Liên kết đào tạo đại học quốc tế: Bảo đảm chất lượng thế nào?

Nguyễn Hoài 28/11/2022 14:16

Xu hướng đi du học dần bão hòa và chuyển dần sang xu hướng theo học chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Tuy nhiên không phải chương trình đào tạo liên kết nào cũng đạt chất lượng.

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều người học. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vấn đề quốc tế hóa giáo dục đại học là một thực tiễn, là xu hướng và thực sự đang tạo ra những thay đổi rất lớn cho giáo dục đại học Việt Nam.

Theo bà Hoa, việc liên kết đào tạo với các nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Du nhập các chương trình tiên tiến của các nước giúp cho các trường đại học được tiệm cận dần với các chương trình tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục đại học nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng nhìn nhận, việc liên kết đào tạo này vừa là cơ hội vừa là thách thức. “Liên kết đào tạo có nhiều cái lợi nếu chớp được cơ hội, trong quá trình tiếp cận các nội dung liên kết đào tạo, đối tác đào tạo đúng sẽ nâng tầm giáo dục đại học, người học của chúng ta có lợi. Nhưng nếu lựa chọn không chuẩn xác, đối tác liên kết không đúng tầm, sẽ là bất lợi. Đây là những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện”, bà Hoa nói.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, cả nước có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học, nhiều chương trình đại học đã được xếp hạng và lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, dư luận băn khoăn về chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam? Bởi thực tế có cơ sở giáo dục chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng.

Trước câu hỏi về vấn đề quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm của Bộ GDĐT như thế nào, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho hay, tất cả các chương trình, bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo được mở ra tại các trường đều được kiểm định, bảo đảm theo các yêu cầu của Luật và Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Dự kiến, trong năm 2023, Bộ GDĐT sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc quản lý các chương trình liên kết đào tạo nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Việc rà soát không làm khó các nhà trường mà đồng hành, giúp các trường tìm ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế để các trường có thể tìm giải pháp làm tốt hơn nữa.

“Trong trường hợp nếu có những vi phạm, tùy mức độ chúng tôi sẽ căn cứ theo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục đào tạo để thực hiện”, bà Thủy cho biết.

Yêu cầu dừng đào tạo với chương trình không đúng cam kết

Liên quan đến việc bảo đảm chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, Bộ GDĐT căn cứ vào kết quả kiểm tra hậu kiểm, chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không đúng cam kết, hoặc, không bảo đảm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì Bộ sẽ yêu cầu dừng đào tạo. Trong trường hợp đó, người học được tạo điều kiện để chuyển sang học các chương trình tương tự khác.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT.

Để đảm bảo chất lượng chương trình liên kết đào tạo như chọn đối tác, môi trường pháp lý ổn định, đảm bảo quyền lợi cho người học, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, định hướng của Bộ GDĐT là cụ thể hóa hơn nghị định để các trường có chương trình liên kết đào tạo nước ngoài thực hiện. Việc xây dựng quy chế về tuyển sinh và đào tạo trong lĩnh vực đào tạo quốc tế sẽ là xu thế ổn định, tạo môi trường mở để các trường phát triển, tạo điều kiện cho người học lựa chọn được những chương trình tốt.

Liên quan đến định hướng chọn những chương trình tốt, Bộ GDĐT khuyến khích các nhà trường có chương trình đào tạo quốc tế tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp các nhà trường tăng uy tín.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc kiểm định cũng giúp các nhà trường rà soát toàn bộ quá trình đào tạo, đồng thời cũng đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp như thế nào. Kết quả kiểm định cũng mang lại những thông tin thiết thực cho người học và khẳng định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết đào tạo đại học quốc tế: Bảo đảm chất lượng thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO