Dải Gaza, chấm dứt 11 ngày xung đột đẫm máu. Trong tuyên bố này, Israel đã để ngỏ thời gian hiệu lực của lệnh ngừng bắn, như một lời đe dọa sẽ khởi động lại các cuộc không kích bất cứ lúc nào nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Nhận xét về động thái này, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Đó là điều rất đáng khích lệ, kể cả hai bên đã thực sự đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hay chưa”.

Không quân Israel tấn công Gaza, ngày 12/5/2021.

Trước đó, kể từ ngày 10/5, các quan chức Nhà Trắng đã liên tục điện đàm với giới chức hàng đầu ở Israel và khắp Trung Đông để tìm cách vãn hồi hòa bình. Trong cuộc điện đàm ngày 18/5 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi "giảm leo thang đáng kể" bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas. Ông Biden còn điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi để thảo luận việc Cairo làm trung gian kết nối giữa Israel và Hamas nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.

Chỉ trong vòng 11 ngày, không quân Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza, trong khi lực lượng Hamas bắn hơn 3.500 quả rocket vào Israel. Thống kê chưa đầy đủ cho đến ngày 20/5, xung đột leo thang giữa Israel và Phong trào Hamas tại Gaza đã làm 213 người Palestine thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương. Về phía Israel ít nhất có 12 người thiệt mạng.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock đã kêu gọi các bên ngừng bắn, trả lại sự bình yên cho Dải Gaza. Ông Lowcock nêu rõ: "Tôi kêu gọi các bên thù địch ngừng bắn để cho phép việc phân phối hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và để người dân có thể mua lương thực, nước uống, đi khám bệnh và tập trung giải quyết các nhu cầu khẩn cấp khác. Hãy chấm dứt thù địch, ngừng ngay các vụ nã pháo, không kích cũng như bắn rocket”.

Nhận xét về cuộc xung đột, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan cho rằng điều đó đã đẩy cả khu vực Trung Đông "đi sai hướng", tức là khiến cho việc tìm kiếm một giải pháp cho một nền hòa bình bền vững tại khu vực trở nên khó khăn hơn, đồng thời tạo cơ hội cho các phần tử cực đoan trỗi dậy.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel ngăn chặn những đợt tấn công bằng rocket từ phía Hamas.

"Vòm sắt" - tấm khiên bảo vệ Israel

Hơn 3.500 quả rocket Hamas nã vào Israel nhưng không gây nhiều thương vong. Vì sao? Người ta cho rằng do Israel được “tấm khiên” Vòm sắt (Iron Dome) che chắn một cách hiệu quả.

Vào năm nay, trước khi xung đột leo thang, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tròn 10 năm kể từ khi nó chính thức được Israel đưa vào hoạt động. Tại thời điểm ra đời năm 2011, hệ thống này được đánh giá là bước đột phá trong phát triển lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của quân đội Israel.

Ý tưởng nghiên cứu phát triển và chế tạo các hệ thống giúp ứng phó với các mối đe dọa tên lửa và phương tiện bay không người lái đã xuất hiện từ lâu. Năm 1996, Israel và Mỹ đã nhất trí hợp tác trong dự án laser năng lượng cao, có tên gọi là THEL. Năm 2001, hàng loạt thử nghiệm đã cho thấy tiềm năng của tia laser trong việc ngăn chặn các mối đe dọa, nhưng Israel đánh giá hệ thống đánh chặn kiểu này chưa phù hợp cho triển khai tác chiến tại nước này, do khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp, bảo đảm hậu cần phức tạp cũng như nguy cơ tác động tới môi trường. Do vậy, các nhà khoa học quân sự Mỹ và Israel quyết định chuyển sang nghiên cứu phát triển các hệ thống THEL di động. Tuy nhiên, hiệu quả phòng thủ vẫn chưa cao.

Cuối năm 2005, một đề xuất về giải pháp phòng thủ tên lửa tầm ngắn của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel đã được thông qua và đặt tên là "Vòm Sắt". Sau nhiều năm nỗ lực và đầu tư nghiên cứu lớn, với kinh phí chủ yếu từ Mỹ, Vòm Sắt đã khắc phục những hạn chế trước đó. Tháng 3/2011, Vòm Sắt chính thức triển khai hoạt động.

Cũng cần lưu ý, hoạt động nghiên cứu phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đến nay vẫn nhận được các khoản đầu tư lớn từ Mỹ. Đáng chú ý là Bản ghi nhớ năm 2016, có hiệu lực từ năm 2019 giữa Mỹ và Israel do Tổng thống Barack Obama khi đó và Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy, trong đó Mỹ cam kết hỗ trợ 500 triệu USD/năm cho các dự án thuộc diện này.

Theo đánh giá của nhà sản xuất Rafael, Vòm Sắt là hệ thống phòng thủ tên lửa với hơn 2.000 lượt đánh chặn và tỷ lệ thành công hơn 90%. Nó hoàn toàn có thể bảo vệ các lực lượng đang di chuyển trên chiến trường, cũng như các căn cứ tác chiến tiền phương, tàu hộ tống cỡ nhỏ, giàn khoan ngoài khơi và khu dân cư.

Trước cuộc xung đột nổ ra ngày 10/5/2021, quân đội Israel đã triển khai ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt trên cả nước, mỗi khẩu đội có 3-4 bệ phóng và mỗi bệ có khả năng phóng đi 20 quả tên lửa đánh chặn nhằm phá hủy các mối đe dọa trong phạm vi từ 4 đến 70km, trong mọi điều kiện thời tiết. Diện “che chắn” của mỗi khẩu đội lên tới 150km2.

Mặc dù vậy, Vòm Sắt cũng có những hạn chế. Ngoài chi phí cao thì hệ thống này còn có nguy cơ bị đối phương "áp đảo" và thậm chí là vô hiệu hóa bằng chiến thuật bắn ồ ạt, liên tục trong thời gian dài, do thời gian nạp đạn lâu và số đầu đạn dự trữ của một khẩu đội Vòm Sắt là không lớn. Hệ thống này cũng kém hiệu quả khi phải ứng phó với các mối đe dọa ở tầm cực ngắn (dưới 4km) hay có tốc độ bay quá nhanh (dưới 28 giây từ khi phát hiện cho tới khi bay đến mục tiêu).

Trên thực tế, Israel chỉ kích hoạt Vòm Sắt mỗi khi tên lửa, đạn pháo của đối phương có quỹ đạo nhằm vào các mục tiêu quan trọng, nhạy cảm như khu dân cư, công trình thiết yếu. Một trong những nguyên nhân là do chi phí đánh chặn khá cao. Mỗi quả tên lửa có trị giá từ 20.000 - 50.000 USD (năm 2014) và 100.000 - 150.000 USD (năm 2020). Trong khi đó, một quả tên lửa Qassam của Hamas chỉ có giá khoảng 800 USD và một quả Grad cũng chỉ vài nghìn USD.

Vũ khí tự chế phóng rocket của Hamas.

Chiến thuật "mưa Rocket" của Hamas

So với cuộc xung đột cách đây 7 năm, Hamas đã thay đổi chiến thuật sử dụng vũ khí, đặc biệt là tìm cách chọc thủng “tấm khiên Vòm Sắt” của Israel.

Những đòn tấn công của lực lượng Hồi giáo Hamas từ Dải Gaza nhằm vào Israel hồi năm 2014 ít hiệu quả. Nguyên nhân là vì rocket của Hamas thời điểm đó dù có được cải tiến, nhưng đa phần đều bị bắn hạ, nên số rơi xuống lãnh thổ Israel rất hiếm.

Chính vì thế, đến cuộc đụng độ lần này, Hamas đã thay đổi chiến thuật tác chiến. Ngay ở giai đoạn đầu khai hỏa, nhằm tạo ra sức ép tối đa trước Israel, Hamas phóng dồn dập rocket với số lượng cực lớn, nhằm áp chế hệ thống Vòm Sắt của đối phương.

Quy mô chiến dịch nã rocket lần này từ phía Hamas đã khiến giới lãnh đạo quân đội, tình báo Israel bất ngờ. Bởi trong xung đột năm 2014, trong 50 ngày giao tranh, phía Hamas bắn khoảng 4.000 quả rocket về phía Israel, nhưng lần này dồn dập trong 10 ngày thì đã có đến 3.500 quả rocket nhắm thẳng vào Vòm sắt. Đáng sợ nhất là khả năng đánh theo loạt, mỗi loạt chỉ cách nhau vài phút. Rocket do Hamas phóng đi từ Dải Gaza lần này có quỹ đạo bay thấp, khác biệt với các loại tên lửa đạn đạo tầm cao, càng khiến cho Vòm Sắt của Israel phải cực kỳ vất vả chống đỡ.

Năm 2019, Hamas từng tuyên bố đã tìm được cách vô hiệu hóa Vòm Sắt của Israel bằng cách phóng đồng loạt rocket vào một mục tiêu duy nhất ở cùng một thời điểm. Đó được gọi là chiến lược “mưa rocket”.

Một khẩu đội Vòm Sắt hoàn chỉnh thường được bố trí 3-4 bệ phóng, mỗi bệ được phiên chế khoảng 20 tên lửa đánh chặn Tamir.

Trong ngày cuối của cuộc giao tranh lần này (ngày 20/5), thông báo từ lực lượng phòng không Israel cho biết, hệ thống Vòm Sắt đã đánh chặn hiệu quả tất cả những trận “mưa rocket” từ phía Hamas. Tuy nhiên, theo Washington Examiner, sau lần xung đột này Israel cần hết sức thận trọng trong trường hợp bị tấn công bằng những trận “mưa rocket” dồn dập, vì lúc đó “tấm khiên Vòm Sắt” rất có thể sẽ bị xuyên thủng.

Nói một cách dễ hiểu, Vòm Sắt là một mạng lưới các radar và bệ phóng tên lửa được sử dụng để xác định các tên lửa tầm ngắn đang bay tới cũng như đánh chặn nếu chúng đang hướng tới một khu vực quan trọng hoặc vùng dân sự. Theo Rafael Advanced Defense Systems, một trong những nhà phát triển Vòm Sắt, hệ thống này có tỉ lệ đánh chặn lên tới 90%, bất kể đó là những trận “mưa rocket”. Trang web Jewish Virtual Library giải thích thêm: “Các tên lửa của hệ thống Vòm Sắt được phóng đi từ một khẩu đội và hoạt động kết hợp với hệ thống cảnh báo sớm dẫn đường bằng radar. Vòm Sắt dựa vào radar quét điện tử chủ động EL/M-2084 có độ phân giải cao để phát hiện và theo dõi các đường đạn đang bay tới. Nếu tên lửa đang nhắm mục tiêu vào khu vực đông dân cư, nó sẽ bị đánh chặn. Mỗi khẩu đội Vòm Sắt có tầm bắn hiệu quả xấp xỉ 135km”.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc xung đột trong vòng 10 ngày, Giám đốc điều hành Trung tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông Seth Frantzman đưa ra nhận xét: “Nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề tên lửa bị lọt lưới, từ đó cho thấy Vòm Sắt không phải là hệ thống phòng thủ tuyệt đối an toàn. Những trận “mưa rocket” hoàn toàn có thể làm thay đổi cuộc chiến khi nó xuyên thủng Vòm Sắt. Suy cho cùng, Vòm Sắt cũng chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa cần thiết mà thôi”.

Hành trình của Hamas

Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 và đã nhiều lần tấn công Israel bằng rocket. Nhưng nhóm vũ trang này lấy tiền và nguồn cung vũ khí từ đâu để làm điều đó? Đó là câu hỏi cũng là sự băn khoăn của nhiều người.

Một loạt chính phủ phương Tây, bao gồm Liên minh Âu - Mỹ đã xếp Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên cũng có một số nước không coi Hamas là khủng bố, trong đó có Na Uy và Thuỵ Sĩ, đã duy trì quan hệ ngoại giao với Hamas. Gần hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước Arập khu vực Trung Đông.

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1987, từ việc một số người Palestine thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông liên quan đến một lái xe người Israel và cuộc nổi dậy Intifada lần thứ nhất, sau đó của người Palestine chống lại sự chiếm đóng Bờ Tây và Gaza của Israel đã dẫn đến việc Ahmed Yassin (thủ lĩnh nhánh Anh em Hồi giáo ở Gaza) và 6 người Palestine khác đứng ra thành lập Hamas như một chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo (Ai Cập).

Hamas theo đường lối đối lập với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của cố lãnh đạo Yasser Arafat. Có những tuyên bố cho rằng chính Israel đã hỗ trợ tài chính cho Hamas trong những ngày đầu thành lập để xây dựng một đối trọng với PLO, mặc dù tất cả các bên liên quan đều phủ nhận Tel Aviv đóng bất kỳ vai trò nào trong việc thành lập tổ chức này.

Không giống như PLO, phong trào Hamas không công nhận tính hợp pháp của Nhà nước Israel. Biểu tượng của tổ chức này mô tả Mái Vòm Đá ở Jerusalem và đường viền lãnh thổ bao gồm Israel, Gaza và Bờ Tây như một Nhà nước Palestine duy nhất.

Vào năm 1989, Hamas thực hiện cuộc tấn công đầu tiên chống lại Israel, bắt cóc và giết chết 2 binh sĩ. Lực lượng Phòng vệ Israel ngay lập tức bắt người sáng lập Hamas, Yassin và kết án tù chung thân, đồng thời trục xuất 400 nhà hoạt động của Hamas tới nam Liban, nơi bị Israel chiếm đóng vào thời điểm đó. Cũng chính trong thời gian này Hamas đã xây dựng mối quan hệ với phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban.

Năm 1993, nhà lãnh đạo PLO Arafat bắt tay hoà bình với Israel qua Hiệp định Oslo, chấm dứt làn sóng Intifada thứ nhất, bắt đầu từ năm 1987. Hamas lập tức phản đối tiến trình hoà bình và tiếp tục các cuộc tấn công chống Israel.

Cho tới năm 2006, Hamas giành đa số áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử ở Gaza. Năm 2007, họ củng cố quyền lực của mình ở dải đất ven biển này thông qua một cuộc đảo chính vũ trang. Kể từ đó, Bờ Tây được kiểm soát bởi đảng Fatah theo đường lối ôn hoà, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, trong khi Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Hamas. Từ đó, Hamas tuyên bố tiếp tục cuộc chiến chống Israel từ bên trong Dải Gaza, rằng đó là “hành động tự vệ". Cho đến trước cuộc xung đột ngày 10/5 vừa qua, tổ chức này đã tham gia vào các cuộc giao tranh ác liệt chống lại các lực lượng vũ trang Israel vào các năm 2008/2009, 2012 và 2014.

Dải Gaza là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Biên giới trên bộ với Israel và Ai Cập cũng như biên giới trên biển luôn nằm trong tính trạng kiểm soát chặt chẽ.

Trong những cuộc tấn công bằng rocket vào Israel, Hamas thường đặt các sở chỉ huy trong các toà nhà chung cư. Vì thế, họ bị Israel cáo buộc sử dụng thường dân làm lá chắn sống. Hamas cũng bí mật đào các đường hầm dưới lòng đất để đưa vũ khí từ bên ngoài vào Gaza.

Trong tình thế Dải Gaza bị cô lập, vậy ai đã hỗ trợ cho Hamas? Các nguồn tin quốc tế cho rằng Qatar là đồng minh nước ngoài và nguồn hậu thuẫn tài chính quan trọng nhất của Hamas. Nhà lãnh đạo Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani là nhà lãnh đạo nhà nước đầu tiên đến thăm chính quyền Hamas vào năm 2012. Cho đến nay, Qatar có lẽ đã chuyển 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho Hamas. Hamas cũng được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia không coi phong trào này là khủng bố. Trong cuộc điện đàm ngay trước khi Hamas tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần đối với nhà lãnh đạo Ismail Haniyeh. Trong khi đó, theo tuần báo Der Spiegel của Đức thì các khoản quyên góp cho Hamas đang tăng lên.

Trong nhiều năm, Hamas được cho là phụ thuộc vào nguồn tên lửa do Iran cung cấp. Fabian Hinz, một chuyên gia về công nghệ tên lửa ở Trung Đông, cho biết các nhóm khác nhau ở Gaza đã mở rộng kho vũ khí tên lửa của Hamas. Ông Hinz cho rằng tổ chức này sở hữu hàng nghìn tên lửa. Tờ Jerusalem Post dẫn nguồn tin tình báo Israel ước tính Hamas sở hữu 5.000 - 6.000 rocket. Nhóm vũ trang Islamic Jihad của Palestine, vốn hợp tác với Hamas, cũng được cho là sở hữu kho vũ khí lớn hơn với 8.000 quả rocket.

Ông Hinz cho rằng rocket của Iran được tuồn lậu vào Gaza qua ngả Sudan, rồi Ai Cập. Kể từ khi lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019, hoạt động này trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, người ta cho rằng, kể cả không có sự trợ giúp từ bên ngoài, Hamas cũng có thể sản xuất được hầu hết kho rocket của mình ngay tại Dải Gaza.

Theo Fox News, hệ thống phòng không “Vòm Sắt” (Iron Dome) của Israel là sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Tel Aviv. Fox News dẫn nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ bắt đầu tài trợ cho hệ thống Vòm Sắt của Israel từ năm 2011 và 55% thành phần của hệ thống này hiện được sản xuất tại Mỹ. Israel là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ viện trợ quân sự của Mỹ, với tổng cộng khoảng 3,8 tỉ USD mỗi năm, đồng thời Mỹ đã cung cấp 1,6 tỉ USD cho hệ thống Vòm Sắt kể từ khi hệ thống này được đưa vào hoạt động. Kể từ khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, Mỹ đã hỗ trợ Israel 146 tỉ USD về phòng thủ tên lửa và quan hệ quốc phòng song phương. Trong bối cảnh xung đột leo thang, dư luận tại Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden xem xét và tạm ngưng việc hỗ trợ quân sự cho Israel. Theo hãng tin Reuters, một nhóm nhà lập pháp đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ đã đưa ra một nghị quyết tìm cách chặn việc bán vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 735 triệu USD cho Israel. Bà Alexandria Ocasio-Cortez, ông Mark Pocan và bà Rashida Tlaib là những nghị sĩ khởi xướng đề xuất này. Reuters dẫn lời bà Ocasio-Cortez cho biết: "Vào thời điểm mà rất nhiều người, bao gồm cả Tổng thống Biden, ủng hộ lệnh ngừng bắn, chúng ta không nên gửi vũ khí tấn công trực tiếp cho Thủ tướng Netanyahu".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lịch sử xung đột và chảo lửa Gaza

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO